Bấm huyệt là liệu pháp chữa bệnh đã có từ lâu đời, tuy nhiên cũng có nhiều lưu ý không phải ai cũng biết.
Bấm huyệt là gì?
Bấm huyệt thường được gọi là châm cứu không dùng kim. Thay vì sử dụng kim, bấm huyệt là liệu pháp sử dụng đôi bàn tay (các ngón tay, ô mô ngón tay, gốc bàn tay, đốt ngón tay, lòng bàn tay…) tác động vào các huyệt trên cơ thể. Điều này sẽ kích thích các huyệt đạo, tăng khả năng tự hồi phục và chữa lành của cơ thể thông qua hệ thống kinh lạc.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cơ thể con người có 108 huyệt đạo (72 huyệt cơ bản, 36 huyệt quan trọng), nối với 12 đường kinh và 8 mạch kỳ kinh. Huyệt, kinh mạch và tạng phủ có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Bấm huyệt tác động đến da thịt, hệ thống dây thần kinh, mạch máu, cơ quan thụ cảm làm xuất hiện những thay đổi về thần kinh, nội tiết, thể dịch. Từ đó tăng khả năng lưu thông khí huyết, sản sinh hormone endorphin giảm đau nội sinh, giảm đau theo tiết đoạn thần kinh, giãn cơ và đạt được mục đích điều trị như mong muốn.
Tác dụng của bấm huyệt
Bấm huyệt có thể đem lại nhiều tác dụng kỳ diệu trong điều trị bệnh mà không cần dùng thuốc. Cách xoa bóp bấm huyệt chính là tác động vào da thịt, ấn sâu vào các huyệt đạo giải phóng các cơn đau nhức, thư giãn cơ và giảm áp lực lên hệ thần kinh.
Tùy vào từng huyệt đạo, bấm huyệt chữa bệnh sẽ đẩy lùi ngoại tà, điều hòa, tăng cường chức năng phủ tạng, hỗ trợ tiêu hóa, thông kinh hoạt lạc, phát huy hiệu quả điều trị các vấn đề bệnh lý cơ thể gặp phải.
Bấm huyệt thường xuyên trong quá trình trị liệu sẽ tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng và phòng nhiều bệnh lý. Hơn nữa, bấm huyệt còn có tác dụng trong chăm sóc sức khỏe và làm đẹp da.
Với những người thường xuyên bị căng thẳng, stress mệt mỏi nếu biết cách xoa bóp bấm huyệt sẽ giúp điều chỉnh, lập lại cân bằng của hoạt động thần kinh. Đặc biệt, bấm huyệt có hiệu quả trong việc chữa trị các bệnh xương khớp, mất ngủ, các bệnh nan y, mãn tính.
Tùy thuộc vào loại bệnh và thể trạng của cơ thể mà thời gian trị liệu xoa bóp ở mỗi người khác nhau. Thường mỗi lần thực hiện trị liệu kéo dài khoảng 30 phút, mỗi liệu trình từ 14-20 ngày.
Bấm huyệt có khả năng kiểm soát một số tình trạng bệnh hoặc triệu chứng như:
- Mệt mỏi, căng thẳng
- Mất ngủ
- Đau đầu
- Đau bụng kinh
- Say tàu xe
- Căng cơ, đau cơ
- Đau vai gáy
- Buồn nôn hoặc nôn sau khi phẫu thuật hoặc hóa trị
- Buồn nôn và nôn khi mang thai và ốm nghén
Hiện còn thiếu các nghiên cứu khám phá hiệu quả của bấm huyệt. Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy bấm huyệt cổ tay thực sự có thể giúp giảm đau sau chấn thương thể thao. Trong một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí Clinical Journal of Sports Medicine, các nhà đã kiểm tra tác động của 3 phút bấm huyệt và không bấm huyệt ở các vận động viên bị chấn thương thể thao cùng ngày. Kết quả cho thấy bấm huyệt có hiệu quả trong việc giảm cường độ đau so với không bấm huyệt.
Bấm huyệt có thể giúp giảm buồn nôn và nôn ở những người bị buồn nôn và nôn do hóa trị liệu, theo một báo cáo được công bố trên tạp chí CA: A Cancer Journal for Clinicians.
Những lưu ý khi bấm huyệt
1. Bấm huyệt chữa được bệnh gì và không chữa được bệnh gì?
Xoa bóp bấm huyệt được chỉ định trong phòng và điều trị nhiều bệnh lý như: Bệnh cơ xương khớp, bệnh về dây thần kinh, các cơn đau cấp và mãn tính, bệnh đường tiêu hóa, viêm xoang…
Bấm huyệt chống chỉ định khi: Tổn thương cơ xương khớp do chấn thương kín hoặc hở, sưng tấy, lở loét; các bệnh ngoại khoa như viêm ruột thừa, viêm vòi trứng, xuất huyết dạ dày; bệnh ác tính; suy tim, gan, thận nặng; vị trí các hạch bạch huyết…
Khi gặp các tình trạng bệnh sau, nên cẩn thận hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi muốn bấm huyệt:
- Loãng xương
- Gãy xương hoặc chấn thương gần đây
- Ung thư
- Dễ bầm tím
- Rối loạn chảy máu
- Bệnh tim
- Huyết áp không ổn định
- Bệnh tiểu đường
- Đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu theo toa.
2. Có nên tự bấm huyệt tại nhà?
Biện pháp bấm huyệt tưởng như rất đơn giản nhưng nó chỉ thực sự đem lại hiệu quả và an toàn khi được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm.
Việc tự ý bấm huyệt tại nhà có thể xảy ra những sai sót ngoài ý muốn như: Bấm sai huyệt, day ấn quá mạnh dẫn đến gãy rạn xương, tổn thương cơ và dây thần kinh có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Hơn nữa, bấm huyệt có thể phòng và điều trị nhiều bệnh nhưng không phải bệnh gì cũng có thể chữa được. Bạn nên tới thăm khám và trị liệu tại các cơ sở bẫm huyệt uy tín để đạt hiệu quả và an toàn.
3. Một số lưu ý khác
Bấm huyệt không bao giờ gây ra đau đớn. Do đó, nếu bạn gặp các cơn đau sau khi bấm huyệt, nên nhanh chóng nói chuyện với bác sĩ trị liệu. Sau khi bấm huyệt, một số người có thể cảm thấy đau nhức hoặc bầm tím tại các điểm bấm huyệt.
Nếu đang mang thai, nên nói chuyện với bác sĩ trị liệu trước khi bấm huyệt. Thông thường, không nên thực hiện liệu pháp bấm huyệt trên bụng, một số điểm nhất định trên chân hoặc lưng dưới đối với phụ nữ đang mang thai.
Nguồn tham khảo: The Benefits and Uses of Acupressure - Đăng tải trên trang web y tế Verywell Health - Xuất bản ngày 6/4/2020. |