Béo phì là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ, nhất là ở bé gái. Vậy bé trai bị dư cân/béo phì có bị dậy thì sớm không và có nguy cơ mắc các căn bệnh nào? TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ giải đáp thắc mắc giúp này.
Vợ chồng tôi có 2 con, bé gái 12 tuổi, bé trai 9 tuổi. Cả 2 con tôi đều thuộc nhóm trẻ dư cân/béo phì. Cũng vì vấn đề này, con gái tôi dậy thì lúc hơn 7 tuổi, hiện được điều trị dậy thì sớm và đã kiểm soát tốt cân nặng.
Tôi cũng sợ con trai bị dậy thì sớm nên đưa đi khám. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, bé hoàn toàn bình thường. Bác sĩ khuyên tôi không nên lo lắng vấn đề dậy thì sớm của con trai từ nguyên nhân dư cân/béo phì, mà nên đưa đi khám bệnh khác. Tôi tìm hiểu một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ là do dư/cân béo phì. Vậy dậy thì sớm ở bé trai và bé gái có khác nhau không? Tôi phải làm gì để có thể giúp con trai kiểm soát cân nặng. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi.
Tôi xin cảm ơn!
Có đến 95% trẻ dậy thì sớm là bé gái
Dậy thì sớm là tình trạng cơ thể trẻ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu trưởng thành quá sớm, bao gồm sự phát triển nhanh chóng của xương, cơ bắp, thay đổi kích thước và hình dạng của cơ thể, phát triển khả năng sinh sản, sự thay đổi của vú, giọng nói, xuất hiện lông mu…
Theo thống kê, hiện nay, trẻ dậy thì sớm chủ yếu là bé gái. Cụ thể, số trẻ đến khám dậy thì sớm ở các bệnh viện chiếm 95% là bé gái, còn bé trai là 5%. Nguyên nhân tại sao bé gái dễ dậy thì sớm hơn bé trai hiện vẫn chưa được xác định. Các nhà nghiên cứu chỉ phát hiện ra rằng, hầu hết bé gái bị dậy thì sớm là do vô căn, khiến trục sinh lý của trẻ hoạt động sớm hơn. Còn với bé trai sẽ có khoảng 50% nguyên nhân là do thực thể, 50% là vô căn.
Trẻ dư cân/béo phì là một trong những nguyên nhân bị dậy thì sớm. Ảnh minh họa.
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm được các y bác sĩ phát hiện là do dư cân/béo phì, nhất là ở bé gái. Nguyên nhân do mức độ hormone insulin tăng cao trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến hormone tăng trưởng (growth hormone), hormone tình dục (sex hormone) và hormone của tuyến giáp (thyroid hormone), dẫn đến sự phát triển tình dục sớm hơn.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng béo phì có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện kích thước vùng ngực lớn ở nam giới, vùng ngực và hông lớn ở nữ giới. Khi cơ thể sản xuất nhiều hormone tăng trưởng, tuyến yên phải tiết ra nhiều hormone để giúp cơ thể tiêu thụ glucose. Điều này làm mức độ insulin tăng và gây ra dậy thì sớm. Đây chính là lý do con gái bạn dư cân/béo phì bị dậy thì sớm, còn con trai bạn thì có nguy cơ về nhiều căn bệnh khác hơn.
Bé trai dư cân/béo phì có nguy cơ mắc các bệnh nào?
Nhiều nghiên cứu và thực tế đã chỉ ra, trẻ bị dư cân/béo phì không tốt cho sức khỏe như bị tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ, mắc các bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, thoái hóa khớp. Hơn nữa, những bé bị dư cân/béo phì sẽ rất lười vận động, vì chỉ cần đi lại một chút sẽ rất mệt mỏi, đau khớp nên sẽ càng lười hoạt động hơn. Đây chính là lý do khiến trẻ không tăng trưởng được nữa.
Khi trẻ vận động được nhiều thì mới hấp thu canxi tốt, ngủ ngon, hormone tăng trưởng mới phát ra đúng với hormone sinh lý của trẻ. Từ các điều này mới có thể giúp trẻ tăng trưởng chiều cao để phát triển tối ưu.
Ngoài ra, trẻ dư cân/béo phì, nếu cứ tiếp tục tăng cân nhất là lượng mỡ trên cơ thể sẽ dễ làm trẻ bị ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy dẫn đến thiếu oxy. Đây cũng chính là lý do khiến trẻ hoạt động không tốt, học hành mệt mỏi, từ đó quá trình tăng trưởng bị ảnh hưởng. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đưa con đi khám để trẻ được điều chỉnh chế độ ăn uống, hướng dẫn tập luyện làm sao để trẻ tăng trưởng tối ưu, hạn chế hậu quả của béo phì.
Một bé gái khám dậy thì sớm ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh minh họa
Hãy giảm cân cho con bằng vận động hợp lý, ăn uống lành mạnh
Nguyên tắc điều trị trẻ dư cân/béo phì sẽ không giảm cân giống như người lớn, trừ khi có biến chứng xảy ra. Chỉ nên để trẻ chững cân hoặc giảm cân nhưng ít và cần làm sao cho trẻ tăng lên. Với những trẻ béo phì do dinh dưỡng thì chiều cao ban đầu của trẻ là bằng hoặc nhiều hơn chuẩn, vì vậy cần duy trì chiều cao cho trẻ được tốt.
Đối với việc ăn uống của trẻ, là cần giảm những nguyên liệu nhiều năng lượng không cần thiết như năng lượng rỗng từ đồ ngọt, chất béo no, thức ăn nhanh. Đối với tinh bột, bạn nên giữ mức vừa đủ cho con, không nên cắt giảm sâu để cơ thể trẻ phát triển vừa đủ.
Bạn nên cho trẻ ăn các thực phẩm lành mạnh, nhiều rau củ quả và uống sữa tách béo tách đường. Tuyệt đối không nên bắt trẻ ngưng ăn. Bởi trẻ dư cân/béo phì thường rất thích ăn, ăn ngon miệng, nếu bắt trẻ ngưng ăn sẽ rất khó, và khi đói trẻ sẽ đi tìm đồ để ăn, nhất là những món yêu thích như đồ chiên rán không có lợi cho sức khỏe, càng dễ tăng cân hơn..,
Cần hướng trẻ vận động để giúp hấp thu canxi, ngủ ngon và làm tiêu hao mỡ. Việc giúp trẻ dư cân/béo phì vận động cũng là cả một quá trình, làm sao cho trẻ vừa giảm được mỡ vừa để khớp không bị thoái hóa. Cha mẹ nên cho trẻ vận động ở mức độ vừa nhưng cường độ phải kéo dài 30 phút - 1 giờ trở lên mới tiêu được mỡ. Việc cho cho con vận động 10 phút cho có là không hiệu quả, có khi làm trẻ ăn nhiều hơn.
Theo tôi, mỗi một trẻ dư cân/béo phì có một vấn đề riêng, vì vậy, tốt nhất bạn hãy cho trẻ đi khám để bác sĩ đánh giá xem con bạn dư chất gì, thiếu chất gì hay có vấn đề nào không ổn, chứ không thể áp dụng một công thức chung cho tất cả trẻ.
Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý bạn đọc đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |