Hà Nội: Hai vợ chồng liệt toàn thân, phải thở máy sau khi ăn pate Minh Chay

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 31/08/2020 16:00 PM (GMT+7)

Ngoài 2 vợ chồng ở Hà Nội đang ở trong tình trạng nặng, ngày 31/8 có thêm 4 người khác đến bệnh viện khám và mang theo lọ pate Minh Chay đến viện.

Hai vợ chồng liệt toàn thân sau khi ăn pate Minh Chay

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - GĐ Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện trung tâm đang điều trị cho 2 vợ chồng (chồng 70 tuổi, vợ 68 tuổi) bị ngộ độc do ăn pate Minh Chay, cả 2 bệnh nhân đều rất nặng.

Qua khai thác tiền sử, từ đầu tháng 7, vợ chồng bệnh nhân đã ăn hết một lọ pate Minh Chay mua qua mạng. Sau đó, vợ chồng bệnh nhân mua thêm một lọ nữa. Khi ăn gần hết lọ thứ 2, vợ chồng bệnh nhân xuất hiện biểu hiện đau họng, sụp mi, khó nuốt, yếu tay, chân và khó thở nên đến Bệnh viện Lão khoa Trung Ương thăm khám rồi chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Bác sĩ Nguyên cho biết, khi tiếp nhận, bệnh nhân có biểu hiện liệt lan tỏa, liệt vùng đầu, mặt cổ lan xuống tay, chân. “Đây là những biểu hiện liệt phổ biến, đặc trưng của ngộ độc do vi khuẩn C.Botulinum gây ra”, bác sĩ Nguyên cho hay.

Hà Nội: Hai vợ chồng liệt toàn thân, phải thở máy sau khi ăn pate Minh Chay - 1

Trường hợp ngộ độc pate Minh Chay phải thở máy, liệt toàn thân.

Hiện tại, người chồng đang trong tình trạng nặng, bị liệt hoàn toàn, không thể tự thở và phải phụ thuộc vào máy thở. Người vợ bị liệt cơ ngồi dậy phải có người đỡ, không tự ăn được và luôn có nguy cơ bị sặc, viêm phổi.

Ngoài 2 vợ chồng bị nặng trên, bác sĩ Nguyên cho biết riêng trong sáng ngày 31/8 có đến 4 bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám và mang theo lọ pate Minh Chay. Trong đó có một trường hợp có biểu hiện yếu cơ, sụp mi nhưng không rõ nguyên nhân. Khi biết thông tin loại pate này có độc tố nên nhanh chóng đến Bệnh viện Bạch Mai khám lại.

Khi bị ngộ độc do Clostridium botulinum gây nên sẽ rất khó khăn trong quá trình điều trị. Để điều trị ngộ độc này các bác sĩ phải dùng loại thuốc có tên là “thuốc mồ côi”, tuy nhiên loại thuốc này rất hiếm và tại Việt Nam hiện không có loại thuốc điều trị này.

“Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, do chưa có thuốc giải độc, bệnh viện đã  làm việc với Bộ Y tế, các Trung tâm chống độc tại Thái Lan, tổ chức WHO ở Thái Lan và Việt Nam. Được biết, tại Thái Lan có loại thuốc giải độc nên đã đặt hàng mua 2 lọ, hiện thuốc đã về đến Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân.

Loại thuốc giải độc này do Canada sản xuất, giá bán là 8.000 USD/lọ. Tuy nhiên, do là thuốc “mồ côi” nên chi phí do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chi trả", bác sĩ Nguyên thông tin.

Hà Nội: Hai vợ chồng liệt toàn thân, phải thở máy sau khi ăn pate Minh Chay - 2

Lọ pate Minh Chay được người bệnh mang đến viện khi đi khám.

Theo bác sĩ Nguyên, ngộ độc do Clostridium botulinum rất hiếm. Đây là độc tố thần kinh thường có trong đồ ăn được đóng trong gói, hộp, túi, lọ kín với điều kiện không đảm bảo độ pH và độ mặn. Thông thường bệnh khởi phát sau khi ăn từ 12-36 tiếng và chậm nhất sau 1 tuần. Với những trường hợp nhẹ hơn, việc điều trị bổ trợ là chủ yếu.

Tuy nhiên, mhững người ngộ độc nặng, nhược cơ do ngộ độc độc tố Clostridium botulinum phải thở máy ít nhất trong 2 tháng. Quá trình điều trị sau đó sẽ kéo dài nhiều tháng để hồi phục.

Cơ sở sản xuất đóng cửa, dừng hoạt động

Được biết cơ sở sản xuất pate Minh Chay có địa chỉ tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tuy nhiên, cơ sở này đã đóng cửa, dừng hoạt động.

Tại cơ sở sản xuất này, cơ quan chức năng đã dán giấy niêm phong cửa vào khu vực sản xuất đồ chay. Dù tìm nhiều cách liên hệ với chủ cơ sở sản xuất nhưng đều không nhân được hồi âm.

Một người dân ở gần cơ sở sản xuất pate Minh Chay cho biết, cơ sở này hoạt đồng được khoảng 2-3 năm và có khoảng 10 nhân viên làm việc. Khoảng 1 tuần trở lại đây cơ sở này ngừng hoạt động và đóng cửa cho đến nay.

Ăn pate Minh Chay chứa vi khuẩn có độc lực mạnh, thai phụ ngộ độc nặng, phải thở máy
Hai ngày sau ăn, chị H.O đột ngột buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi. Vài ngày sau người phụ nữ mang thai 19 tuần này xuất hiện thêm chứng sụp mi, nói khó......
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngộ độc thực phẩm