Ăn rau gì để giảm mỡ máu? Mỡ máu bao nhiêu thì là cao?

Ngày 03/08/2022 16:13 PM (GMT+7)

Mỡ máu cao có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm tới sức khỏe. Một chế độ ăn uống lành mạnh hoàn toàn có thể giúp giảm mỡ máu.

Mỡ máu là gì?

Mỡ máu là tên gọi thông thường của lipid máu, bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó thành phần quan trọng nhất là cholesterol. 

Nhiều người cho rằng cholesterol là thành phần xấu, có thể gây hại cho sức khỏe. Trên thực tế, cholesterol là một thành phần cần thiết trong cơ thể góp mặt trong nhiều bộ phận như cấu trúc màng tế bào , tiền chất tạo vitamin D và một số hormon, giúp chúng ta phát triển và hoạt động khỏe mạnh. Cholesterol chỉ gây hại khi có sự rối loạn giữa các loại cholesterol, mà bệnh lý điển hình gây ra là xơ vữa động mạch.

Vì là chất mỡ không hòa tan trong nước, cholesterol và các chất mỡ như triglyceride phải kết hợp với chất dễ tan trong nước là lipoprotein để dễ di chuyển trong máu. Vì vậy, khi xét nghiệm lượng mỡ máu ngoài tổng số Cholesterol, người ta còn phân tích cholesterol theo các loại Lipoprotein , trong đó có 2 loại quan trọng đó là LDL cholesterol (lipoprotein tỷ trọng thấp) "mỡ xấu" và HDL cholesterol (lipoprotein tỷ trọng cao) "mỡ tốt". Mỡ máu tăng cao khi tỷ lệ LDL cholesterol cao và tỷ lệ HDL cholesterol thấp.

Ăn rau gì để giảm mỡ máu? Mỡ máu bao nhiêu thì là cao? - 1

Một thành phần quan trọng khác của mỡ máu đó là triglycerid, còn được gọi là chất béo trung tính, đóng vai trò quan trọng như là nguồn cung cấp năng lượng và chuyên chở các chất béo trong quá trình trao đổi chất . Nhưng nếu chỉ số tăng cao sẽ gây xơ vữa mạch. Tăng triglycerid thường gặp ở người bị béo phì, lười vận động, đái tháo đường, uống nhiều rượu bia và hút nhiều thuốc lá. Những người bị tăng chỉ số này thường kéo theo tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL cholesterol và giảm HDL cholesterol.

Mỡ máu bao nhiêu là cao?

Hầu hết những người bị tăng lượng cholesterol trong máu đều không có dấu hiệu gì rõ rệt, chúng sẽ phát triển thầm lặng trong cơ thể. Do vậy việc duy nhất để biết được mỡ máu bao nhiêu là cao là đi xét nghiệm máu.

Các chỉ số bình thường của các thành phần mỡ có trong máu:

- Cholesterol toàn phần: < 5.2 mmol/L 

- LDL cholesterol: < 3.3 mmol/L

- Triglycerid: < 2.2 mmol/L

- HDL cholesterol: > 1.3 mmol/L

Nếu các chỉ số trên ở mức khác thường, các xét nghiệm cho kết quả cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, triglyceride cao hơn chứng tỏ bạn đang có biểu hiện bệnh mỡ máu. Tuỳ vào mức độ tăng cao của các chất trên mà biểu hiện tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. 

Nguyên nhân gây bệnh mỡ máu

Bệnh có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do lối sống sinh hoạt và ăn uống không phù hợp gây tổn hại đến sức khoẻ và làm giảm hiệu quả chuyển hoá lipid trong máu:

Ăn rau gì để giảm mỡ máu? Mỡ máu bao nhiêu thì là cao? - 2

- Lười vận động, thừa cân, béo phì.

-  Hút thuốc.

- Uống nhiều rượu bia.

- Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật.

- Nguyên nhân di truyền liên quan đến vấn đề gen và đột biến. Nguyên nhân này gây nên các vấn đề trong chuyển hoá cholesterol, nhất là nhóm LDL.

- Biến chứng của các bệnh: Tiểu đường, suy thận, suy gan, bệnh nhiễm trùng, hội chứng Cushing, viêm ruột...

- Sử dụng thuốc tránh thai, thuốc lợi niệu, thuốc an thần...

Ăn rau gì để giảm mỡ máu?

1. Cà tím

Cà tím chứa nhiều chất xơ, trong 100g cà tím có 3g chất xơ. Bên cạnh đó, cà tím còn chứa hàm lượng vitamin PP cao, có khả năng làm giảm lượng cholesterol trong máu. Khi tiêu hoá cà tím quá ruột non, các chất chuyển hoá từ cà tím có thể gắn với chất béo trung tính để đào thải chúng ra cơ thể.

Bên cạnh đó, cà tím cũng có các chất chống oxy hoá, giàu chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, hỗ trợ giảm cân và cải thiện trí nhớ.

2. Đậu bắp

Đậu bắp là một loại rau phổ biến được nhiều người yêu thích. Đậu bắp có đặc trưng là chất gel bên trong, có thể giúp giảm cholesterol bằng cách liên kết với nó trong quá trình tiêu hóa. Điều này giúp cholesterol rời khỏi cơ thể qua quá trình đào thải.

3. Đậu lăng

Đậu lăng rất giàu chất xơ, chứa tới 3,3g chất xơ trong 100g đậu lăng. Chất xơ có thể ngăn cơ thể hấp thụ cholesterol vào máu.

Một nghiên cứu được thực hiện năm 2015 cho thấy, sau 8 tuần ăn 60g mầm đậu lăng mỗi ngày, mức HDL cholesterol được cải thiện, mức LDL cholesterol và chất béo trung tính giảm.

4. Cải xoăn (cải kale)

Cải xoăn là một nguồn tuyệt vời của chất xơ và nhiều chất dinh dưỡng khác. Một bát cải xoăn luộc chứa 4,7g chất xơ. Chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ giúp giảm mức cholesterol toàn phần và LDL cholesterol.

Bên cạnh đó, cải xoăn cũng rất giàu chất chống oxy hóa, tốt cho tim mạch và giúp giảm viêm.

5. Hành tây

Hành tây là vũ khí bí mật giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu, cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch. Các nghiên cứu đăng tải trên Viện Y tế quốc gia Mỹ cho thấy, hành tây có tác dụng giảm độ nhớt của máu, tương tự như aspirin.

Ăn rau gì để giảm mỡ máu? Mỡ máu bao nhiêu thì là cao? - 3

6. Dưa chuột

Dưa chuột có nhiều lợi ích cho sức khoẻ, chúng có hàm lượng chất xơ cao, có tính thanh nhiệt. Ăn dưa chuột có thể làm giảm quá trình chuyển hoá đường thành chất béo và giảm hấp thu chất béo trung tính.

7. Mướp đắng (khổ qua)

Mướp đắng rất giàu vitamin B1, vitamin C, giúp kích thích cơ thể sản sinh insulin, điều tiết mỡ máu, giảm rối loạn mỡ máu hiệu quả. 

8. Súp lơ

Cả súp lơ trắng và xanh đều có hàm lượng dinh dưỡng cao. Chúng có nhiều chất xơ, các vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Đặc biệt, trong súp lơ chứa flavonoid - chất có tác dụng làm sạch lòng mạch, giảm lượng cholesterol xấu và triglyceride lắng trong thành mạch, từ đó ngăn ngừa rối loạn mỡ máu và chứng xơ vừa động mạch.

9. Rau diếp cá

Rau diếp cá là thức ăn có nhiều xenlulo hạ mỡ trong máu. Bản thân xenlulo không bị hấp thụ vào cơ thể mà nó có tác dụng làm cho no bụng, giảm bớt hấp thu thức ăn vào cơ thể và đẩy những chaatr thải trong ruột ra bên ngoài, có tác dụng khử mỡ hạ đường, phòng ngừa chứng u ở ruột. Thường xuyên ăn rau diếp cá có thể dự phòng cao huyết áp, mỡ máu cao

Các thực phẩm cần tránh

Để giảm mỡ máu, bạn nên giảm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn uống để giảm cholesterol và nguy cơ bệnh tim.

Để giảm mức độ cholesterol “xấu”, hãy hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, bao gồm:

- Thịt béo (thịt cừu, thịt lợn nhiều mỡ)

- Mỡ động vật

- Chế phẩm từ sữa

- Bơ và kem

- Dầu cọ

- Bánh ngọt, bánh rán

- Thực phẩm chiên, rán

- Các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo.

Nguồn tham khảo:

15 foods that lower cholesterol - Đăng tải trên trang tin y tế Medical News Today - Xuất bản ngày 16/3/2021.

Mật hoa dừa có tác dụng gì? Mật ong hay mật hoa dừa tốt hơn?
Mật hoa dừa đang được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ thơm ngon mà còn đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.

Sống khỏe

Theo K.H
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe