Mặc dù cãi lời bà "đôm đốp" nhưng bé Soup vẫn ngoan ngoãn há miệng để bà cho ăn.
Làm mẹ bỉm sửa ở độ tuổi U50, lại là khi đã có cháu nội, cô hiệu phó Văn Thùy Dương - con gái út của nhà giáo Văn Như Cương dường như luôn có rất nhiều câu chuyện thú vị xung quanh chuyện dạy dỗ hai con trai nhỏ và cháu nội đáng yêu đang ở cùng độ tuổi. Những câu chuyện đó luôn thu hút sự chú ý của mọi người bởi nó không chỉ hài hước, hóm hỉnh mà còn thực tế, giúp cho nhiều bà mẹ rút ra được những kinh nhiệm cho chính bản thân mình.
Cô giáo Văn Thùy Dương được khen là mẫu mẹ chồng tâm lý, bà nội hài hước vui vẻ.
Cô sinh thêm 2 con ở độ tuổi ngũ tuần.
Mới đây nhất, bà mẹ U50 chia sẻ một tình huống hài hước giữa mình và cháu nội Soup (con trai ca nương Kiều Anh và Văn Quỳnh), từ đó lộ lên một cậu bé Soup quá đỗi đáng yêu, làm "tan chảy" trái tim của bà nội. Còn cô Văn Thùy Dương khéo léo biết cách khơi gợi khả năng tư duy, suy nghĩ của Soup.
Cô giáo Văn Thùy Dương viết: "Thằng Soup, thằng Tomyum và những gì làm tan chảy trái tim bà nội!
Bà nội có Cơm, Canh nên không được như các bà nội khác, tuy nhiên một phần trái tim bà vẫn hướng về Soup và Tomyum của bà như một lẽ thường tình! Mỗi lần gặp Soup bà đều tranh thủ trêu Soup để nhận về những câu nói hóm hỉnh đáng yêu của thằng cháu đáng yêu!
Một lần Soup không chịu ăn thế là bị bà doạ:
- Không ăn bà lấy lại nhà đấy! (các bà chẳng hay dọa thế). Cho Cơm, Canh ngủ phòng Soup và Tomyum còn mẹ Hin (biệt danh của con gái cô Văn Thùy Dương - PV) ở phòng bố Quỳnh và mẹ Kiều!
- Không! Nhà của con! Soup nói rất dứt khoát. Tuy cãi bà vậy nhưng Soup vẫn há miệng để bà xúc cơm... có lẽ sợ mất nhà.
Vài miếng lại không ăn! Bố Quỳnh bảo: "Bà lấy lại nhà, lấy lại xe đi!". Bà nghe thế được thể bảo:
- Nhà Soup của bà, xe bố Quỳnh cũng của bà, Soup và Tomyum cũng của bà... đang định nghĩ thêm câu nữa cho Soup sợ thì Soup quay ra nhìn bà tủm tỉm tiếp lời bà:
- Cả bố Quỳnh mẹ Kiều cũng của bà.
Ôi tôi tan chảy hết tất cả mất thôi! Yêu quá thằng cháu nội! Tomyum nghe thấy lè lưỡi bảo: "Soup đúng là cao thủ".
Hai anh em Soup luôn được bà cưng chiều.
Sự hài hước, hóm hỉnh của cả hai bà cháu Văn Thùy Dương ngay lập tức nhận được lời khen của mọi người. Nhất là bé Soup có tài ứng xử nhanh nhạy và đầy thông minh.
Không chỉ được yêu thích trên bục giảng, cô Văn Thùy Dương còn được mọi người yêu mến khi là mẫu bà nội yêu cháu và thường xuyên có những cách dạy rất hay.
Trong một lần đón cháu nội đi học về, bà nội vô tình phát hiện hôm đó ở lớp cháu có đánh bạn. Cô Văn Thùy Dương liền đề cập ngay với Soup.
"Hôm nay cùng bố Soup đi đón Soup! Trên đường về thấy mẹ Soup điện thoại cho bố Soup và đọc nhận xét của cô giáo Soup cho bố Soup nghe. Trong đó có đoạn đại ý là con còn chưa kết hợp với các bạn, thi thoảng nói bạn không nghe lại làm bạn đau (ý là đánh bạn đấy). Bà bèn hỏi Soup:
- Tại sao Soup đánh bạn?
Im lặng!
- Soup có đánh bạn không? - Bà đổi câu hỏi! Giọng hơi có tý thép!
Im lặng!
- Soup có đánh bạn không? - Bà đổi chiến thuật nhẹ nhàng hỏi.
Cuối cùng Soup cũng trả lời.
- Soup "đánh rắm"!
Hết nói luôn!".
Cách tiếp cận vấn đề với trẻ nhỏ của cô Văn Thùy Dương nhận được lời khen từ mọi người: khoa học và hiểu tâm lý trẻ. Khi bé mắc lỗi, nếu cha mẹ chất vấn con bằng những câu hỏi “tại sao” sẽ khiến bé rất lúng túng, sợ sệt và không trả lời được. Thay vào đó, cha mẹ có thể hỏi con bằng những câu hỏi “Có/Không” sẽ khiến con dễ đáp lời hơn.
Chính vì thế, cha mẹ có thể áp dụng cách tiếp cận vấn đề như cô giáo Văn Thùy Dương để hiểu được tâm lý trẻ hơn.