Bác sĩ chuyên về ung thư ăn gì vào bữa sáng? 2 loại thực phẩm họ nhất định không ăn để tránh bệnh

Ngày 28/08/2023 18:58 PM (GMT+7)

Quyết định ăn gì vào bữa sáng có thể là một trong những lựa chọn đầu tiên bạn đưa ra trong ngày liên quan tới sức khỏe tổng thể của chính bạn, bao gồm cả nguy cơ mắc ung thư.

Nhiều loại thực phẩm giúp cải thiện sức khỏe tim cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, bác sĩ Suneel Kamath, một chuyên gia ung thư nội khoa tại Cleveland Clinic (Mỹ), cho biết.

Đối với Kamath, giống như nhiều chuyên gia khác, ăn uống lành mạnh có nghĩa là tuân theo nguyên tắc của chế độ ăn Địa Trung Hải, bao gồm tập trung vào nguồn protein nạc, rau xanh lá, trái cây tươi, hạt và dầu ô liu; đồng thời hạn chế lượng thực phẩm siêu chế biến, tinh bột tinh chế và thịt đỏ.

"Một bữa sáng lành mạnh thực sự có thể khởi đầu một ngày đúng cách", Elizabeth Comen, bác sĩ điều trị ung thư vú tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), cho biết. Ngoài việc giúp ngăn ngừa ung thư, lựa chọn thực phẩm thông minh có thể góp phần cải thiện kết quả chữa trị, Hội Ung thư Mỹ cho biết.

Nhưng việc cố gắng thay đổi hẳn thói quen ăn uống có thể khiến nhiều người ngại và dễ nản. "Đặc biệt trong tình huống đã được chẩn đoán mắc ung thư và lo lắng về sức khỏe, việc cố gắng thay đổi lối sống có thể làm bạn thấy áp lực. Vì vậy, chúng tôi thường bắt đầu từ những điều nhỏ", bác sĩ Comen nói.

Theo chuyên gia, điều này có thể đơn giản như thay nước cam bằng một ly nước lọc vào buổi sáng hoặc đi dạo trong vòng 10 phút trong ngày. Theo thời gian, những thay đổi nhỏ như vậy sẽ trở thành những thành công lớn.

"Và nếu vì bất kỳ lý do gì, bữa sáng không thực sự hoàn hảo không có nghĩa là bữa trưa, bữa tối… đều vô nghĩa. Bạn luôn có thể tìm ra cách để ăn uống lành mạnh, và đừng biến việc này thành cách trừng phạt bản thân”, Comen nói.

Các chuyên gia về ung thư ăn gì vào bữa sáng?

Bột yến mạch kèm trái cây, các loại hạt

Yến mạch cùng các loại hạt, trái cây là món ăn sáng được nhiều bác sĩ yêu thích. (Ảnh minh họa)

Yến mạch cùng các loại hạt, trái cây là món ăn sáng được nhiều bác sĩ yêu thích. (Ảnh minh họa)

Đối với bác sĩ Jennifer McQuade, chuyên khoa ung thư da tại Trường Đại học Texas (Mỹ), hầu hết các buổi sáng đều bắt đầu với bột yến mạch. Chuyên gia thường thích dùng loại yến mạch cắt nhỏ vì có nhiều chất xơ hơn. Loại này chưa qua chế biến nhiều nên cần nấu lâu hơn so với các loại yến mạch khác (như yến mạch cán dẹt). Sau khi nấu yến mạch, bác sĩ McQuade thích thêm hạt lanh, hạt hướng dương, hạt bí hoặc bất kỳ loại hạt và quả hạch hay trái cây khô nào có sẵn.

"Tôi cố gắng bổ sung nhiều chất xơ tốt, cùng với chất béo lành mạnh từ các loại hạt và sau đó là các chất dinh dưỡng thực vật từ trái cây khô", cô giải thích.

Cháo yến mạch cũng là một trong những bữa sáng yêu thích của bác sĩ Kamath. Anh thường thêm dâu tây và hạnh nhân giúp món ăn vừa ngon hơn vừa thêm chất béo lành mạnh, giúp no lâu. "Món này không chứa nhiều protein (so với một số lựa chọn khác), nhưng có thể giúp tôi no tới bữa trưa", Kamath nói.

Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt với bơ lạc và trái cây

"Hầu như sáng nào tôi cũng ăn hai lát mỏng bánh mì nguyên hạt với bơ lạc", Elizabeth Platz, một chuyên gia về ung thư tại Đại học Johns Hopkins, cho biết.

Bác sĩ cũng thêm một lớp mỏng bơ lót giữa bánh mì và bơ lạc, đồng thời ăn kèm vài loại trái cây theo mùa mà chồng mình mua ở chợ nông sản, dịp gần đây nhất là đào và mận.

Chuyên nghiên cứu các yếu tố nguy cơ cho ung thư tuyến tiền liệt và đại tràng, giáo sư Patz luôn chú ý tránh ăn những thứ làm tăng đột ngột lượng đường huyết vào buổi sáng vì điều này liên quan đến tiền tiểu đường và nguy cơ mắc ung thư trong tương lai.

Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và bơ lạt giàu dinh dưỡng, phù hợp cho bữa sáng. (Ảnh minh họa)

Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và bơ lạt giàu dinh dưỡng, phù hợp cho bữa sáng. (Ảnh minh họa)

"Mặc dù bơ lạc chứa nhiều chất béo nhưng lại làm tăng hay giảm đường huyết chậm hơn", chuyên gia giải thích. Nếu không ăn bơ lạc với bánh mì vào buổi sáng, cô sẽ ăn bột yến mạch với chút quả mâm xôi tươi.

Thanh protein

Có hai con, một bé 3 tuổi, một bé 6 tháng, và lịch hẹn dày đặc với các bệnh nhân, bác sĩ Kamath thường chọn bữa sáng nhanh gọn. Anh thường ăn thanh protein để được cung cấp nhiều calo nhanh chóng.

Nhưng bác sĩ chỉ chọn các thanh protein đáp ứng yêu cầu cụ thể. "Thường tôi tìm những loại có ít nhất 12g protein, và lý tưởng là khoảng 20g. Nhiều hơn thế thì thanh protein khó ăn", chuyên gia cho biết.

Thanh protein bác sĩ Kamath chọn cũng phải có 4-6g chất xơ và dưới 15g đường. Một số loại cũng cung cấp rất nhiều vitamin B, vitamin C…

Sữa chua kèm hạt và quả mâm xôi

"Vài năm gần đây, chúng ta biết thêm nhiều về vi khuẩn đường ruột và vai trò của nó với nguy cơ mắc và khả năng ngăn ngừa ung thư", chuyên gia McQuade nhận định. Đây cũng là là lý do tại sao cô cố gắng bổ sung thực phẩm probiotic - như sữa chua - vào chế độ ăn của mình.

Bác sĩ ăn sữa chua tự nhiên không đường và thêm vào một chút hạt và trái cây khô hoặc trái cây tươi, đặc biệt là quả mâm xôi.

Nhưng cô cẩn trọng chỉ ăn sữa chua không đường lên men tự nhiên thay vì sữa chua được bổ sung vi khuẩn. 

Chuyên gia Comen cũng thích ăn sữa chua Hy Lạp không béo kèm với việt quất vào bữa sáng hoặc món ăn nhẹ "vì nó cung cấp nhiều protein tốt, ít đường và việt quất cũng có tính chống oxy hóa”. Với những trái cây đã rất chín, bác sĩ cất lên ngăn đá để làm sinh tố cùng với sữa chua Hy Lạp và một ít bột protein.

Frittata - trứng đúc kiểu Ý với rau theo mùa

Khi nói đến việc ngăn ngừa ung thư, ăn nhiều rau củ và rau xanh lá là một ưu tiên hàng đầu nhưng không phải ai cũng dễ dàng thực hiện vào buổi sáng. 

Đó là lý do tại sao McQuade thường thêm chút rau xào trong món trứng đúc. Bác sĩ sẽ sử dụng một số loại rau giàu chất xơ như bông cải xanh, cải xoăn, rau cải chân vịt hoặc rau rừng - bất kỳ loại nào rộ mùa thời điểm đó. Những thành phần phổ biến khác của món trứng đúc này như hành và tỏi "thực sự tốt về mặt thực phẩm tiền vi sinh vật, giúp tăng cường sức khỏe hệ vi sinh vật đường ruột”, chuyên gia giải thích.

Trứng, đặc biệt là lòng đỏ, có thể là một loại thực phẩm gây tranh cãi. Đối với McQuade, "trứng là nguồn tốt của protein sạch và một số chất béo tốt" nhưng nên ăn vừa phải.

