SKĐS - Trời lạnh, uống mật ong theo cách này hại khủng khiếp, 4 sai lầm nhất định cần tránh khi dùng mật ong.
Uống mật ong với nước quá nóng có thể làm xáo trộn các chất hóa học của nó, làm thay đổi hoàn toàn các hợp chất của mật ong gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (Hoa Kỳ), không nên đun nóng mật ong vì nó có thể gây ra tác dụng phụ. Nấu chín mật ong sẽ làm mất đi các enzym và chất dinh dưỡng thiết yếu của nó. Tiêu thụ mật ong đã nấu chín thậm chí còn khiến con người bị mê sảng, hoặc gây tử vong.
Theo đó, khi nấu mật ong đến 40 độ C sẽ gây ra sự thay đổi hóa học tiêu cực khiến mật ong có vị đắng. Theo Ayurveda (hệ thống y học Hindu truyền thống của Ấn Độ), sau khi được nấu chín mật ong sẽ chảy, dính chặt tương đương với keo. Các phân tử trong mật ong có thể sẽ bám chặt vào màng nhầy trong đường tiêu hóa, tiếp tục tạo ra độc tố, được gọi là Ama (thức ăn không tiêu), trở thành nguyên nhân gốc rễ của việc tăng cân, các bệnh về đường hô hấp, các vấn đề tiêu hóa và mất cân bằng đường huyết.
Bên cạnh việc đun nóng và nấu chín mật ong, việc sử dụng nước nóng để pha mật ong cũng không hề tốt. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng nước nóng trên 60 độ C pha mật ong sẽ làm tăng đáng kể hydroxymethyl furfuraldehyde (HMF) - đây là một chất gây ung thư trong tự nhiên.
Sử dụng mật ong đúng cách mới phát huy tác dụng tốt. Ảnh minh họa
Uống mật ong khi vừa ngủ dậy
Vừa ngủ dậy bụng còn trống rỗng nếu vội uống nước mật ong hay nước chanh mật ong ngay sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, làm hại dạ dày, gây ra triệu chứng đau bụng, tiêu chảy.
Hơn nữa, mật ong chứa nhiều đường, có thể gây lượng đường trong máu tăng cao, nếu bệnh nhân tiểu đường, đường huyết cao sử dụng mật ong vào thời điểm đói bụng thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Do đó, mọi người nên uống một cốc nước ấm, ăn nhẹ thứ gì đó rồi mới nghĩ đến việc uống nước mật ong hay nước chanh mật ong.
Bảo quản mật ong sai cách
Nếu bảo quản mật ong không đúng cách, mật ong có thể mất một số đặc tính kháng khuẩn, bị nhiễm khuẩn hoặc bắt đầu biến chất, gây hại đến người dùng.
Bạn nên để mật ong trong bình, lọ thủy tinh và hộp thép không gỉ có nắp đậy kín. Nên đặt chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát: Mật ong lý tưởng nên được bảo quản dưới 50°F (10°C). Tuy nhiên, bảo quản ở nhiệt độ phòng mát từ 50–70°F (10–20°C) nói chung vẫn tốt.
Dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi
Mật ong trong quá trình vận chuyển hay pha chế đều dễ bị ô nhiễm botulinum, các bào tử này vẫn có thể tồn tại cả trong nhiệt độ 100 độ C.
Trong khi đó, trẻ nhỏ có chức năng tiêu hóa, chức năng thải độc gan chưa hoàn chỉnh khiến cho botulinum dễ dàng xâm nhập vào thành ruột, gây ngộ độc. Vì vậy, kể cả đối với trẻ hơn 1 tuổi, khi dùng mật ong cần phải chú ý đúng liều lượng phù hợp.
Người đái tháo đường có nên dùng mật ong?
Mật ong chứa nhiều glucose và fructose - các loại đường đơn giản, có thể được hấp thụ trực tiếp vào máu.
Bệnh nhân đái tháo đường nếu thường xuyên sử dụng mật ong sẽ làm cho lượng đường trong máu gia tăng rất nhanh khiến họ có nguy cơ phải đối diện với nhiều biến chứng. Tốt nhất người mắc bệnh đái tháo đường nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng mật ong.