Đôi khi, những loại gia vị rất thông dụng trong góc bếp của mỗi gia đình lại có giá trị rất lớn đề phòng dịch bệnh, nâng cao sức đề kháng, nhất là trong thời tiết lạnh như hiện nay.
Với tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp, cùng với điều kiện thời tiết dự báo sẽ rét đậm, rét hại trong những ngày tới, việc tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sức khỏe.
Rất nhiều người đã tìm đến các loại thực phẩm bổ sung, thậm chí thuốc để bồi bổ nhưng việc bổ sung mà không có chỉ định của bác sĩ đôi khi mang đến những tác dụng ngược. Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia khuyến cáo người dân hãy tăng sức đề kháng bằng chính những thực phẩm có sẵn ở vườn hoặc gian bếp các gia đình.
Đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết với các loại gia vị có sẵn trong gian bếp như hồi, quế, gừng, tỏi, hành, sả… người dân có thể vừa làm tăng tính ẩm thực của món ăn, vừa làm thuốc tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Lương y Bùi Hồng Minh khuyên mọi người hãy sử dụng một số loại củ, quả gia vị để nâng cao sức đề kháng hàng ngày.
“Các loại gia vị như đã nói trên dù không thể tiêu diệt được virus gây COVID-19, nhưng nếu sử dụng điều độ, hợp lý sẽ hỗ trợ phòng bệnh tốt, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt với thời tiết lạnh như hiện nay, tác dụng lại càng được nhân lên”, lương y Hồng Minh chia sẻ.
Ông Minh lấy ví dụ cụ thể như tỏi thường được làm gia vị trong nhiều món ăn. Trong đông y, tỏi lại là vị thuốc quý có vị cay, tính ấm, đi vào hai kinh tì và vị, có tác dụng trong tiêu hóa, hô hấp, giải độc, trừ đờm, lợi niệu, tẩy giun…
Tỏi còn giúp cân bằng nội môi của hệ thống miễn dịch. Nó giúp kích thích sản xuất máu trắng hoạt động như một kẻ giết mầm bệnh tự nhiên. Tỏi cũng giúp tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch do sự hiện diện của hợp chất miễn dịch.
Tỏi là loại gia vị có rất nhiều kháng sinh tự nhiên tốt cho cơ thể. Ảnh minh họa.
Hay như nghệ có tác dụng chống lại vi khuẩn, kháng viêm mạnh… Đặc biệt, curcumin trong củ nghệ có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và điều hòa miễn dịch. Thêm nghệ vào bữa ăn hàng ngày giúp chống lại virus, vi khuẩn hiệu quả, đồng thời cải thiện triệu chứng cảm lạnh và ho.
Còn củ gừng cũng rất dễ kiếm và thông dụng trong mỗi gia đình, giúp chữa cảm mạo, phong hàn, ngạt mũi, nhức đầu, đau đầu, nôn mửa, kích thích tiêu hóa, đầy bụng, chướng bụng, giải độc rất tốt.
Quế cũng là loại gia vị dễ kiếm và được trồng nhiều ở Việt Nam. Quế có rất nhiều tác dụng với sức khỏe và được coi là “dược liệu vàng” trong mùa đông, nhưng gia vị này ít được sử dụng trong nấu ăn. Ông Minh cho biết trong quế có chứa một nguồn dồi dào các hợp chất chống oxy hóa. Quế hoạt động như một chất kích thích miễn dịch và tránh các bệnh cảm lạnh, ho và viêm. Do đặc tính của quế là nóng nên khi sử dụng chỉ nên dùng ít, không dùng nhiều sẽ gây mụn nhọt...
Quế ít được sử dụng nhưng là gia vị vàng trong mùa đông lạnh giá. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, các loại gia vị khác như hành, hạt tiêu, các loại rau gia vị như kinh giới, rau húng, tía tô, lá lốt cũng đều tốt cho việc nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch trong mua đông, chống chọi lại virus, vi khuẩn…
Ngoài việc bổ sung hợp lý các loại gia vị vào món ăn hàng ngày, lương y Bùi Hồng Minh cũng khuyên người dân nên đảm bảo ăn uống đủ chất, không lạm dụng bất cứ thực phẩm nào cũng như tuyệt đối không tự ý làm theo các trào lưu trên mạng để phòng chống dịch cũng như chữa bệnh COVID-19, tăng cường sức đề kháng trong mùa lạnh.
Tin liên quan
Rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt có những loại rau vô cùng giàu protein, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với những...
Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe mùa lạnh
Khi trời lạnh rất nhiều người chủ quan, chỉ mặc ấm ở phần thân cơ thể, bỏ qua một số bộ phận quan trọng khiến cơ thể bị ảnh hưởng.