Từ bỏ một công việc mà bạn đã tốn nhiều công sức để có được vì một việc không do mình gây ra thực sự rất đáng tiếc. Hãy điều chỉnh lại hành vi của mình, thể hiện thái độ từ chối một cách dứt khoát nhưng vẫn lịch sự, tế nhị.
Sếp ghét thì sợ mà sếp "quý quá" cũng gay!
Đó là lời mở đầu những dòng chia sẻ của một nữ nhân viên công sở trên group mạng xã hội. 24 tuổi, sau 2 năm ra trường và va vấp với không ít công việc khác nhau, Nguyễn Minh T. mới tìm được một công việc cô ưng ý. Thu nhập tốt, môi trường làm việc lại thoải mái, không gò bó giờ giấc, đồng nghiệp trẻ trung song khi nhận tháng lương chính thức đầu tiên cũng là lúc cô bối rối trước quyết định nghỉ việc vì "bị sếp quý quá".
"Mọi người cho em một lời khuyên với. Em năm nay 24 tuổi và hiện đang có một công việc có thể nói là điều em từng mơ ước. Bị sếp ghét thì khổ khỏi nói, giờ em mới biết sếp mà "quý quá" có khi còn khổ hơn.
Chuyện là em có vị sếp khoảng hơn 40 tuổi nhưng trông khá trẻ trung. Công việc của em thì hay phải làm việc chung với sếp. 2 tháng đầu thử việc không có vấn đề gì nhưng sau khi vào chính thức, em cảm thấy mọi chuyện không ổn chút nào.
Anh sếp tỏ vẻ rất quý em, chuyện chỉ dừng ở đó thì không nói nhưng em bắt đầu thấy khó chịu khi anh ta tranh thủ những lúc làm việc cùng nhau để động chạm cơ thể như cầm tay hay khoác vai. Những câu chuyện đùa cũng trở nên nhạy cảm hơn khi xa gần nói về "chuyện ấy".
Em thấy rùng mình, khó chịu và ám ảnh với những hành động đó mà không biết phải làm sao. Có lần đi liên hoan công ty, anh ta còn lợi dụng say rồi ôm em, hôm sau tỉnh thì xin lỗi. Em rất thích công việc này nhưng làm sao để xử lý chuyện kia đây. Nếu cứ thế này em sẽ phải nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực mất".
Ảnh minh họa.
Chuyện bị quấy rối nơi công sở có lẽ chẳng còn lạ lẫm gì. Ngay sau khi chia sẻ của cô nàng được đăng tải, rất nhiều chị em công sở đã nhiệt tình đưa ra bình luận.
"Nghỉ luôn đi chứ còn phải suy nghĩ gì nữa. Không làm việc này thì làm việc khác chứ ám ảnh như thế thì ai mà chịu được. Anh ta mà chưa vợ thì còn xem xét thì loại có gia đình rồi thì vứt ngay".
"Có mấy lão sếp chuyên "nuôi nhân viên để thịt" đó. Đừng để anh ta nghĩ rằng bạn ngồi ghế đó là trăm sự nhờ vào sự cất nhắc của anh ta. Nếu hành vi của anh ta quá đáng, bạn có thể cài máy ghi âm để làm bằng chứng, trước khi nghỉ việc cho mọi người rõ bộ mặt của hắn ta".
"Phải bình tĩnh nhé em ơi! Công việc tốt như vậy không phải lúc nào cũng tìm được đâu. Hãy thử tìm cách xoay chuyển tình cảm đó xem, làm những việc có thể trước khi đưa ra quyết định cuối cùng nhé".
Tuyệt chiêu đối phó chị em nhớ nằm lòng
Việc bị gạ gẫm nơi công sở khá phổ biến, nhất là đối với những nữ nhân viên trẻ, chưa có gia đình. Những cô gái này thường tỏ ra lúng túng, không biết phải làm sao khi bị lọt vào "mắt xanh" của sếp.
Một số chọn cách nộp đơn xin nghỉ việc luôn, số khác lại âm thầm chịu đựng vì nghĩ rằng nói ra thì mang tiếng xấu mà nghỉ việc vì bị gạ gẫm thì lại tiếc. Nhiều chị em còn không dám thổ lộ với ai vì sợ bị hiểu nhầm, không được thông cảm hay nảy sinh ghen tuông.
Theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, khi bị sếp gạ gẫm, việc đầu tiên bạn cần làm không phải sợ sệt hay phát điên lên và nộp ngay đơn nghỉ việc mà là thật bình tĩnh. Khi cấp trên tỏ ý tiếp cận bạn, hãy thu thập nhiều thông tin để xem xét họ đã có gia đình hay chưa. Nếu người đó thực sự đã có vợ, bạn cần thẳng thắn học cách từ chối ngay từ đầu và hạn chế tiếp xúc, không vì cả nể mà chuốc lấy những rắc rối về sau.
