Cháu 22 tháng chưa nói, bà ngoại Hà Nội lén đưa đi khám, kết quả khiến cả nhà suy sụp nhưng thành tựu 8 tháng sau thật kinh ngạc

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 31/03/2023 13:40 PM (GMT+7)

Nghe bà ngoại nhắc nên đưa con đi khám vì bé có nhiều biểu hiện lạ, người mẹ nổi khùng: "Cháu thông minh, đẹp như tranh vẽ, chẳng có vấn đề gì cả. Mẹ đừng có nghĩ điều xấu về cháu như thế".

Tự kỷ không phải bệnh, nó là một rối loạn với đặc trưng như thiếu hụt về kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại hay thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ. Với trẻ tự kỷ, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời rất quan trọng, thực tế đã có những trường hợp được can thiệp sớm, đúng thời điểm nên trẻ không chỉ cải thiện được ngôn ngữ, hành vi mà còn phát huy được năng khiếu đặc biệt của mình.

Trường hợp của gia đình bà Nguyễn Hoài Thu (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội), có cháu ngoại tên Gia Huy (31 tháng) bị tự kỷ là một điển hình.

Video: Bà ngoại chia sẻ về hành trình đưa cháu trai đi khám và can thiệp khi bị tự kỷ và điều bất ngờ xảy ra chỉ sau vài tháng.

Thời gian là vàng!

Dù cháu tự kỷ nhưng khi tâm sự về vấn đề này, bà Thu không tỏ ra buồn phiền mà cho rằng: “Con cháu là của trời cho. Là báu vật của mình. Cháu có làm sao đi chăng nữa vẫn là món quà tạo hóa ban tặng nên phải biết nâng niu”.

Gia Huy phát hiện tự kỷ khi được 22 tháng tuổi, từ đó đến nay đã can thiệp được 8 tháng. Từ một bé trai không biết nói từ nào, hiện Gia Huy đã khiến ông bà, bố mẹ rất đỗi tự hào về những kết quả đạt được, thế nhưng cả gia đình đều biết chặng đường phía trước còn rất dài.

Gia Huy sinh tháng 8/2020 và tới 18 tháng tuổi mới chập chững những bước đầu tiên. Thế nhưng, bước đi của con lại không có phương hướng. Con sẵn sàng sà vào bất cứ bờ cỏ, bụi cây hoặc vũng nước, thậm chí là lao thẳng xuống hồ.

img srchttps://cdn.eva.vn/upload/1-2023/images/2023-03-30/img_7538-1680167131-262-width780height520.jpg width660 /

Những trẻ tự kỷ thường có bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp hoặc vận động từ khi còn nhỏ. Ảnh minh họa.

Không chỉ vận động mà ngôn ngữ của Huy cũng có vấn đề. Đứa trẻ thường 15 tháng đã biết gọi bố, gọi mẹ, gọi bà… Huy thì 17 tháng, rồi 20 tháng vẫn lặng im. Đã thế, cháu còn mất tương tác với bà, với bạn, chỉ chơi và quan tâm đến những gì mình thích, nhất là đồ vật hình tròn.

Chỉ có một đứa cháu duy nhất, bà Thu lo lắng vô cùng khi Gia Huy có những biểu hiện lạ. Bằng kinh nghiệm nuôi con và quan sát ngoài xã hội, bà Thu đã mô tả lại và đề nghị con gái và con rể để tâm, nên cho con đi khám bệnh. Không ngờ, lời đề nghị đó vừa nói ra, con bà đã phản đối: “Con của con, con lo! Nó rất đẹp, rất thông minh, nó không sao cả. Mẹ không nên áp đặt, mà mẹ cũng không được nghĩ xấu về cháu như vậy”.

