Loại quả này không chỉ là đặc sản, có mùi vị thơm ngon mà còn là vị thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh, đặc biệt là không hề tồn dư hóa chất.
Quả trám chỉ có theo mùa vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Ngoài làm làm thực phẩm, quả trám còn là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y TP Hà Nội cho biết, trám có hai loại là trám đen và trám trắng (trám chua), cả hai đều tốt, nhưng trám đen được nhiều người ưa thích hơn, chúng như một thứ quà ăn vặt, hương vị thơm ngon và có giá đắt hơn.
Hiện nay có nhiều giống trám cho năng suất cao, nhưng về cơ bản cây trám phát triển tự nhiên, khi ra hoa kết trái không cần phun thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích. Trong quá trình thu hái, vận chuyển loại quả này thường cũng không cần dùng đến chất bảo quản, bởi khi dính hóa chất, quả sẽ dễ bị hỏng, không sử dụng được. Bản thân quả trám có chứa nhiều tinh dầu, đây chính là chất bảo quản tự nhiên.
Quả trám đen có nhiều tinh dầu, chất béo và protein nên tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, các nghiên cứu của y học hiện đại chỉ ra rằng, trám đen nhiều dinh dưỡng hơn so với trám trắng, nhất là lượng chất béo và protein, vì thế khi ăn có vị béo ngậy, ngọt sâu và rất bùi. Còn trám trắng do có vị chua nên chúng chứa nhiều vitamin hơn, ngoài ra hai loại trám này cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng khác.
Trong đông y, trám có tác dụng sinh tân chỉ khát, lợi yết hầu và giải độc. Do đó, thường dùng để giải rượu, chữa viêm amidan, chữa yết hầu cổ họng sưng đau hoặc ho nhiều đờm. Quả trám chín có tác dụng chữa động kinh và an thần.
Ngoài ra, quả trám còn kích thích tuyến nước bọt, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, tăng cường khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, hỗ trợ bảo vệ gan. Để phát huy tốt tác dụng, ông Sáng khuyến cáo mọi người nên lấy quả trám sắc nước uống, thay vì ăn trực tiếp.
Quả trám còn là bài thuốc đông y chữa đau họng, viêm họng, ho có đờm. Với bài thuốc này tốt nhất nên dùng quả trám đen, vì chúng chứa nhiều tinh dầu hơn. Cách sử dụng cũng rất đơn giản như dùng quả trám thái nhỏ, hãm cùng nước sôi như hãm trà để uống. Ngoài ra, có thể dùng kết hợp với mật ong, đun cô đặc lại sau đó ngậm để chữa viêm họng, khàn tiếng.
Sử dụng các món ăn từ quả trám còn hỗ trợ khắc phục tình trạng ốm nghén cho phụ nữ. Do trám có nhiều dinh dưỡng, vitamin nên cũng rất tốt cho bà bầu và thai nhi.
Qủa trám trắng hay còn gọi là trám chua thường được kết hợp chế biến với các thực phẩm khác để tạo nên món ăn ngon. Ảnh minh họa.
Lương y Đắc Sáng tư vấn thêm rằng, quả trám không có độc nên có thể ăn thường xuyên, nhưng chỉ nên ăn khi trám đã được nấu chín. Trám còn tươi, dù quả đã già nhưng ăn vào có vị chát, thường chứa nhiều chất tanin, không tốt cho thận, dễ gây táo bón.
Dưới đây là một số bài thuốc từ quả trám:
- Chữa da nứt nẻ do hanh khô, lạnh: Lấy quá trám đốt tồn tính rồi trộn với dầu mè thoa lên vùng da khô nứt.
- Chữa môi lở đau không ăn được: Đốt tồn tính trám trộn với mỡ lợn bôi.
- Chữa sâu răng, đau răng: Đốt tồn tính trám nghiền nát trộn với dầu xạ hương nhét vào phần răng sâu, đau.
- Trị đau đầu: Sử dụng 10 quả trám, tô tử 10g, hành hoa 10g, gừng tươi 10g. Sắc với 1,5 lít nước đến khi cạn còn 500ml, chia đều 3 bữa, uống khi còn ấm có tác dụng trị đau đầu. Áp dụng trong 3-5 ngày, trị bệnh đau đầu được dứt điểm.
- Giải nhiệt, thanh phế, lợi hầu họng: Trám bỏ hạt 10 quả, mã thầy 150g, ngó sen tươi 120g, gừng tươi 6g cho vào máy ép, ép lấy nước, uống đều 2 bữa sau ăn 30 phút có tác dụng giải nhiệt, thanh phế, lợi cho hầu họng.
- Chữa ho gà, ho do cảm lạnh: Lấy 10 quả trám và đường phèn, sắc cùng 1 lít nước, uống khi còn ấm, 2 bữa sáng- tối sau ăn 30 phút. Kiên trì áp dụng trong 7-10 ngày để trị bệnh được triệt để.
- Trị đau nhức xương khớp: Cạo bỏ vỏ lớp sần bên ngoài quả trám, rửa sạch, cắt lát, sắc cùng 1 lít nước đến khi còn 1 nửa, chia uống 3 lần sau bữa ăn 30 phút có tác dụng điều trị bệnh đau nhức xương hiệu quả.
- Giải rượu: Lấy 12 quả trám và ít phèn chua, dùng nước lạnh rửa sạch trám, lấy dao khía trên mỗi quả 4-5 đường rồi nhét phèn vào những vết khía, nhai nhỏ nuốt dần để giải rượu, hoặc trám tươi (10 quả) sắc lấy nước uống.