Nước giúp bạn tăng cường miễn dịch chống bệnh tật, làm đẹp da, tóc... nhưng bổ sung nước thời điểm nào trong ngày là tốt nhất, uống lượng bao nhiêu là vừa thì không phải ai cũng biết.
Trong cơ thể, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là thời điểm mùa hè nắng nóng khi bất kể hoạt động gì cũng có thể dẫn tới việc mất nhiều nước. Việc để cơ thể mất nước sẽ tăng nguy cơ say nắng, say nóng, thậm chí nguy kịch đến tính mạng. Tuy nhiên, việc bổ sung nước sao cho hợp lý, đâu là thời điểm “vàng” để uống nước thì không phải ai cũng biết.
6 thời điểm "vàng" để uống nước
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, mọi người cần ghi nhớ 6 thời điểm “vàng” để bổ sung nước mỗi ngày. Cụ thể:
- Ngay sau khi ngủ dậy: Khi ngủ, cơ thể cũng mất nước để điều hòa nhịp thở. Ngoài ra, khi bạn ngủ, cơ thể vẫn tiếp tục thực hiện việc chuyển hóa dù cường độ thấp hơn bình thường. Quá trình này cũng cần nước.
Vì vậy, khi ngủ dậy, cơ thể rất cần nước để thanh lọc sau một đêm chuyển hóa. Nước lúc đó giúp làm sạch ruột, thúc đẩy trao đổi chất nhanh, bổ sung năng lượng cho một ngày mới. Lúc thức dậy, người trưởng thành nạp khoảng 500ml nước ấm là tốt nhất.
Uống nước ngay sau khi thức dậy rất quan trọng nhưng nhiều người không thực hiện. (Ảnh minh họa)
- Khi cảm thấy đói: Đói có thể là một dấu hiệu báo cho chúng ta biết cơ thể đang thiếu nước. Theo một số nghiên cứu, cơ thể hấp thu nhiều nước nhất khi ăn, từ đó dẫn đến một thói quen là khi thiếu nước thì chúng ta có cảm giác đói.
- Khi cảm thấy mệt mỏi: Thời điểm cuối giờ làm sáng hoặc chiều, cơ thể bạn thường mệt mỏi. Đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu nước mà chúng ta không biết. Vì thế, đừng quên uống nước vào các thời điểm này.
- Trước các bữa ăn: Khi bạn ăn một lượng thực phẩm vào cơ thể, hàng loạt các cơ quan sẽ phải làm việc cùng một lúc, chẳng hạn miệng nhai, dạ dày co bóp… Tất cả các hoạt động này đều cần nước.
Mọi người thường thấy khi ăn hay có hiện tượng toát mồ hôi, đó là khi các cơ quan hoạt động rất mạnh dẫn tới cơ thể bị mất nước. Do đó, chúng ta cần bổ sung nước trước khi ăn.
Uống nước trước các bữa ăn cũng nên thực hiện đều đặn hằng ngày. (Ảnh minh họa)
- Trước, trong, sau khi tập thể thao: Ai cũng biết trong và sau khi hoạt động thể dục thể thao, chúng ta đều mất nước. Tuy nhiên, uống thế nào cho hợp lý thì không phải ai cũng rõ.
Trước khi chơi thể thao khoảng 2 tiếng, nên uống 700ml nước. Khi chuẩn bị vào tập thì cần uống 240ml và trong quá trình tập nếu vận động với cường độ cao thì cứ 20 phút lại bổ sung 240ml.
- Khi ốm, tiêu chảy cần uống nước: Khi ốm, sốt, cơ thể bị tăng nhiệt độ, tăng chuyển hóa, bắt buộc phải bổ sung đủ nước để hệ miễn dịch mạnh lên, như vậy mới có thể khỏi bệnh nhanh hơn.
Uống bao nhiêu nước là đủ?
Cùng với 6 thời điểm vàng nên uống nước, bác sĩ Khánh cũng khuyến cáo mọi người không nên uống nước trước khi đi ngủ 2 tiếng, nhất là với những người có vấn đề về tiêu hóa, bàng quang…
Uống nước tốt nhất vẫn là nước lọc. (Ảnh minh họa)
Một lưu ý khác được bác sĩ Khánh đưa ra là thay vì uống nước lọc, trong mùa hè có thể bổ sung bằng cách ăn trái cây. Những người lao động nặng có thể pha oresol để uống vì loại nước này có vitamin, chất điện giải… Tuy nhiên, nguồn nước bổ sung đều đặn và lý tưởng nhất vẫn là nước lọc.
Vị chuyên gia này cũng chỉ dẫn để nhận biết cơ thể thiếu nước hay không, cần lưu ý đến 2 dấu hiệu: Cảm giác khát và màu sắc nước tiểu. Nước tiểu nhạt màu hoặc không có màu cũng như không có mùi khai thường cho thấy cơ thể đang được cung cấp đủ nước.
Theo bác sĩ Khánh, một số nghiên cứu cho thấy lượng nước uống (từ tất cả các loại đồ uống và thực phẩm) đáp ứng nhu cầu của hầu hết mọi người mỗi ngày là khoảng 13-15,5 cốc nước (~ 3 lít) cho nam giới và 8 -11,5 cốc (~2.2-2.5 lít) cho nữ giới, trong đó có khoảng 20% lượng nước từ thực phẩm.
Đối với một số người đang tập thể dục, mang thai, đang sốt hoặc lao động nặng nhọc, lượng nước mất nhiều… thì lượng nước bổ sung vào cơ thể cần tăng lên.