Cà phê

Mặc dù thích uống trà hơn, theo bác sĩ Kamath, từ góc độ ung thư, dường như cà phê có một số lợi ích bảo vệ. Ngay cả những người uống cà phê không có caffein cũng có thể có những lợi ích đó.

"Theo dữ liệu khoa học, trong phần lớn các trường hợp, nguy cơ ung thư thường giảm khi tiêu thụ cà phê vừa phải. Nhưng thật sự, đó không phải là lý do tôi uống nó. Thiếu cà phê, hầu như tôi khó làm việc”, chuyên gia McQuade nói.

Bác sĩ Platz cũng thường xuyên uống cà phê và cô nói rằng việc này giúp thúc đẩy hoạt động của não vào buổi sáng.

2 thực phẩm các bác sĩ ung thư tránh ăn trong bữa sáng:

Thịt chế biến sẵn, bánh ngọt... là những thứ các bác sĩ không thích cho bữa sáng. (Ảnh minh họa)

Thịt chế biến sẵn, bánh ngọt... là những thứ các bác sĩ không thích cho bữa sáng. (Ảnh minh họa)

Thịt chế biến sẵn

"Tôi thấy trong bữa sáng kiểu Mỹ truyền thống thường có rất nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn như thịt xông khói hoặc xúc xích. Tôi sẽ tránh xa những thứ đó và tập trung hơn vào các nguồn protein tốt", bác sĩ Kamath cho biết. 

Ăn ít thịt nói chung và đặc biệt là giảm thịt đã qua chế biến và thịt đỏ có liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

Tuy nhiên, nếu bạn thực sự thích các món đó, có thể ăn lượng vừa phải vào một ngày trong tuần bởi việc loại bỏ hẳn nó có thể khiến bạn thấy áp lực.

Thực phẩm đóng gói sẵn, có đường hoặc đã qua xử lý mạnh

"Tôi thường tư vấn cho bệnh nhân của mình dùng những thực phẩm nguyên chất. Bạn nên nhìn rõ những món mình ăn và biết nó chứa gì bên trong”, bác sĩ McQuade nói.

Thực phẩm đóng gói sẵn, như nhiều loại ngũ cốc và bột yến mạch ăn liền, thường được thêm đường và tinh bột tinh lọc - những thứ mà các chuyên gia thường tránh. Những thực phẩm này cũng có rất nhiều chất nhũ hóa và chất ổn định có thể ảnh hưởng xấu đến vi khuẩn đường ruột.

Bác sĩ Platz cũng không ăn các loại thực phẩm tự chế biến chứa nhiều tinh bột tinh chế, như bánh pancakes và waffle kèm siro, để tránh tăng đột ngột đường huyết.

Bánh ngọt cũng nằm trong danh mục này. "Chúng có vẻ ngon khi ăn nhưng bạn sẽ mau đói. Chúng không có giá trị dinh dưỡng nào và cuối cùng không giúp bạn tốt hơn”, chuyên gia Comen giải thích.. 

Dành thời gian để cân nhắc về lựa chọn thức ăn

Không chỉ cần chú ý hơn thực phẩm mình ăn, các chuyên gia Kamath và Platz cũng khuyến khích mọi người thận trọng với lượng mình ăn vào và cảnh báo thừa cân và béo phì là các yếu tố nguy cơ cho nhiều loại ung thư.

Nhưng thay vì tập trung vào giới hạn calo hoặc giảm cân, Comen khuyến khích bệnh nhân của mình để ý đến lý do họ ăn và cảm nhận khi ăn. "Đây không chỉ là về con số trên cân nặng, mà còn về việc cung cấp nhiên liệu cho cơ thể để khỏe mạnh và tự tin vượt qua một ngày".

Kết hợp việc này với hoạt động thể chất đều đặn và có ý thức trong việc lựa chọn thức ăn là một cách để tạo ra những thay đổi lành mạnh trong dài hạn với sức khỏe và cuộc sống của bạn.

Bí quyết trẻ mãi không già của nhiếp ảnh gia 56 tuổi nhưng trông như 30, nhìn bữa sáng mà sửng sốt
Dù đã 56 tuổi nhưng nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Singapore vẫn có vẻ ngoài trẻ trung đến không tưởng.

Sống khỏe

Theo Yên Minh (Dịch từ Today)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe