Theo các bác sĩ, trẻ dậy thì là do hormone sinh dục chứ không phải do hormone tăng trưởng được người nuôi sử dụng cho vật nuôi.
Hơn 80% trẻ dậy thì sớm do vô căn, đừng đổ thừa cho sữa bò
Chị Đoàn Minh Hương (ở TP.HCM) có con gái 7 tuổi nhưng ngực đã phát triển, lông mọc ở một số ví trí nhạy cảm. Vì bận việc, chị chưa thể đưa con gái đi khám để tìm nguyên nhân. Khi tham khảo các thông tin trên mạng xã hội, chị biết được con gái mình thuộc trường hợp dậy thì sớm.
Mới đây, chị Hương tham gia chương trình giao lưu với bác sĩ về chủ đề dậy thì sớm ở trẻ em do một nhà đài tổ chức. Tại đây, chị cho biết từ nhỏ con gái được ăn nhiều thực phẩm khác nhau, trong đó có uống sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò. Chị đặt câu hỏi với bác sĩ, không biết con gái dậy thì sớm có phải do uống sữa bò hay không.
Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi sữa bò có gây dậy thì sớm ở trẻ.
Theo Ths.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, dậy thì sớm là tình trạng trẻ phát triển ngực, lông mu, hành kinh ở lứa tuổi sớm hơn mong đợi so với cột mốc cơ bản bình thường (trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai). Nếu như trước đây, tuổi dậy ở trẻ thường từ 16-17 tuổi thì hiện nay là 12-13 tuổi, năm sau tuổi dậy thì ở trẻ thấp hơn năm trước, có bé gái thành thiếu nữ khi mới hơn 8 tuổi.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), mỗi ngày có khoảng 20-30 trẻ đến khám vì dậy thì sớm và có 6-7 bé phải nhập viện điều trị. Qua các trường hợp đến khám, các bác sĩ chia dậy thì sớm ở trẻ làm 3 giai đoạn: dậy thì sớm trung ương, dậy thì sớm ngoại biên (dậy thì giả) và dậy thì sớm một phần. Trong đó có đến 80% trẻ dậy thì sớm chủ yếu là vô căn, còn lại có thể do khối u thần kinh trung ương, u tuyến yên, nhiễm trùng thần kinh trung ương, yếu tố di truyền hoặc phơi nhiễm quá mức hormone sinh dục…
Bác sĩ Quỳnh kể, bà từng tiếp nhận nhiều trẻ được cha mẹ đưa đến khám do dậy thì sớm. Đa số các phụ huynh gặp bác sĩ đều tỏ vẻ lo lắng và đặt câu hỏi, con mình bị như vậy phải chăng là do ăn các loại thực phẩm chứa hormone tăng trưởng rBGH, trong đó có sữa bò.
“Dậy thì là do hormone sinh dục gây nên chứ không liên quan đến hormone tăng trưởng. Giả sử các vật nuôi được nuôi bằng hormone tăng trưởng rBGH thì bản chất của hormone này cũng là protein, khi đi vào dạ dày sẽ cắt ra thành các axit amin có lợi cho vật nuôi và không gây ra dậy thì sớm. Vì vậy, việc chúng ta nói sữa bò gây ra dậy thì sớm ở trẻ là quan niệm sai lầm, cần phải thay đổi”, bác sĩ Quỳnh phân tích.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ bị béo phì có nguy cơ bị dậy thì sớm rất cao. Ảnh minh họa.
Đồng quan điểm, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng cho biết, việc trẻ uống sữa bò có gây nên dậy thì sớm hay không đã có nghiên cứu được thực hiện hơn 20 năm trước, nhưng không tìm được mối liên quan rõ ràng nào. Các nhà nghiên cứu chỉ thấy, nguyên nhân trẻ dậy thì sớm phần lớn là do bị béo phì, không phải do sữa bò.
Cũng theo bác sĩ Sơn, những năm qua đã có nhiều giả thuyết sữa bò gây dậy thì sớm do có liên quan tới hormone tăng trưởng rBGH nhưng không có căn cứ. Hormone tăng trưởng này có tác dụng tăng cường tiết sữa của bò khoảng 10% và giúp bò lớn nhanh hơn. Tuy nhiên, khi bò ăn vào, thông qua đường tiêu hóa, các hormone này đều bị dịch axit trong dạ dày bất hoạt.
Thủ phạm làm trẻ béo phì có ở khắp nơi
Theo BS.CKII Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2, sữa là thực phẩm cung cấp rất nhiều dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ. Khi dưới 1 tuổi, trẻ uống sữa là chủ yếu. Khi bước sang 2 tuổi, trẻ đã ăn dặm nhưng vẫn phải uống 400-500ml sữa (các chế phẩm từ sữa) mỗi ngày để cung cấp chất dinh dưỡng, caxi nhằm giúp thể trạng và trí não phát triển, tăng chiều cao tối đa.
Nói về ý kiến của nhiều người cho rằng, trong sữa bò có hormone tăng trưởng do con vật ăn phải các hormone này. Khi trẻ uống sữa bò cũng sẽ hấp thu hormone tăng trưởng dẫn đến tăng cân nhanh. Bác sĩ Hậu khẳng định: Hormone tăng trưởng không rẻ đến mức để người ta mang đi nuôi bò, gà, heo (lợn) và các loại động vật khác”.
Theo bác sĩ Hậu, trẻ dậy thì sớm chịu tác động rất là nhiều yếu tố, nhưng cho đến ngay, nguyên nhân chính vẫn là do vô căn. Về yếu tố dinh dưỡng nếu có ảnh hưởng đến tuổi dậy thì là do trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ chiên rán, ăn nhiều thịt ít rau, uống nước có ga, nhưng lười vận động dẫn đến bị béo phì. Khi trẻ bị thừa cân sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề nội tiết tố.
“Hiện nay, thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn có ở khắp nơi, cách chế biến, hình thức trình bày bắt mắt nên rất thu hút trẻ ăn. Khi trẻ ăn nhiều các thức ăn này, nếu ít vận động sẽ tăng cân rất nhanh. Uống sữa chỉ là một phần rất nhỏ giúp trẻ tăng cân mà thôi”, bác sĩ Hậu nhấn mạnh.
Thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ là nguyên nhân chính làm trẻ tăng cân nhanh. Ảnh minh họa.
Nhiều phụ huynh có con bị béo phì, sợ sẽ bị dậy thì sớm nên cắt sữa của con. Theo bác sĩ Hậu, đây là một việc làm sai làm. Trẻ thừa cân vẫn cần được uống sữa để cung cấp đủ canxi, các chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhưng cha mẹ nên chọn các loại sữa tách béo, tách đường cho con.
“Lỗi ở trẻ bị béo phì không phải tại sữa mà do chúng ta chọn sữa cho con như thế nào cho đúng tuổi, cân nặng và thể trạng của con. Cha mẹ chỉ nên cắt các thực phẩm có năng lượng rỗng như bánh kẹo, nước ngọt và các chất béo không cần thiết như đồ ăn nhanh, chiên, da và nội tạng động vật. Ngoài ra, chúng ta cần hướng dẫn con lựa chọn ăn các thực phẩm phù hợp, ít béo, ít đường, ít năng lượng và vận động để rèn luyện sức khỏe, làm tiêu hao năng lượng đã hấp thụ”, bác sĩ Hậu chia sẻ.
Theo vị chuyên gia, lâu nay, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ bú sữa mẹ trong những năm đầu đời sẽ ít béo phì hơn các bé uống sữa công thức. Bởi trong sữa mẹ có các chất đạm thấp nhưng là chất dạm quý để em bé sử dụng và tăng trưởng. Còn trong sữa bò có lượng đạm quá cao, chính lượng đạm này sẽ làm trẻ tăng cân nhanh, tích tụ mỡ gây béo phì.
Theo bác sĩ Hậu, với các bé uống sữa công thức, nhất là sữa có lượng đạm cao từ nhỏ sẽ có nguy cơ cao bị béo phì về sau. “Trong hai năm đầu đời, trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ để khi lớn sẽ không mắc các rối loạn chuyển hóa, trong đó có béo phì”, bác sĩ Hậu lưu ý.
Các bác sĩ cho rằng, để phòng tránh dậy thì sớm cho con, cha mẹ cần làm tốt các điều sau:
+ Cho trẻ ăn uống cân đối các thực phẩm (ăn vừa đủ đạm động vật).
+ Uống vừa đủ sữa bò, không lạm dụng.
+ Cần khuyến khích con tập thể dục, vận động nhiều hơn.
+ Giảm đồ ăn nhanh, chế biến sẵn vì đây là các thực phẩm gây tăng cân cho trẻ.
+ Xây dựng cho con một thói quen ăn nhiều rau củ quả để đủ vi chất.
+ Ưu tiên dùng các sản phẩm hữu cơ.
+ Tránh sử dụng các đồ dùng là nhựa tái chế.
+ Khi con có các dấu hiệu của dậy thì nên đưa đi khám ở các cơ sở y tế uy tín để tìm nguyên nhân và có hướng điều chỉnh, điều trị phù hợp.
* Tên người mẹ đã thay đổi.