Nhiều người khá ngần ngại việc tỏ rõ thái độ với cấp trên song điều này là hoàn toàn nên làm vì theo ông Dennis Golden, CEO của Công ty tư vấn, giáo dục và đào tạo IM-Safe LLC tại Mỹ, việc sếp “theo đuổi” nhân viên có thể nhanh chóng leo thang từ cấp độ để ý đến tấn công dồn dập. Muốn không để mình rơi vào hoàn cảnh khó xử hay nhạy cảm, phải có thái độ rõ ràng, cho đối phương thấy rõ là bạn không muốn đón nhận việc tán tỉnh đó.
Nếu tình cảm của cấp trên mới dừng ở mức độ quý mến trên bình thường, bạn cần điều chỉnh lại hành vi cũng như thái độ của mình, tránh gây thêm những hiểu nhầm không đáng có. Lễ phép, không trốn tránh, không cợt nhả. Trong những cuộc trò chuyện, bạn cũng nên tránh các đề tài ngoài chuyện công việc.
Từ bỏ một công việc mà bạn đã tốn nhiều công sức để có được vì một việc không do mình gây ra thực sự rất đáng tiếc. Hãy điều chỉnh lại hành vi của mình, thể hiện thái độ từ chối một cách dứt khoát nhưng vẫn lịch sự, tế nhị. Trong trường hợp đối phương cố tình không hiểu và tiếp tục có những hành vi phản cảm, đừng ngần ngại xin nghỉ và tìm một công việc khác phù hợp với mình hơn.
"3 không" để "phòng hơn chữa"
Ảnh minh họa.
"Phòng tốt hơn chữa", để tránh bị rơi vào hoàn cảnh khó xử nơi công sở, các chị em đừng quên "3 không" dưới đây. Những lời khuyên này sẽ giúp bạn có một môi trường làm việc không ám ảnh với nỗi lo bị quấy rối.
Không bỏ qua giá trị bản thân
Có một suy nghĩ sai lầm mà rất nhiều cô gái vẫn "găm" trong đầu, đặc biệt với những cô nàng trẻ tuổi, mới đi làm đó là thành công của mình là kết quả của mối quan hệ tốt đẹp với sếp.
Đừng bao giờ bỏ qua giá trị của bản thân. Giữ mối quan hệ tốt với sếp nói riêng và các đồng nghiệp nói chung là điều được khuyến khích song điều đó không có nghĩa là bạn phải nhắm mắt chấp nhận tất cả những điều bản thân thấy khó chịu. Hãy chứng minh cho tất cả thấy rằng bạn ngồi vào được vị trí đó là nhờ năng lực và sẵn sàng dừng lại nếu không được tôn trọng, đánh giá đúng.
Không tạo không gian riêng tư
Trong các mối quan hệ nơi công sở, cần giữ khoảng cách nhất định. Việc ở chung trong các không gian riêng tư với sếp có thể khơi gợi những ý đồ của ai kia. Tốt nhất bạn nên hạn chế việc ở chung trong không gian riêng tư với sếp khác giới.
Trong những trường hợp không thể tránh được, hãy tìm cách để mọi việc trở nên công khai hơn. Ví dụ anh ta gọi bạn vào phòng riêng thì bạn có thể chọn một khoảng thời gian phù hợp, cố để cửa mở hoặc nhờ trước bạn thân "cứu cánh" bằng những cuộc điện thoại. Nếu là lời mời đi ăn hay hẹn vào giờ muộn mà không thể từ chối, hãy khéo léo sắp đặt thêm sự xuất hiện của một vài người bạn. Người sếp kia sẽ ngầm nhận ra ý của bạn và điều chỉnh những hành vi của mình.
Không ăn mặc khêu gợi
Ai cũng muốn bản thân xuất hiện trong hình ảnh đẹp nhất song không phải bộ cánh nào cũng phù hợp với mọi môi trường, hoàn cảnh. Khi đi làm, dù ở vị trí nào bạn cũng nên chọn những trang phục phù hợp, đảm bảo thẩm mĩ mà vẫn lịch sự, không khêu gợi.
Những trang phục hở hang sẽ khiến bạn dễ gặp phiền phức hơn, thậm chí khiến sếp bạn có thể hiểu nhầm rằng bạn đang "bật đèn xanh" cho anh ấy. Hãy dành những bộ cánh cuốn hút đó cho những buổi đi chơi hay đi tiệc.
Khi các nàng khẳng định được năng lực bản thân, có thái độ dứt khoát về mối quan hệ ngoài luồng đó, cấp trên của bạn sẽ biết mình không thể làm khó được cô nàng "không phải dạng vừa đâu". Chúc các chị em có môi trường làm việc tốt nhất để có thể phát huy hết khả năng nhé!