Nhiều người biết tác dụng của trà xanh nhưng các tác hại khi uống trà này lại ít ai ngờ

Khánh Hằng - Ngày 24/09/2021 15:44 PM (GMT+7)

Là loại nước uống vô cùng phổ biến, trà xanh còn đem lại rất nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe mà có thể bạn chưa biết tới.

Trà xanh là một trong những đồ uống lành mạnh và phổ biến nhất trên thế giới. Trà xanh được làm từ cây chè (có tên khoa học là Camellia sinensis), thường có vị chát nhẹ, màu nước vàng xanh. Trà xanh xuất hiện tại nhiều nền văn hóa trên thế giới từ cả ngàn năm trước và có nhiều biến thể khác nhau: trà xanh pha từ lá trà tươi, trà xanh khô, trà xanh nghiền thành bột (matcha)... Một trong những điểm khác biệt của trà xanh so với các loại trà khác là trà xanh trải qua quá trình hấp diệt men, giúp cho nước trà giữ được màu xanh vàng trong vắt, hương vị nhẹ nhàng.

Thành phần dinh dưỡng trong trà xanh: Hợp chất phenol, caffein, protein và axit amin, carbohydrates, vitamin C, vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP, kali và nhiều khoáng chất khác, enzyme... Đặc biệt, trong trà xanh có chứa một chất chống oxy hóa đặc biệt được gọi là epigallocatechin-3-gallate (EGCG). EGCG là một trong một nhóm các chất chống oxy hóa được gọi là flavonoid có trong thực vật. Chúng có nhiều lợi ích sức khỏe như chống lão hóa, bảo vệ chống ung thư, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và nhiều bệnh mãn tính khác.

Nhiều người biết tác dụng của trà xanh nhưng các tác hại khi uống trà này lại ít ai ngờ - 1

Tác dụng của trà xanh

1. Chứa các hợp chất hoạt tính sinh học lành mạnh

Trà xanh không chỉ là một loại nước giải khát cung cấp nước cho cơ thể, mà còn là một loại nước uống chứa rất nhiều hợp chất lành mạnh, đem lại nhiều lợi ích khác nhau cho cơ thể.

Trà xanh rất giàu polyphenol, là hợp chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm viêm và giúp chống lại ung thư.

Trà xanh cũng chứa catechin gọi là epigallocatechin-3-gallate (EGCG). Catechin là chất chống oxy hóa tự nhiên giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào và đem lại nhiều lợi ích khác. EGCG là một trong những hợp chất mạnh nhất trong trà xanh. Nghiên cứu đã kiểm tra khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh khác nhau của EGCG. Nó dường như là một trong những hợp chất chính mang lại đặc tính chữa bệnh cho trà xanh.

Các vitamin và khoáng chất có trong trà xanh cũng đem lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau.

2. Cải thiện chức năng não bộ

Trà xanh không chỉ giúp bạn tỉnh táo mà còn có thể giúp tăng cường chức năng não. Lý do là bởi một trong những thành phần hoạt chất quan trọng có trong trà xanh là caffeine, một loại chất kích thích phổ biến thường có trong trà hoặc cafe.

Trà xanh không chứa nhiều caffein như cafe nhưng lượng đủ để tạo ra phản ứng mà không gây ra hiệu ứng bồn chồn như khi hấp thụ quá nhiều caffein.

Caffein ảnh hưởng đến não bằng cách ngăn chặn một chất dẫn truyền thần kinh ức chế được gọi là adenosine. Bằng cách này, nó làm tăng khả năng dẫn truyền các tế bào thần kinh và nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và norepinephrine. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng caffein có thể cải thiện các khía cạnh khác nhau của chức năng não, bao gồm tâm trạng, sự cảnh giác, thời gian phản ứng và trí nhớ.

Tuy nhiên, caffeine không phải là hợp chất tăng cường trí não duy nhất trong trà xanh. Loại nước uống này còn chứa axit amin L-theanine, làm tăng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh ức chế GABA, có tác dụng chống lo âu. Nó cũng làm tăng dopamine và sản xuất sóng alpha trong não.

