Khi trẻ đi học cần làm gì để phòng dịch? Trường học nếu có F0 cần ứng phó thế nào? Thắc mắc trên sẽ được TS.BS Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ giải đáp.
Chào bác sĩ!
Bắt đầu từ ngày hôm nay (8/2) học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại Hà Nội được đến trường tham gia học trực tiếp thay vì học online như trước. Tôi có hai con đang học lớp 7 và lớp 9, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nhưng khi đưa con đến lớp tôi rất lo lắng, nhất là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Bác sĩ tư vấn giúp tôi, trong thời điểm dịch như hiện tại, việc đưa con đi học cần phải chú ý những điều gì, vì việc các con tiếp xúc, nói chuyện với nhau khi ra chơi hay học nhóm là khó tránh khỏi.
Hay như khi tan học, trong thời gian chờ bố mẹ đến đón các cháu ra cổng trường ăn uống, khi đó là ngoài sự quản lý của bố mẹ, nhà trường.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Trước hết phải khẳng định rằng, việc cho trẻ đi học trong thời gian này hoàn toàn hợp lý, nhất là với độ tuổi mà trẻ đã được tiêm vắc xin rồi. Nhiều phụ huynh lo ngại lây lan dịch bệnh khi con đi học, về điều này nếu để thật sự an toàn mới cho trẻ đến trường thì chỉ có thể đợi cả Việt Nam và thế giới hoàn toàn hết dịch thì khi đó mới gọi là an toàn.
Một vấn đề tôi thấy bất cập và mâu thuẫn trong sự lo lắng của các phụ huynh đó là các gia đình cho con đi chơi nơi đông người, đi du lịch thì không thấy lo lắng, nhưng khi trẻ đến trường lại thấy bất an, lo lắng.
Phải nói thẳng một điều rằng, kể cả khi trẻ ở nhà vẫn hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm COVID-19, kể cả khi tiêm đủ 3 mũi vắc xin. Thậm chí, trẻ ở nhà chưa chắc đã an toàn bằng khi đến trường (nếu tuân thủ nghiêm biện pháp phòng dịch), vì bố mẹ vẫn đi làm thì nguy cơ vẫn rất cao.
Trong nhà trường cần tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Vậy khi trẻ đến trường cần phải làm gì để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh?
Thứ nhất cần tuân thủ 5K trong trường học, các thầy cô giáo cũng phải tuân thủ và tự bảo vệ mình. Nếu trẻ thực hiện 5K và hàng ngày chỉ đi từ trường về nhà và ngược lại, không lang thang ăn uống ở ngoài… nguy cơ lây bệnh ở trường không cao bằng ở nhà.
Để làm được điều đó nhà trường cần kiểm soát kỹ. Từ việc thực hiện các biện pháp khử khuẩn, làm vệ sinh, rửa tay, ăn uống sạch sẽ, khoanh vùng, chia nhỏ lớp, chia cụm, sinh hoạt theo nhóm… Thực tế, khi trẻ ngồi học thì nguy cơ nhiễm bệnh là thấp và chỉ có nguy cơ lây bệnh khi ra chơi cùng nhau. Do vậy, việc kiểm soát, chia thành cụm, nhóm nhỏ để phòng trường hợp nếu có F0 thì dễ xử lý.
Phụ huynh cần phải nhắc nhở con em thực hiện nghiêm việc phòng dịch bệnh.
Vấn đề nữa là khi trường học ghi nhận ca F0 cần phải xử lý như thế nào?
Vấn đề này phải có kế hoạch từ trước để sẵn sàng đáp ứng khi xảy ra, chứ không thể vì xuất hiện một ca F0 mà cả lớp, cả trường nghỉ học.
Theo Bộ Y tế, khi trường học xuất hiện F0 cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các nhóm này. Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, có thể chỉ phong tỏa lớp học/tầng học/tòa nhà có F0. Sau 24 giờ khử khuẩn, vệ sinh lớp học/tầng học/tòa nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này.
Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |