Khói thuốc lá có thể còn để lại "dấu ấn" trên hệ gen của người tới 30 năm sau khi bỏ thuốc.
Theo một nghiên cứu, hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, có thể gây ảnh hưởng lên DNA một người tới hơn 30 năm sau khi bỏ thuốc.
Nghiên cứu của ĐH Y Harvard đã đưa ra những bằng chứng cho thấy khói thuốc gây ảnh hưởng lâu dài lên các bộ máy phân tử. Những người đã bỏ thuốc thì các vùng methyl hóa DNA trở về mức độ bình thường của người không hút trong vòng năm năm sau khi ngưng hút. Tuy nhiên, một vài vùng methyl hóa DNA vẫn tồn tại ngay cả sau 30 năm.
Sau hàng chục năm bỏ thuốc, nhiều người hút thuốc vẫn còn phải chịu những nguy cơ lâu dài bị các bệnh nguy hiểm như ung thư, tắc nghẽn phổi mãn tính, đột quỵ…
Hút thuốc ảnh hưởng rất nhiều tới ADN ngay cả khi đã bỏ thuốc. (Ảnh minh họa).
Các vùng methyl hóa được thống kê đáng kể nhất cho thấy chúng có liên hệ tới các gen liên quan đến nhiều căn bệnh do khói thuốc lá gây ra, ví dụ như bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư. Methyl hóa DNA có thể là một dấu hiệu quan trọng cho thấy lịch sử hút thuốc của một người, dẫn đường cho các nhà khoa học tìm kiếm phương pháp chữa trị mới.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã nghiên cứu so sánh các vùng DNA bị methyl hóa trong hệ gen của người trong 16.000 mẫu máu lấy từ người. Họ so sánh các vùng methyl hóa DNA của người đã và đang hút thuốc với người không bao giờ hút thuốc.
Vùng methyl hóa DNA của người hút thuốc liên hệ với hơn 7.000 gen, 1/3 tổng số gen của người. Các nhà khoa học cho rằng vài vùng methyl hóa lâu dài này có thể làm gây tổn hại đến gen, làm những người bỏ thuốc đã lâu vẫn còn phải chịu nguy cơ bệnh tật tăng cao.