Các nghiên cứu cho thấy rằng caffeine và L-theanine kết hợp với nhau có thể có tác dụng mạnh mẽ trong việc cải thiện chức năng não bộ.

Nhiều người biết tác dụng của trà xanh nhưng các tác hại khi uống trà này lại ít ai ngờ - 2

3. Tăng cường đốt cháy chất béo

Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra trà xanh có khả năng tăng cường đốt cháy chất béo và tăng tỷ lệ trao đổi chất.

Trong một nghiên cứu trên 10 người đàn ông khỏe mạnh, việc uống chiết xuất trà xanh làm tăng số lượng calo bị đốt cháy lên 4%. Trong một nghiên cứu khác trên 12 người đàn ông khỏe mạnh, chiết xuất trà xanh làm tăng quá trình oxy hóa chất béo lên 17%.

Chất caffein có trong trà xanh cũng có thể cải thiện hiệu suất thể chất bằng cách huy động các axit béo từ mô mỡ và làm cho chúng có sẵn để sử dụng làm năng lượng. Hai nghiên cứu riêng biệt đã báo cáo rằng caffein có thể làm tăng hiệu suất thể chất khoảng 11–12%.

Nhờ đó, việc uống trà xanh có thể hỗ trợ giảm cân, tốt cho những người đang thực hiện chế độ ăn kiêng và luyện tập. Trà xanh đặc biệt phát huy tác dụng trong việc đốt cháy chất béo ở vùng bụng.

4. Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tổn thương oxy hóa có thể dẫn đến viêm mãn tính, từ đó dẫn đến các bệnh mãn tính, bao gồm cả ung thư. Chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ khỏi tác hại của quá trình oxy hóa.

Trong khi đó, trà xanh là một nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời. Uống trà xanh có liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc một số ung thư như:

- Ung thư vú: Một đánh giá toàn diện về các nghiên cứu quan sát cho thấy những phụ nữ uống nhiều trà xanh nhất có nguy cơ phát triển ung thư vú thấp hơn khoảng 20-30%, một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ.

- Ung thư tuyến tiền liệt: Những người đàn ông thường xuyên uống trà xanh có ít nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt hơn.

- Ung thư đại trực tràng: Một phân tích dựa trên 29 nghiên cứu chỉ ra rằng những người uống trà xanh ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng hơn khoảng 42% so với những người thường xuyên uống.

5. Chống lại lão hóa não

Trà xanh không chỉ có thể cải thiện chức năng não trong thời gian ngắn mà còn có thể bảo vệ não của bạn khi bạn già đi.

Bệnh Alzheimer là một bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến và là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi. Bên cạnh đó, bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến khác, liên quan đến cái chết của các tế bào thần kinh sản xuất dopamine trong não.

Các chất chống oxy hóa trong trà xanh, đặc biệt là hợp chất EGCG có nhiều tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh, giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi.

Nhiều người biết tác dụng của trà xanh nhưng các tác hại khi uống trà này lại ít ai ngờ - 3

6. Ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 liên quan đến việc lượng đường trong máu tăng cao, có thể do kháng insulin hoặc không có khả năng sản xuất insulin.

Các nghiên cứu cho thấy trà xanh có thể cải thiện độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Một nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy những người uống trà xanh nhiều nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thấp hơn khoảng 42%. Theo đánh giá của 7 nghiên cứu trên tổng số 286.701 cá nhân, những người uống trà xanh có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 18%.

7. Ngăn ngừa bệnh tim mạch

Bệnh tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Các nghiên cứu cho thấy trà xanh có thể cải thiện một số yếu tố nguy cơ chính gây ra những bệnh này, bao gồm cải thiện mức cholesterol toàn phần và mức cholesterol LDL (cholesterol xấu). Trà xanh cũng làm tăng khả năng chống oxy hóa của máu, giúp bảo vệ các phần tử LDL khỏi quá trình oxy hóa, đây là một phần của con đường dẫn đến bệnh tim.

