Muối có hại cho cơ thể, nhưng vì sao bạn lại thèm ăn mặn đến vậy?
Muối (NaCl) là một khoáng chất thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong một chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần chúng ta ăn nhiều muối hơn mức cho phép. Hướng dẫn chế độ ăn uống 2020-2025 cho người Mỹ khuyên bạn nên tiêu thụ ít hơn 2.300 mg muối mỗi ngày. Hiệp hội Tim mạch Mỹ còn cho rằng chỉ nên tiêu thụ 1.500 mg, hoặc ít hơn, mới là lý tưởng. Trong khi đó, thống kê thực tế cho thấy người Mỹ tiêu thụ trung bình 3.400 miligam natri mỗi ngày, cao hơn 1.000 miligam so với lượng khuyến nghị. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một túi khoai tây chiên khoảng 30 gam có khoảng 150 mg natri. Trong khi đó, một thìa bơ đậu phộng có khoảng 69 mg natri.
Trong trường hợp bạn thường xuyên thích các món ăn có vị mặn, rõ ràng bạn cũng là người "nghiện" muối.
Tại sao bạn lại thèm muối?
Hầu hết các lời giải thích đều cho rằng chúng ta ăn mặn do môi trường sống, lối sống. Ngoài ra, nó còn do các nguyên nhân sau:
Bạn căng thẳng
Đối với một số người, căng thẳng làm giảm cảm giác đói, trong khi với số người còn lại, nó lại làm khuếch đại cảm giác đói. Elysia Cartlidge, một chuyên gia dinh dưỡng ở Ontario (Mỹ) nói: "Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến tuyến thượng thận của bạn cũng như khả năng điều chỉnh natri trong cơ thể. Điều này thường có thể dẫn đến tăng cảm giác thèm muối".
Tuyến thượng thận chịu trách nhiệm sản xuất và giải phóng cortisol, một loại hormone thường được gọi là "hormone căng thẳng". Khi căng thẳng lên cao độ, cortisol có thể khiến bạn thèm muối.
Do đó, nếu bạn có thể quản lý những cơn căng thẳng của mình, bạn sẽ giảm bớt cảm giác thèm ăn mặn.
Muối cần cho cơ thể, nhưng nhiều muối sẽ gây nguy hại. (Ảnh minh họa).
+ Tăng tiết mồ hôi khiến bạn mất natri
Natri là chất điện giải nên thoát ra khỏi cơ thể khi bạn đổ mồ hôi. Nếu bạn tập luyện quá sức và đổ mồ hôi nhiều, lượng mồ hôi tăng lên có thể dẫn đến mất natri trong cơ thể. Điều này dẫn đến việc bạn thèm ăn muối để thay thế lượng natri đã mất.
Đương nhiên điều này không có nghĩa là bạn nên giảm bớt cường độ tập thể dục, mà đồng nghĩa với việc bạn nên lựa chọn nguồn cung cấp natri phù hợp hơn, ví dụ uống các đồ uống có chất điện giải.
+ Thiếu ngủ
Khi thiếu ngủ, bạn có thể cảm thấy thèm ăn vô độ. Các hormone cortisol, leptin, ghrelin và serotonin được sản sinh khi mất ngủ sẽ kích hoạt cảm giác đói, thúc đẩy bạn tìm kiếm các loại thực phẩm giúp cảm thấy ngon miệng.
Do đó, nên ngủ đủ giấc mỗi đêm. Người lớn cần ngủ 7-9 giờ mỗi đêm, theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC).
+ Nhầm lẫn giữa cảm giác mất nước và đói
Bạn có uống đủ nước hoặc ăn đủ thực phẩm cung cấp nước như trái cây và rau quả không? Nếu câu trả lời là không, điều này đồng nghĩa với việc cơ thể tăng ham muốn có thêm natri. Chuyên gia Cartlidge nói, nếu bạn không được cung cấp đủ nước, điều này có thể dẫn đến một "cảm giác giả" là thèm muối. Giống như cơ chế đổ mồ hơi, cơ thể phát sinh cảm giác thèm muối - đây là phản ứng của cơ thể đối với nhu cầu thay thế chất lỏng, thay thế natri hoặc cả hai.
+ Ăn mặn đã thành thói quen
Nếu bạn đã có thói quen ăn mặn, cảm giác thèm muối của bạn có thể liên quan đến thói quen đó.
Việc phá bỏ các thói quen có thể khó, đặc biệt là khi món ăn quá ngon, nhưng bạn có thể chấm dứt tình trạng ăn vặt các món nhiều muối bằng cách thay thế bởi các thói quen mới. Hãy dành thời gian cho công việc khác, giữ cho mình bận rộn để quên đi cơn thèm.
+ Ép bản thân ăn nhạt quá lâu
Nếu bạn đã cố gắng cắt bỏ tất cả lượng muối bổ sung trong chế độ ăn uống của mình trong một thời gian thì cơ thể bạn "đòi" muối là điều dễ hiểu. Chế độ ăn này có vẻ hợp lý về mặt lý thuyết, nhưng quá nhiều quy tắc và hạn chế trong chế độ ăn uống có thể gây phản tác dụng.
Khi chúng ta cố gắng ép mình vào một quy tắc cứng nhắc là không ăn mặn, nó sẽ trở thành chủ đề chính trong suy nghĩ về đồ ăn của chúng ta, khiến bạn cuối cùng phải tìm kiếm nó và ăn quá mức.
Tốt nhất là nên đặt cho mình một mục tiêu thực tế và đạt được nó.
+ Cơ thể có bệnh
Một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như bệnh Addison, hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là những nguyên nhân tiềm ẩn, khiến bạn thèm đồ mặn. Những bệnh này khiến tuyến thượng thận tổn thương, không thể tạo ra đủ hormone cortisol, aldosterone - những hormon đóng vai trò trong việc cân bằng lượng chất lỏng và natri trong cơ thể.
Làm thế nào để giảm cảm giác thèm ăn muối?
Chìa khóa để kiềm chế cảm giác thèm ăn mặn là rèn luyện vị giác của bạn để thưởng thức hương vị của món ăn mà không cần thêm nhiều muối.
Cartlidge cho biết, giảm muối là một quá trình diễn ra từ từ và thường mất thời gian để vị giác của chúng ta thay đổi. Khi bạn giảm lượng muối ăn vào từ từ, vị giác của bạn sẽ làm quen dần. Theo thời gian, cảm giác thèm ăn của bạn sẽ giảm dần. Cần nhớ rằng muối không phải là gia vị duy nhất giúp cho món ăn của bạn ngon. Bạn có thể tạo hương vị cho các món ăn với các loại thảo mộc, gia vị, nước cốt chanh...