Sau khi ăn canh, ông ngoại và mẹ cậu bé Kim Kim ở Trung Quốc đã phải vào viện truyền dịch vì ngộ độc, riêng Kim Kim có dấu hiệu suy gan, hôn mê suốt 1 tuần.
3 người trong một gia đình bị ngộ độc nấm, cậu bé 8 tuổi bị suy gan và hôn mê 7 ngày
Vào cuối tuần, Kim Kim được mẹ cho về nhà ông ngoại chơi. Ngày 23/8, ông ngoại Kim Kim đã lấy một ít nấm mọc hoang dại trong khu rừng gần công viên Tây Hải ở Lai Vu về nấu canh. Tối hôm đó, Kim Kim, mẹ và ông ngoại sau khi ăn xong canh nấm đều xuất hiện tình trạng nôn ói và tiêu chảy.
Ngày hôm sau, Kim Kim cùng mẹ và ông ngoại đến điều trị truyền dịch ở một Trung tâm y tế gần nhà. Sau 3 ngày truyền dịch, ông ngoại và mẹ cậu bé do ăn ít canh nấm nên sức khỏe đã dần ổn định.
Tuy nhiên chỉ có tình trạng của Kim Kim không có chuyển biến rõ ràng, cuối cùng người nhà chuyển cậu bé đến điều trị ở Bệnh viện trung tâm thành phố Lai Vu. Do Kim Kim lại xuất hiện triệu chứng bị co giật, ngày 28/8 gia đình cậu bé lại chuyển Kim Kim đến điều trị ở Bệnh viện tỉnh Sơn Đông.
Bác sĩ Cận Hữu Bằng, trưởng Khoa Chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện tỉnh Sơn Đông nói: “Kim Kim vẫn đang trong tình trạng hôn mê, có thể là do suy gan, cũng có thể là vấn đề thần kinh do trúng độc tạo nên”. Theo giải thích, vì để giúp Kim Kim giải độc, trước mắt phải áp dụng lọc máu trực tiếp.
Xác định loại nấm gia đình Kim Kim ăn là nấm gì?
Để xác định giống và độc tố của nấm hoang dã, giúp điều trị cho Kim Kim. Ông ngoại của cậu bé đã lấy loại nấm từng ăn ở nhà đến cho bác sĩ xem xét. Loại nấm hoang dã này rất giống với nấm hương mà bình thường chúng ta hay sử dụng. Tuy nhiên vì nấm bảo quản trong thời gian dài, loại nấm hoang dã đã bắt đầu bị mốc, và không thể ngửi được mùi vị để phân tích.
Loại nấm hoang dã này thuộc loại nào? Độc tố của nó sao lại gây tổn thương như vậy? Phóng viên đã đem loại nấm này đến Học viện Khoa học và Đời sống của Đại học Trung Đông để tìm câu trả lời. Theo các chuyên gia giải thích, muốn biến chính xác về loại nấm này cần phải biết về môi trường sinh trưởng, hình dạng màu sắc trước khi ngắt,….
Tuy nhiên qua kiểm tra tài liệu, giáo sư Lý Đức Thuấn tại Học viện Khoa học và Đời sống của Đại học Trung Đông đã xác định được 2 loại nấm hoang tương tự. Theo giáo sư Lý Đức Thuấn cho biết: Từ hình dạng chung, 2 loại nấm này có tên khoa học là Russula subnigricans có màu đỏ hoặc màu đen, là loài nấm trong chi Russula. Hai loại này đều rất độc hại và chúng chứa 5 độc tố, sau khi ăn, tỉ lệ tử vong tương đối cao.
Cũng theo Giáo sư Lý Đức Thuấn, hai loại nấm này chứa năm loại độc tố có thể gây hại cho dạ dày, dây thần kinh, gan thận, máu và hệ hô hấp. Một khi bạn ăn nấm hoang dã này, nó rất dễ gây nôn mửa, đau bụng, thần chí bất ổn, gan sưng to, vàng da,.. và đây là triệu chứng tương tự như Kim Kim.
Ngoài ra giáo sư Lý Đức Thuấn cũng nhắc nhở mọi người: "Vì vậy, tất cả mọi người được cảnh báo không ăn nấm hoang dã. Nếu không biết rõ nguồn gốc của nấm, khi ăn vào hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí cướp đi mạng sống của con người rất nhanh”.
BS. Nguyễn Thao chia sẻ trên Sức khỏe đời sống về cách xử lý khi bị ngộ độc nấm. Ngay lập tức cần gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn; uống than hoạt: liều 1g/kg cân nặng; cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ. Chú ý không tự về nhà trong 1-2 ngày đầu kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết. Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên). Tại cơ sở y tế nếu tình trạng của nạn nhân ăn nấm độc nguy hiểm và thời gian sau khi ăn trong vòng 1-2 giờ, có nhân viên y tế đã được huấn luyện kỹ thuật rửa dạ dày thì rửa dạ dày có thể thực hiện ở bệnh nhân người lớn và trẻ lớn với cỡ ống rửa to (bằng ngón tay út nạn nhân). Vận chuyển cấp cứu đến bệnh viện tuyến huyện các bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng sớm. Với các bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng muộn (sau 6 giờ) cần được chuyển đến bệnh viện tỉnh hoặc khu vực nơi có khả năng lọc máu. |