Mặc cho cha mẹ Gia Huy nghĩ gì, bà Thu vẫn kiên định thuyết phục con rể để tìm được ít nhất một tiếng nói chung. Sau 2 tháng kiên trì, người phụ nữ này đã nhận được sự đồng tình từ con rể. Thế nhưng, làm sao để thuyết phục được con gái hiểu và chấp nhận cho con đi khám lại là vấn đề lớn. Bà hiểu rằng tách Gia Huy ra khỏi mẹ là điều không hề dễ dàng.

Cháu 22 tháng chưa nói, bà ngoại Hà Nội lén đưa đi khám, kết quả khiến cả nhà suy sụp nhưng thành tựu 8 tháng sau thật kinh ngạc - 2

Muốn can thiệp trẻ tự kỷ bố mẹ, nhân viên y tế cần phải đồng hành với con trên chặng đường dài. Ảnh: Một bé trai tự kỷ đang được can thiệp tại khoa Tâm thần, BV Nhi Trương ương. 

Thậm chí, khi chồng vừa dứt lời tâm sự: “Em à! Có thể bà ngoại nói đúng. Mình cho con đi khám nhé”, người vợ nói như quát vào mặt chồng: “Anh bị điên sao. Anh giỏi giang như thế, em cũng đâu đến nỗi nào, con mình đẹp như tranh. Sao lại tự kỷ được”. Và rồi hai vợ chồng xung đột: Bố của Gia Huy “về phe” bà ngoại, nhưng người mẹ nhất mực phản bác lại và không cho con đi khám.

Tưởng chừng mọi thứ đi vào bế tắc thì dịp may bất ngờ đã đến. Bà Thu được trông và chơi với cháu trọn vẹn 1 ngày vì bố mẹ bé đi công tác. Như một đặc ân, bà Thu vội vàng bế cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám tại khoa Tâm thần. Khi đó Gia Huy đã 22 tháng tuổi.

“Muộn còn hơn không, tôi quyết tâm sẽ làm điều gì đó cho cháu và cuối cùng tôi đã đúng”, bà Thu chia sẻ và cho biết sau khi khám bác sĩ chẩn đoán Huy bị tự kỷ. Mà không chỉ tự kỷ bình thường, ba chữ “tự kỷ nặng” khiến bà như sụp đổ hoàn toàn.

Một trường hợp trẻ tự kỷ đang được nhân viên y tế trị liệu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh Lê Phương.

Một trường hợp trẻ tự kỷ đang được nhân viên y tế trị liệu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh Lê Phương.

Khi đó, bà Thu chỉ biết ôm Gia Huy vào lòng và khóc vì thương cháu. Sau một tuần suy nghĩ, bà quyết định lấy ra cuốn sổ y bạ đập mạnh xuống bàn và nói với bố mẹ Gia Huy: “Anh chị đọc đi”. Nói rồi bà ra về.

Trước kết quả không thể chối cãi, bố mẹ Gia Huy khi đó mới hốt hoảng, họ không thể tưởng tượng đứa con thiên thần của mình lại tự kỷ. Sau đó, cả gia đình tập trung đưa Gia Huy đi khám, test thêm nhiều trung tâm khác, tất cả đều chung kết luận và khuyên gia đình cần can thiệp ngay khi còn có thể. Thời gian với Gia Huy lúc này còn quý hơn vàng. Nếu can thiệp trước 2 tuổi thì kết quả sẽ rất khả quan, trong khi Gia Huy đã gần hết khoảng thời gian quý báu này.

Kể từ đó đến nay, Gia Huy đã được bà cùng bố mẹ đưa đi nhiều trung tâm giáo dục đặc biệt để can thiệp, đặc biệt bà ngoại liên tục tham gia các lớp tập huấn, vào các hội nhóm học kinh nghiệm từ những gia đình có con tự kỷ để về giúp cháu một cách khoa học, đúng đắn nhất.

Người bà vô cùng hạnh phúc khi cháu không chỉ nói được, mà còn rất thông minh đọc được chữ lúc 31 tháng tuổi.

