Bỏ viện về nhà tự chữa ung thư vú, sau gần một năm người phụ nữ đến viện bác sĩ khẳng định “hết thuốc chữa”

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 13/02/2025 15:30 PM (GMT+7)

Dù phát hiện ung thư nhưng người phụ nữ đã bỏ điều trị tây y, về nhà dùng thuốc nam chữa bệnh. Kết quả chỉ sau một thời gian, khối u đã phát triển và xâm lấn sang vùng xung quanh.

Cách đây gần một năm, chị N.T.H (43 tuổi, ở Hải Phòng) phát hiện ngực có dấu hiệu bất thường, giống như có khối u bên vú phải, kèm theo đau nhức nhẹ nên đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết chị đã bị ung thư vú thể tế bào carcinoma xâm nhập và đề nghị nhập viện điều trị. Tuy nhiên, thay vì tin vào y học hiện đại, bệnh nhân đã bỏ viện về nhà tự điều trị bằng thuốc nam.

Chị H cho biết, thời gian đầu uống thuốc nam, các dấu hiệu có giảm nên chị rất vui mừng, không đi khám lại. Gần đây, chị H tự sờ thấy u vú tăng kích thước, tình trạng nhức gia tăng, da vú vùng khối u sần nên đã đi thăm khám lại. Kết quả siêu âm tuyến vú kiểm tra thấy ngoài khối u cũ to lên còn các u nhỏ hơn xung quanh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Anh, đang làm việc tại Trung tâm Ung bướu, Xạ trị và Y học hạt nhân Quốc Tế thuộc một bệnh viện tư ở Hà Nội cho biết, sau khi khám lâm sàng và chỉ định chụp CT-scan toàn thân cho bệnh nhân, bác sĩ phát hiện có khối u vú phải kích thước 25x52mm, nhiều hạch to tròn, phổi hai bên có các nốt mờ màng phổi.

Bác sĩ Duy Anh cho rằng, người phụ nữ đã bỏ qua giai đoạn vàng điều trị vì bỏ y học hiện đại, điều trị theo thuốc nam. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Duy Anh cho rằng, người phụ nữ đã bỏ qua giai đoạn vàng điều trị vì bỏ y học hiện đại, điều trị theo thuốc nam. Ảnh: BSCC.

Với tình trạng này, bệnh nhân đã di căn phổi giai đoạn 4, lúc này sẽ không thể chữa khỏi được căn bệnh với y học hiện tại. Người bệnh sẽ phải liên tục điều trị để kìm hãm căn bệnh, dẫn tới suy sụp tâm lý và còn tăng chi phí khám chữa bệnh cùng chi phí liên quan khác. Nguy cơ bệnh kháng thuốc sẽ tăng cao dần theo thời gian, nhất là càng về thời gian cuối. Ngoài ra, việc khối u nguyên phát đã có xâm lấn phần mềm xung quanh, gây ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ.

Bác sĩ Duy Anh cho rằng, điều đáng tiếc nhất ở bệnh nhân này đó là đã bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị bệnh. Theo đó, khi ở giai đoạn 1 hoặc 2, nếu bệnh nhân điều trị ngay thì có thể chữa khỏi 75-90%. Đặc biệt ở giai đoạn 1 cứ 10 người mắc bệnh ở giai đoạn này thì 9 người chữa khỏi và 90-95% người bệnh sống thêm đến hơn 10 năm.

Ở giai đoạn 3 là giai đoạn muộn hơn u to xâm lấn phần mềm, di căn hạch nách, khả năng chữa khỏi dao động từ 50-70% và sống thêm 10 năm có thể đạt 55-75% trong tổng số người bệnh cùng giai đoạn được điều trị đúng phác đồ.

Với việc sử dụng các bài thuốc để chữa ung thư, bác sĩ Duy Anh cho rằng, hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng thuốc nam có thể chữa khỏi ung thư. Một số thảo dược đã được nghiên cứu và có tác động tới khối u, nhưng chúng chỉ đóng vai trò bổ trợ, không thể thay thế các phương pháp điều trị chính thống như phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.

Do vậy, việc người dân tin tưởng vào các bài thuốc, bỏ điều trị theo y học hiện đại có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, một số loại thuốc nam có thể gây ra tương tác với các thuốc điều trị ung thư, làm giảm hiệu quả điều trị hoặc gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Duy Anh, khi phát hiện ung thư vú hay các bệnh ung thư khác cần điều trị theo y học hiện đại. Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Duy Anh, khi phát hiện ung thư vú hay các bệnh ung thư khác cần điều trị theo y học hiện đại. Ảnh minh họa. 

Nhiều bệnh nhân khi uống thuốc nam có thể thấy đỡ đau hoặc bớt triệu chứng tạm thời, nhưng thực tế bệnh vẫn âm thầm tiến triển. Khi quay lại bệnh viện, tình trạng bệnh tiến triển nặng, có thể đã mất cơ hội điều trị tối ưu. Không những tốn kém tài chính mà không có hiệu quả”, bác sĩ Duy Anh cho hay.

Bác sĩ Duy Anh khuyến cáo, khi phát hiện mắc ung thư, người bệnh nên bình tĩnh và thực hiện một số điều sau đây:

- Xác định chính xác tình trạng bệnh: Làm thêm các xét nghiệm, sinh thiết hoặc kiểm tra cần thiết để hiểu rõ giai đoạn và loại ung thư mắc phải.

- Thảo luận với bác sĩ chuyên khoa: Trao đổi với bác sĩ ung thư để nhận tư vấn chi tiết về phác đồ điều trị phù hợp. Hỏi về các lựa chọn điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch.

- Tìm hiểu về bệnh: Nghiên cứu thêm thông tin về loại ung thư mình mắc phải, để hiểu rõ về các giai đoạn, tiến trình điều trị và kết quả kỳ vọng.

- Hỗ trợ tinh thần:  Chia sẻ với gia đình, bạn bè, hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư để nhận được sự đồng hành về mặt tinh thần.

- Lập kế hoạch điều trị: Cùng với bác sĩ lên kế hoạch điều trị cụ thể và chuẩn bị tâm lý, tài chính. Nắm rõ các tác dụng phụ và thời gian phục hồi sau điều trị.

- Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và tập thể dục nhẹ nhàng để cơ thể có thể đối phó tốt hơn với điều trị.

- Kiểm tra các lựa chọn điều trị bổ sung: Cân nhắc những liệu pháp hỗ trợ như chăm sóc giảm nhẹ, dinh dưỡng hoặc các liệu pháp tâm lý giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong quá trình điều trị.

Trong 4 bếp sau, bếp nào nấu ăn vừa ngon, lại tốt cho sức khỏe? Loại ai cũng nghĩ đúng nhưng chưa chắc đã an toàn
Việc sử dụng bếp khi nấu ăn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng món ăn và nguồn dinh dưỡng, từ đó sẽ có tác động tốt hoặc xấu với sức khỏe. Do vậy, để...

Trắc nghiệm Sức khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]13/02/2025 14:20 PM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức sức khỏe