Lạ hơn nữa, có những khi con tôi đói khóc tới khan tiếng, vợ ngồi ngay đó cũng không chịu bế thằng bé lên cho bú.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Sau khi kết hôn, tôi chia rõ trách nhiệm với vợ, tôi là đàn ông sẽ chịu trách nhiệm kiếm tiền mua nhà. Vợ tôi lo nội trợ, vun vén việc gia đình.
Hồi mới cưới vợ chồng phải đi thuê nhà, tôi đặt mục tiêu đúng 3 năm là phải mua được chung cư và đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Tròn 3 năm ngày cưới, tôi mua được căn chung cư rộng 80m2 với giá 2,4 tỷ, vay ngân hàng 30%. Để làm được như thế, tôi phải cày ngày cày đêm, ngoài việc công ty phải nhận việc bên ngoài để kiếm thêm thu nhập, đương nhiên không có thời gian để ý mấy việc gia đình.
Mua nhà xong vợ chồng tôi mới sinh con nhưng kể từ khi vợ có bầu thì giữa 2 đứa thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, nhiều khi còn cãi nhau to. Tất cả cũng tại vợ tôi mang thai tính tình thay đổi. Trước kia tôi đã phân công rõ ràng trách nhiệm của 2 vợ chồng là như thế, vậy mà giờ cô ấy lại thay đổi thái độ, suốt ngày trách móc chồng:
“Anh lúc nào cũng chỉ biết tới công việc. Cái em cần không phải là tiền anh mang về nhiều hay ít, em cần có anh ở bên chăm sóc lúc vợ bầu bí”.
Có những ngày vợ đi khám thai nhờ tôi chở đi nhưng bận việc tôi chỉ đưa tiền bảo cô ấy tự gọi taxi (Ảnh minh họa)
Tôi thừa nhận mình không có thời gian chăm vợ nhưng là đàn ông tôi phải lo cho sự nghiệp, hơn nữa ngoài lo tài chính chi tiêu trong nhà mỗi tháng, tôi còn gánh trên vai khoản nợ ngân hàng nên không thể không chuyên tâm lo kiếm tiền.
Thậm chí những ngày nghỉ tôi cũng phải tranh thủ làm thêm. Có những ngày vợ đi khám thai nhờ tôi chở đi nhưng bận việc tôi chỉ đưa tiền bảo cô ấy tự gọi taxi. Rồi vợ lại dằn dỗi khóc:
“Anh lúc nào cũng chỉ tiền tiền. Làm vợ anh, mang thai đứa con của anh mà em như mẹ đơn thân. Biết thế em chẳng chửa đẻ làm gì cho khổ”.
Vợ tôi suốt ngày so sánh kể vợ người ta có bầu được chồng chăm sóc, quan tâm đưa đi khám, đưa đi ăn còn tôi toàn bỏ mặc cô ấy. Cũng hiểu vợ không nói sai song bản thân tôi có rất nhiều áp lực công việc, đâu ngồi chơi mà em lại không hiểu cho chồng. Vậy là 2 đứa cứ cãi nhau qua lại như thế khiến tôi nhiều khi mệt mỏi tinh thần tới mức hết giờ làm chẳng muốn về nhà vì sợ 2 đứa lại cãi lộn.
Chờ đợi mãi cũng tới ngày vợ tôi sinh, tưởng rằng cuộc sống sẽ bình yên trở lại. Ai ngờ sau sinh vợ tôi như biến thành người khác, chẳng mấy khi nói cười, cứ lầm lì đi lại trong nhà không khác gì tàu điện, nhiều khi tôi hỏi cô ấy cũng chẳng buồn trả lời cứ ngồi thẫn thờ như người mất hồn.
Lạ hơn nữa, có những khi con tôi đói khóc tới khan tiếng, vợ ngồi ngay đó cũng không chịu bế thằng bé lên cho bú. Nghĩ vợ làm mẹ mà vô trách nhiệm, không chịu dỗ con, tôi bực mắng em làm mẹ kiểu gì mà lại thế. Ai ngờ cô ấy quay ra gào khóc bảo:
“Anh giỏi thì tự ở nhà mà chăm con anh đi. Tôi mệt mỏi lắm rồi, không còn sức bế nó”.
Cho đến hôm ấy, tôi đi tiếp khách về muộn lại uống nhiều rượu, tới nhà là leo lên giường ngủ một mạch không để ý tới vợ con. Khoảng 2h sáng tỉnh giấc, tôi giật mình thấy vợ ngồi ôm con trong bóng tối, miệng vẫn lẩm bẩm ru mà mặt vô hồn, 2 mắt đỏ ngầu, quầng mắt thâm đen do thiếu ngủ nhiều ngày, chằm chằm nhìn bóng đêm không chớp.
Cũng may tôi tỉnh ngộ kịp thời nếu không sẽ có một ngày tôi ân hận không kịp (Ảnh minh họa)
Nhìn vợ, tôi tỉnh hẳn ngủ, nhận ra tại mình quá vô tâm không giúp đỡ vợ chăm con nên cô ấy mới mệt mỏi tới thế. Nghĩ vậy tôi rùng mình nhớ lại câu chuyện đồng nghiệp kể lúc chiều về hàng xóm của họ bị trầm cảm sau sinh. Bởi chồng quá vô tâm mà cô ấy ôm con tự vẫn. Xâu chuỗi lại những biểu hiện gần đây của vợ, tôi lạnh sống lưng, vã mồ hôi hạt.
Hiểu rằng mình quá đáng trách, ngay hôm sau tôi quyết định sắp xếp lại thời gian biểu của mình để dành thời gian cùng vợ chăm lo con cái gia đình. Cũng may tôi tỉnh ngộ kịp thời nếu không sẽ có một ngày tôi ân hận không kịp.
Các dấu hiệu và triệu chứng giúp nhận biết trầm cảm sau sinh – Tâm trạng chán nản, bồn chồn, ủ rũ – Khóc nhiều – Xa lánh gia đình và bạn bè – Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường – Mất ngủ triền miên hoặc ngủ quá nhiều – Mệt mỏi quá mức – Không có hứng thú hay niềm vui với các hoạt động xung quanh ngay cả khi thường ngày yêu thích – Thường xuyên có cảm giác, khó chịu và tức giận – Luôn lo lắng rằng mình không phải là một người mẹ tốt – Không có hứng thú với em bé hoặc cảm thấy em bé dường như không phải là con của mình – Giảm trí nhớ, giảm khả năng suy nghĩ tập trung hoặc đưa ra quyết định – Suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé – Suy nghĩ thường xuyên về cái chết hoặc tự tử Nếu không được nhận biết sớm và điều trị, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc lâu hơn và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. |