Những người thường xuyên uống trà xanh có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn tới 31% so với những người không uống.

8. Giảm hôi miệng

Các catechin trong trà xanh cũng có lợi cho sức khỏe răng miệng. Nó có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, có khả năng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, từ đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến răng miệng.

Streptococcus mutans là một loại vi khuẩn phổ biến trong miệng. Nó gây ra sự hình thành mảng bám và là nguyên nhân hàng đầu gây ra sâu răng. Catechin trong trà xanh có khả năng ức chế sự phát triển của loại vi khuẩn này.

Nhiều người biết tác dụng của trà xanh nhưng các tác hại khi uống trà này lại ít ai ngờ - 4

9. Tăng tuổi thọ

Trong một nghiên cứu được tiến hành trên 40.530 người trưởng thành tại Nhật Bản trong vòng 11 năm, những người uống tà xanh nhiều nhất đã giảm đáng kể nguy cơ tử vong trong thời gian nghiên cứu, trong đó:

- Tử vong do mọi nguyên nhân: thấp hơn 23% ở phụ nữ, 12% ở nam giới.

- Tử vong do bệnh tim: thấp hơn 31% ở phụ nữ, 22% ở nam giới.

- Tử vong do đột quỵ: thấp hơn 42% ở phụ nữ, thấp hơn 35% ở nam giới.

Một nghiên cứu khác thực hiện trên 14.001 người Nhật Bản lớn tuổi cho thấy những người uống trà xanh nhiều nhất có nguy cơ tử vong thấp hơn 76% trong thời gian nghiên cứu 6 năm.

Tác hại của trà xanh

Không ai có thể phủ nhận lợi ích tuyệt vời mà trà xanh mang lại cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều trà xanh cũng có thể gây ra một số tác hại không mong muốn:

- Gây thiếu sắt, thiếu máu: Tiêu thụ trà xanh quá mức có thể dẫn đến mất nước và thiếu sắt. Trà có chứa chất chống oxy hóa được gọi là tannin. Tannin có một số lợi ích sức khỏe, nhưng lượng cao của chúng có thể gây ra tình trạng thiếu chất sắt trong cơ thể chúng ta vì chúng cản trở khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể, từ đó dẫn đến thiếu máu.

- Gây loãng xương: Tiêu thụ quá nhiều trà xanh có thể làm tăng lượng canxi được đào thải qua đường tiết niệu. Các nhà khoa học cho rằng, không nên uống quá 300 milligram trà xanh mỗi ngày để ngăn ngừa hiệu quả tình trạng loãng xương.

- Gây mất ngủ: Do trà xanh có chứa caffein nên có hể gây ra mất ngủ, nồng độ kali thấp cũng như rối loạn lo âu. Uống quá nhiều trà có thể làm tăng tình trạng lo âu theo thời gian. Bạn có thể tham khảo liều lượng caffein trong trà để mỗi ngày chỉ giới hạn dưới 200 mg sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Ảnh hưởng tới dạ dày: Việc uống quá nhiều trà xanh hoặc uống trà xanh lúc đói có thể làm tăng lượng axit tiết ra trong dạ dày, gây một số vấn đề liên quan đến tiêu hóa như táo bón, buồn nôn, đau bụng.

- Ảnh hưởng đến phụ nữ có thai và cho con bú: Phụ nữ có thai uống quá nhiều trà xanh có thể làm tăng nguy cơ sảy thai cũng như nhiều tác dụng phụ khác. Tốt nhất, phụ nữ có thai và đang cho con bú nên tránh loại nước uống này.

Nguồn tham khảo:

10 Evidence-Based Benefits of Green Tea - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 6/4/2020.

Rau cần tây chữa bệnh gì? Một số tác hại của rau cần tây ít người biết
Nhiều người thường sử dụng rau cần tây để giảm cân nhưng chưa chắc đã biết hết những tác dụng và tác hại của loại rau này.

Sống khỏe

Khánh Hằng (Dịch từ Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh