Tính đến chiều 14-9, ngành y tế tỉnh Quảng Nam ghi nhận có ít nhất 141 người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng, trong đó có 33 người nước ngoài.
Chiều 14-9, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết tính đến 14 giờ 30 phút chiều cùng ngày, ngành y tế ghi nhận có 141 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì mua tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Trong đó, có 33 người nước ngoài (quốc tịch Úc, Anh, Nhật, Chile), một người Việt quốc tịch Đức. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn ghi nhận thông tin từ một số người dân, du khách khác qua điện thoại.
Bệnh nhân ăn bánh mì Phượng bị ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện Vĩnh Đức
Trước đó, ngày 13-9, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã lấy các mẫu lưu của cơ sở và mẫu có liên quan gửi kiểm nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang, dự kiến từ 7-10 ngày sẽ có kết quả.
Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã yêu cầu cơ sở bánh mì Phượng tạm dừng hoạt động và tiệm bánh mì này chấp hành từ ngày 13-9. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã đề nghị các cơ sở y tế tập trung chuyên môn hỗ trợ, điều trị tốt cho các bệnh nhân bị ngộ độc đang điều trị.
Trong ngày 14-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động qua điện thoại, con trai của bà Trương Thị Phượng (chủ tiệm bánh mì Phượng) cho biết sự việc xảy ra là sự cố không ai mong muốn, gia đình anh đang rất buồn và lo lắng.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm
Từ sáng 14-9, đại diện của gia đình đã liên hệ với các bệnh viện trên cơ sở danh sách cập nhật từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh để gặp gỡ, thăm hỏi, động viên những người đang nằm viện do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng.
"Trước mắt gia đình đi thăm hỏi những người bệnh trước, thăm từng trường hợp một. Thăm hỏi, động viên và có hỗ trợ chi phí bước đầu để chăm lo cho họ. Trường hợp ở xa quá hoặc xuất viện rồi thì mình xin số điện thoại gọi điện thăm hỏi và xin số tài khoản để hỗ trợ. Sự việc như thế nào thì cơ quan chức năng đang làm" – con trai chủ tiệm bánh mì Phượng nói và cho biết từ khi xảy ra sự việc, mẹ anh cảm thấy rất buồn, mệt mỏi nên phải nằm ở nhà nhờ người chăm sóc.
Tiệm bánh mì Phượng đã tạm dừng hoạt động từ ngày 13-9
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ khoảng 8 giờ sáng 11-9, một số người dân, du khách có ăn bánh mì (patê, thịt, xíu mại, rau sống, sốt trứng gà tươi, dưa, rau răm, xà lách, đu đủ chua, chả heo) mua tại tiệm bánh mì Phượng.
Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, một số người có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Sau đó, các bệnh nhân đã đến các cơ sở y tế để nhập viện, điều trị.
Theo thông tin từ tiệm bánh mì Phượng cung cấp, ngày 11-9, tiệm bánh mì này bán tổng cộng 1.920 ổ bánh mì; ngày 12-9 bán tổng cộng 1.700 ổ.
Được biết, bánh mì Phượng là tiệm bánh mì nổi tiếng ở Hội An, có lịch sử buôn bán hơn 30 năm. Không chỉ người dân địa phương, rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Hội An đều ghé đến thưởng thức món ăn nổi tiếng này. Nhiều thời điểm thực khách phải xếp hàng, chờ vài chục phút mới có thể mua được ổ bánh mì Phượng.
Số người vào viện 141 người, cụ thể: tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn Hội An 36 ca; tại TTYT thành phố Hội An 10 ca; tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức 23 ca; tại Phòng khám đa khoa Khang Cường, thành phố Hội An 28 ca; tại Bệnh viện Đa Khoa Khu vực Quảng Nam 5 ca; tại Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên 3 ca; tại 3 bệnh viện ở thành phố Đà Nẵng 36 ca (Bệnh viện đa khoa Gia Đình, Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ). Đa số các bệnh nhân đang điều trị cơ bản ổn định. |
(Theo Người lao động)
91 người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng, nhiều người phải nằm hồi sức
Chiều 13-9, bác sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết theo số liệu cập nhật đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 91 ca ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Trong số này, có hàng chục người nước ngoài.
Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức
Hiện tại, đã có 32 ca xuất viện, 1 ca phải chuyển ra Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng điều trị. Tại Bệnh viện Thái Bình Dương (TP Hội An), 3 ca nằm Khoa Hồi sức do huyết áp tụt, bạch cầu tăng, rối loạn điện giải (không thở máy). Tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cũng có 4 bệnh nhân người nước ngoài nằm hồi sức (không thở máy).
Trong ngày 13-9, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã lập đoàn điều tra, giám sát và xử lý ngộ độc thực phẩm tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng.
Theo kết quả xác minh, từ khoảng 8 giờ sáng 11-9, một số người dân, du khách đã ăn bánh mì (pa tê, thịt xíu, xíu mại, rau sống, sốt trứng gà tươi, dưa, rau răm, xà lách, đu đủ chua, chả heo) mua tại tiệm Phượng.
Tiệm bánh mì Phượng đã tạm dừng hoạt động
Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, một số người có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và kéo dài. Sau đó, các bệnh nhân đã đến các cơ sở y tế để nhập viện, điều trị.
Theo thông tin từ tiệm bánh mì Phượng cung cấp, ngày 11-9, tiệm này bán tổng cộng 1.920 ổ bánh mì; ngày 12-9 bán tổng cộng 1.700 ổ.
Đoàn điều tra, giám sát đã tiến hành lấy mẫu lưu của cơ sở bánh mì Phượng và mẫu liên quan để gửi kiểm nghiệm, gồm: mẫu lưu lúc 7 giờ ngày 11-9; mẫu lưu lúc 7 giờ 30 phút ngày 12-9; mẫu ngày 13-9.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã đề nghị tiệm bánh mì Phượng tạm dừng hoạt động chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống cho đến khi có kết luận về vụ ngộ độc thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền...
(Theo Người lao động)