Qua quan sát bề ngoài và những lần tắm cho con, người mẹ bất ngờ phát hiện vòng ngực của trẻ phát triển khác thường nên vội đưa đến viện khám và nhận kết quả khá bất ngờ.
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Dậy thì sớm là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh, trong khi thực tế cho thấy tỷ lệ trẻ dậy thì sớm có xu hướng tăng. Một trẻ được coi là dậy thì sớm khi xuất hiện các dấu hiệu như ngực phát triển, có kinh nguyệt (ở nữ), vỡ tiếng, có lông mu (ở nam) bắt đầu trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Các bác sĩ cho rằng, nếu trẻ có các biểu hiện dậy thì ở trước độ tuổi này thì cần đưa đi khám chuyên khoa để có tư vấn và can thiệp kịp thời.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào khi có những biểu hiện trên cũng được chẩn đoán là dậy thì sớm, đó có thể là do vấn đề chăm sóc dinh dưỡng, lối sống của trẻ chưa hợp lý gây ra.
ThS.BS Dương Thị Thủy - chuyên khoa Nhi (Bệnh viện Medlatec) cho biết, bác sĩ từng tiếp nhận một bé gái 6 tuổi, ở Hà Nội được mẹ đưa đến vì lo lắng con bị dậy thì sớm. Nguyên nhân là do tuyến vú bé gái phát triển to bất thường so với tuổi. Bé gái cao 113cm, nặng 27kg. Thông số này cho thấy trẻ đang thừa cân. Ngoài ra, trẻ chưa có lông nách, chưa lông mu và chưa có kinh nguyệt…
Rất nhiều trẻ dù cơ thể phát triển hơn bạn bè trang lứa nhưng đi khám lại không phải dậy thì sớm. Ảnh: Lê Phương.
Theo thông tin từ mẹ cháu bé, từ nhỏ tới thời điểm đó, trẻ khá khỏe mạnh, không có vấn đề sức khỏe đáng ngại. Ngoài ra, cả mẹ và chị gái của bé đều dậy thì trong khoảng 12-13 tuổi. Tuy nhiên chế độ ăn của trẻ hàng ngày có nhiều chất béo, bé thích đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, ăn ít chất xơ và ít vận động.
Để có chẩn đoán chính xác, bác sĩ Thủy tiếp tục thực hiện các kiểm tra chuyên sâu hơn như xét nghiệm máu đánh giá tình trạng thừa cân, thiếu vi chất dinh dưỡng, siêu âm tử cung, buồng trứng, chụp X quang tuổi xương… Kết quả cho thấy, trẻ có tình trạng tăng mỡ máu, còi xương, thiếu vitamin D. Các xét nghiệm đo x-quang tuổi xương, cũng như bộ xét nghiệm nội tiết sinh dục và hình ảnh siêu âm tử cung buồng trứng cho thấy, trẻ đang phát triển theo đúng độ tuổi. Từ các kết quả trên, bác sĩ kết luận, trẻ có tuyến vú phát triển đơn thuần, rối loạn mỡ máu, còi xương thiếu vitamin D và thừa cân chứ không phải dậy thì sớm.
Với trường hợp này, phương án xử lý là bổ sung canxi, vitamin D đồng thời gia đình cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với con hơn như giảm đường, cân đối chất béo, tăng rau xanh quả chín, tập thể dục để kiểm soát cân nặng…
Chế độ ăn không khoa học dẫn đến nguy cơ trẻ béo phì nhưng vẫn bị còi xương. (Ảnh minh họa)
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, thực tế thăm khám cho thấy hiện có rất nhiều trẻ dù bụ bẫm nhưng vẫn được chẩn đoán bị còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất thiết yếu…
“Đa số mọi người vẫn thường nghĩ, còi xương đi liền với thấp còi. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, nhiều trẻ thừa cân nhưng vẫn bị còi xương, chúng tôi gọi đó là còi xương thể bụ bẫm”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Theo bác sĩ Hưng, sở dĩ có tình trạng này chủ yếu do lối sống, cách ăn uống hàng ngày. Cụ thể, chế độ ăn của trẻ mất cân đối như ăn quá nhiều đồ chứa chất béo, đồ ngọt nhưng lại lười bổ sung các vitamin và khoáng chất có từ rau xanh, quả chín. Hay trẻ lười vận động, ở trong nhà nhiều hơn là ra ngoài, ít tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt là tắm nắng vào buổi sáng. Ngoài ra, thói quen thức khuya, ngủ muộn cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ khá nhiều.
Việc trẻ thừa cân, béo phì, ngoài liên quan trực tiếp đến tình trạng dậy thì sớm còn gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, như các bệnh tim mạch, tiểu đường… Do vậy, bác sĩ Hưng cho rằng cần xây dựng cho trẻ chế độ ăn cân đối, hợp lý cũng như duy trì hoạt động thể lực, ngủ đúng giờ, đủ giấc... để trẻ phát triển tốt nhất.
Khuyến cáo để tránh nguy cơ trẻ dậy thì sớm: - Chế độ dinh dưỡng: + Không nên cho trẻ ăn những thực phẩm như: Đông trùng hạ thảo, nhân sâm, sữa ong chúa; Trái cây và rau củ quả trái mùa, do trái cây và rau trái trái vụ hầu hết đều có sử dụng chất bảo vệ thực vật, thúc đẩy sinh trưởng + Hạn chế cho trẻ ăn những món thịt từ gia súc, gia cầm, hải sản có sử dụng chất tăng trọng. + Tránh các loại thực phẩm có nhiều chất béo và lượng đường cao như sôcôla, các loại bánh, đồ uống ngọt, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ. Sử dụng quá thường xuyên những thực phẩm này có thể khiến trẻ hấp thụ nhiều chất béo dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì, rối loạn nội tiết làm tăng nguy cơ dậy thì sớm lên tới 2,5 lần so với trẻ bình thường. - Tăng cường vận động, thể dục thể thao: Mỗi ngày nên cho trẻ hoạt động thể dục 20-30 phút. Các bài tập có lợi cho sự phát triển lâu dài của trẻ bao gồm chạy, nhảy cao, nhảy dây, bơi lội, đá cầu… - Ngủ đủ giấc: Tuyến yên sẽ tiết ra hormone tăng trưởng ở mức cao điểm vào ban đêm, vì thế cha mẹ cần đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc, thường là không dưới 9 tiếng. - Không nên tự ý dùng thuốc cho con, đặc biệt là thuốc nội tiết vì có thể gây những ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của trẻ. - Đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở trẻ có dấu hiệu nguy cơ như: thừa cân, béo phì, tuyến vú phát triển sớm... để được bác sĩ tư vấn cụ thể. |
Tin liên quan
Sau một thời gian thấy con kêu đau chân, bố mẹ bất ngờ phát hiện hai chân con gái phát triển không bằng nhau. Đưa con đi khám, bác sĩ kết...
Dù được rất nhiều người yêu thích, song dâu tây, cải bó xôi, cải xoăn,... lại nằm trong danh sách 12 loại rau củ, trái cây có chứa dư lượng...
GiadinhNet - Việc thiếu hụt canxi trong cơ thể có thể được tiết lộ trên da của bạn. Tình trạng này khiến cho làn da của bạn khô và trông như...
Nhiều trẻ sau giai đoạn dậy thì dù chiều cao phát triển vượt trội nhưng giọng nói vẫn không thay đổi khiến phụ huynh lo lắng. Khi đi khám,...
Tin bài cùng chủ đề Trẻ dậy thì
Có nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở nam, trong đó dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng.
Bệnh trẻ em khác