Biến cố cuộc đời xảy ra từ lúc nhỏ nhưng hệ luỵ kéo dài khi mãi đến 5 năm sau, cô gái vẫn bị rối loạn hành vi cảm xúc.
Đó là trường hợp của một cô gái tên Vy (18 tuổi, tên đã thay đổi). Bệnh nhân tìm đến một phòng khám chuyên điều trị rối loạn giấc ngủ và stress tại TP.HCM cầu cứu vì có biểu hiện bất thường về trí nhớ, rối loạn hành vi cảm xúc.
Tại đây, cô gái kể với bác sĩ rằng 5 năm trước khi đang ở nhà một mình thì bị một người đàn ông hàng xóm sang chơi và có các hành vi âu yếm với Vy. Sau sự cố bất ngờ này khiến tâm lý bệnh nhân không ổn định. Ngoài ra, cô cũng gặp bất ổn với các mối quan hệ trong gia đình.
Bác sĩ CKI Lê Duy, người tiếp nhận điều trị cho trường hợp này chia sẻ, ở trường hợp này, cô gái đã bị rối loạn stress sau sang chấn kéo dài.
Đây là một vấn đề sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng đến cảm xúc và hoạt động hằng ngày của bệnh nhân.
Người mắc chứng này khó ứng phó và khó hồi phục từ những sự kiện gây sang chấn. Bệnh có thể bị cấp tính, kéo dài trong khoảng vài tháng. Nhưng cũng có nhiều trường hợp ảnh hưởng kéo dài trong nhiều năm.
Theo Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ, triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn bao gồm:
- Hành động cáu giận hoặc bạo lực;
- Cảm thấy lo lắng hoặc bực bội;
- Có các cảnh hồi tưởng, ác mộng, những kí ức đau khổ, hoặc ảo giác;
- Mất quan tâm thích thú trong cuộc sống hằng ngày;
- Cảm thấy sợ hãi hoặc vô dụng;
- Cảm giác chết lặng hoặc tách rời khỏi mọi thứ xung quanh;
- Khó ngủ, không thể nhớ lại những phần nào đó trong sự kiện gây sang chấn;
- Né tránh người hoặc vật làm gợi nhớ lại sự kiện.
Với trẻ em, triệu chứng bệnh có thể là tái hiện hoặc mô tả lại sự kiện gây kinh hãi, nhất là trong lúc chơi. Trẻ sẽ có tính khí giận dữ hoặc hành vi bạo lực quá mức, quên cách trò chuyện như thế nào, không thể trò chuyện hay trở nên lệ thuộc vào người lớn...
Bác sĩ Lê Duy tư vấn điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Duy chia sẻ với trường hợp cô gái trên, việc điều trị khá khó khăn, cần sự kiên trì theo đuổi của cả bệnh nhân và gia đình. Bệnh nhân cần được đa trị liệu.
Cụ thể, các bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng các rối loạn tâm thần của bệnh nhân và kê đơn phù hợp mục đích điều trị các triệu chứng:ối loạn cảm xúc, mất ngủ, cải thiện trí nhớ.
Đồng thời bệnh nhân sẽ được điều trị về tâm lý trị liệu. Các liệu pháp thường sử dụng là tâm lý hành vi, trị liệu nhóm, trị liệu bằng cách tiếp xúc, trị liệu dựa vào các mối quan hệ.
Ngoài ra, gia đình phải tạo ra môi trường an toàn cho bệnh nhân, để bệnh nhân nhận được đầy đủ sự quan tâm chăm sóc.
Bệnh nhân cũng cần tìm việc làm phù hợp với năng lực bản thân, vì làm việc giúp bệnh nhân cảm thấy nâng cao giá trị bản thân, suy nghĩ tích cực hơn và mang lại nhiều niềm vui, giúp giảm lại việc hồi tưởng các sang chấn cũng như điều kiện để hòa nhập với mọi người.
Bác sĩ khuyên người dân sau khi trải qua căng thẳng, stress tâm lý nặng hoặc sang chấn tâm lý, nếu có bất kì biểu hiện bất thường gì nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để được tầm soát và điều trị các rối loạn có thể xảy ra.