Có rất nhiều tin đồn về các biện pháp phòng ngừa COVID-19 như uống vitamin C, hay ăn tỏi. Vậy những cách làm này có thật sự hiệu quả hay không. Các chuyên gia Học viện Quân y sẽ giúp bạn giải đáp.
1. Nên vệ sinh cá nhân như thế nào để đề phòng lây nhiễm COVID-19?
Để phòng lây nhiễm COVID-19, cần vệ sinh cá nhân tốt. Đây là biện pháp dự phòng không đặc hiệu. Vệ sinh cá nhân gồm:
Vệ sinh bàn tay: Luôn giữ bàn tay sạch sẽ; rửa tay thường xuyên.
Vệ sinh thân thể: Tắm rửa hàng ngày. Dù vào mùa đông, vẫn cần tắm rửa hàng ngày để loại bỏ các tác nhân gây bệnh có thể bám trên da.
Vệ sinh quần áo: Quần áo là nơi tác nhân có thể bám vào (như nước bọt), vì vậy cần thay quần áo thường xuyên và giặt bằng xà phòng.
Vệ sinh tóc: Tóc dài, tóc rối… là nơi có thể chứa mầm bệnh (qua nước bọt người bệnh). Vì vậy, nên cắt tóc ngắn, với nữ giới nên cuốn hoặc búi tóc gọn gàng, gội đầu hàng ngày để hạn chế tối đa mầm bệnh có thể bám trên tóc.
Vệ sinh móng: Không để móng tay, móng chân dài. Móng tay, móng chân là nơi có thể chứa mầm bệnh COVID-19, do đó luôn cắt ngắn móng tay, chân và vệ sinh tay sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh.
2. Nên vệ sinh mũi, họng như thế nào để đề phòng lây nhiễm COVID-19?
Niêm mạc mũi, họng là cửa ngõ tấn công của virus COVID-19, do đó cần bảo vệ, tránh làm tổn thương các tế bào niêm mạc mũi, họng vì các nguyên nhân khác sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19. Các biện pháp vệ sinh mũi, vệ sinh răng miệng chung mặc dù không đặc hiệu nhưng cũng nên áp dụng để giữ cho mũi, họng trong trạng thái khỏe mạnh nhất, tránh viêm nhiễm ở khu vực này, không chỉ hạn chế lây nhiễm COVID-19 mà còn hạn chế lây nhiễm nhiều loại mầm bệnh khác.
3. Ăn nhiều tỏi có tác dụng chống COVID-19 không?
Trong dân gian, sử dụng tỏi làm giảm triệu chứng hoặc làm nhẹ các bệnh cảm cúm thông thường. Tuy chưa chứng minh được tỏi có tác dụng chống COVID-19 nhưng cũng không có chống chỉ định sử dụng tỏi để tăng sức đề kháng chung.
4. Nên duy trì chế độ ăn như thế nào để tăng sức đề kháng phòng chống COVID-19?
Không có chế độ ăn đặc hiệu để tăng sức đề kháng riêng với COVID-19.
Nên duy trì chế độ ăn hợp lý, đủ chất đinh dưỡng, có thể bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng chung. Do chưa loại trừ khả năng lây qua thức ăn nên thực hiện “ăn chín uống sôi”. Tuyệt đối không ăn đồ ăn sống như tiết canh, thịt sống, đặc biệt là tiết canh, thịt sống của động vật hoang dã.
5. Vì sao cần giữ ấm cơ thể để đề phòng lây nhiễm COVID-19?
Giữ ấm cơ thể giúp cho sức đề kháng chung của cơ thể được tốt hơn. Một số cơ quan khi bị lạnh có thể dẫn đến bị viêm nhiễm như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19; đồng thời nếu bị nhiễm thêm COVID-19 sẽ có nguy cơ làm bệnh nặng hơn.
6. Nên chuẩn bị tâm lý như thế nào để vượt qua đại dịch COVID-19?
Công tác tâm lý cần được chuẩn bị cả cho người đã bị nhiễm COVID-19 cũng như người chưa nhiễm; tâm lý cả cho cá nhân và cho cộng đồng.
Thực tế diễn biến dịch tại Trung Quốc cho thấy tỷ lệ tử vong COVID-19 thấp hơn so với SARS và MERS; các trường hợp bị bệnh bên ngoài Trung Quốc cũng hiếm có trường hợp tử vong; những người tử vong đa số là người bị nhiễm ngay từ Trung Quốc trước khi đi ra nước ngoài. Vì vậy, bệnh COVID-19 không nguy hiểm bằng SARS và MERS. Một trong các nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc cao là do công tác tâm lý. Hiện nay, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp tâm lý cho cả cộng đồng bệnh nhân trong các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly và đã đem lại hiệu quả rất tích cực. Vì vậy, mỗi cá nhân không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng về dịch bệnh.
Trên thực tế, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của nước ta rất hiệu quả và đã được WHO ghi nhận. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các biện pháp phòng chống dịch đã và đang được triển khai quyết liệt và đồng bộ từ trung ương đến các bộ ngành, địa phương trong cả nước. Chắc chắn chúng ta sớm kiểm soát được dịch COVID-19 và có thể Việt Nam - lần thứ hai sau dịch SARS - sẽ lại được thế giới biết đến chiến thắng trước dịch bệnh, đặc biệt nguy hiểm. Trên tinh thần đó, cộng đồng chúng ta tự tin, không hoang mang để tránh xảy ra các khủng hoảng xã hội vì dịch bệnh.
Hy vọng tài liệu này là một cẩm nang kiến thức thường thức để giúp mỗi người nâng cao ý thức để bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ cộng đồng, cùng nhau chúng ta vượt qua đại dịch COVID-19.