Người bà vô cùng hạnh phúc khi cháu không chỉ nói được, mà còn rất thông minh đọc được chữ lúc 31 tháng tuổi. 

Điều kỳ diệu đã xảy ra

Chỉ sau 2 tháng can thiệp, Gia Huy đã bật được những âm thanh đầu tiên: “Bố, bố”... khiến cả nhà rơi nước mắt vì hạnh phúc. Sau hơn 3 tháng, Gia Huy đã đọc được những chữ cái tiếng Việt đầu tiên, sau 4 tháng thì nói được 2 từ và 6 tháng sau đã nói được 3 từ.

“Cứ như vậy, dưới sự hướng dẫn của người thân, sự hỗ trợ can thiệp từ chuyên gia, đến nay cháu ngoại tôi đã nói được một câu ngắn. Thậm chí cháu còn đem ngạc nhiên đến cho bà và bố mẹ khi đọc được cả tên một cuốn sách khi mới 31 tháng tuổi”, bà Thu chia sẻ.

Trẻ tự kỷ dù có những năng khiếu đặc biệt vẫn cần phải can thiệp để phát triển đồng đều những kỹ năng khác. Ảnh minh họa.

Trẻ tự kỷ dù có những năng khiếu đặc biệt vẫn cần phải can thiệp để phát triển đồng đều những kỹ năng khác. Ảnh minh họa. 

Theo bà Thu, việc cháu bà 31 tháng tuổi đã đọc được là thành công ngoài mong đợi của gia đình và có thể quá trình can thiệp đã “đánh thức” được đúng năng khiếu nên cháu đã biết đọc khi chưa từng qua trường lớp học chữ nào. “Tôi biết, hành trình nuôi dạy trẻ tự kỷ còn rất dài và gian nan, nhưng trên hết từ câu chuyện trong gia đình mình, tôi muốn gửi tới các ông bố, bà mẹ trẻ và các tổ chức xã hội một thông điệp rằng:

- Cha mẹ hãy quan sát và đưa trẻ đi can thiệp kịp thời khi có bất thường về vận động, ngôn ngữ…

- Hãy coi những đứa trẻ tự kỷ là một “báu vật” của cha mẹ bởi vì chúng không hề có lỗi. Hơn thế nữa, tiềm ẩn sâu trong những đứa trẻ như vậy có thể sẽ có năng khiếu vượt trội nào đó, nếu chạm vào đúng sở trường thì năng lực của trẻ sẽ được phát triển hết tiềm năng.

- Cộng đồng hãy mở lòng để những đứa trẻ tự kỷ hòa nhập với mọi người, bởi chúng cũng là con người, vì thế đừng kỳ thị để các con bị tổn thương”, bà Thu chia sẻ.

BSCKII Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, chung ta vẫn thi thoảng gặp một sóo trẻ tự kỷ biết đọc, biết viết sớm hay có một năng khiếu vượt trội nào đó. Điều quan trọng nhất là làm sao để phát huy năng khiếu đó của trẻ, đồng thời can thiệp để những đứa trẻ đó phát triển toàn diện những kỹ năng khác.

“Chúng tôi không bao giờ coi những đứa trẻ đó là bất thường, mà luôn coi các em là những đứa trẻ khác thường. Ngay với bố mẹ, khi thấy con có năng khiếu như vậy, đừng vội mừng cho đó là thần đồng, mà hãy nhìn nhận, cho đi khám sớm để can thiệp kịp thời, để trẻ được phát triển toàn diện hơn”, bác sĩ Minh chia sẻ.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Con ở lớp nghe lời cô, về nhà chống đối bố mẹ, tôi phải làm sao?
Con bị tự kỷ 40 tháng chưa biết nói, chỉ nghe lời cô giáo khi tới lớp, chống đối bố mẹ khi ở nhà thì phải xử lý ra sao? Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn...

Trẻ tự kỷ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ tự kỷ