Loại quả xưa từ cây mọc dại nay bán cả trăm nghìn/kg, nhiều người săn lùng để làm thuốc quý, BS cảnh báo "dùng cẩn trọng"

DIỆU THUẦN - Ngày 20/06/2023 16:00 PM (GMT+7)

Theo y học, thằn lằn là cây thuốc, có thể trị đau lưng, xương khớp, liệt dương… nhưng khi dùng trái cây này ngâm rượu uống cần thận trọng.

Ngâm rượu thuốc theo công thức truyền miệng

Cây thằn lằn còn có tên gọi khác là xộp, trâu cổ, vẩy ốc, vương bất lưu hành… Đây là loại cây mọc hoang nhiều nơi ở nước ta. Cây có nhiều dây leo, rễ bám, trái có mủ cả khi còn non và già.

Theo Y học bản địa Việt Nam, cây thằn lằn dùng được cả quả, lá, cành, rễ và nhựa mủ. Trong đó, hạt chứa nhiều chất xơ polysaccharide. Vỏ quả có nhiều chất gôm cũng là một nhóm chất giúp nhuận tràng chống táo bón. Trong trái còn chứa nhiều protein nên là thức ăn bổ dưỡng.  Ngoài ra, người ta thường đem trái thằn lằn chín ép dẹp, sau đó phơi khô để ăn. Ở nhiều nơi, loại quả khô này được bán với giá lên tới hơn 200.000/kg. 

Trái và cây thằn lằn. Ảnh: A.N.

Trái và cây thằn lằn. Ảnh: A.N.

Theo Đông y, trái thằn lằn có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ thận tráng dương, cố tinh, hoạt huyết, lợi thấp, thông sữa. Dùng quả làm thuốc bổ, chữa di tinh, liệt dương, bất lực, đau lưng, chứng đái dầm, lỵ lâu ngày, kinh nguyệt không đều, viêm tinh hoàn, phong thấp, viêm khớp, bong gân, ung thũng, trĩ lòi dom, sa dạ con, tắc tia sữa và tiểu đục.

Đông y cho rằng, thằn lằn ngâm rượu là loại thuốc bổ chữa di tinh liệt dương theo công thức: Dùng cành, lá, quả non phơi khô 100g, đậu đen 50g xay thô, sau đó ngâm với 250ml rượu trắng trong 10 ngày, uống 10 - 30ml/ngày.

Nhờ những đặc tính trên, thời gian qua, nhiều người đã săn lùng trái thằn lằn để ngâm rượu uống. Anh Nguyên (ở TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng hái 10kg trái thằn lằn gần nơi làm việc, mang về cắt làm 4, phơi khô rồi ngâm rượu dùng dần.

Anh Nguyên cho biết, nhiều người bạn và đồng nghiệp của anh từng tìm hái trái thằn lằn về ngâm rượu uống từ lâu. Là người ít nhậu và không rành về các loại rượu, ban đầu anh Nguyên không mặn mà với trái thằn lằn, dù anh từng thấy nhiều nơi ở TP.HCM có trồng cây này, trái trĩu cành khi đi làm ở các công trình xây dựng. Một lần, anh đi ăn tiệc với đối tác của công ty thì được một người đưa cả thẩu rượu ngâm trái thằn lằn đến mời, kèm lời giới thiệu, nó giúp người uống ngừa đau lưng, xương khớp và giúp chuyện chăn gối của hai vợ chồng thăng hoa hơn.

Trái thằn lằn được anh Nguyên hái về để ngâm rượu. Ảnh: A.N.

Trái thằn lằn được anh Nguyên hái về để ngâm rượu. Ảnh: A.N. 

Vốn dĩ là người thường xuyên bị đau lưng khi ngồi làm việc trước máy tính lâu, chuyện chăn gối của anh với vợ dạo gần đây cũng bị chểnh mảng, lời giới thiệu trên làm anh chú ý. Khi thấy cạnh công trình xây dựng mình đang làm có một nhà trồng cây thằn lằn, trái to tròn, cây mọc và ra trái tự nhiên, anh Nguyên cùng các đồng nghiệp xin hái chia nhau về ngâm rượu uống.

Anh Nguyên cho biết, loại rượu anh dùng để ngâm trái thằn lằn đã phơi khô mua được của người thân nấu nên anh thấy khá yên tâm. Công thức ngâm rượu trái thằn lằn theo lời người quen mách của anh Nguyên là 10kg trái thằn lằn tươi, bổ làm 4 phơi khô, ngâm với 5 lít rượu. Anh dự tính, khi thẩu rượu có thể uống được sẽ uống mỗi ngày 1 ly để giúp đỡ đau lưng và hy vọng có thể cải thiện chuyện chăn gối với vợ. 

Đừng để bản thân rước bệnh vì hiểu sai

Theo Y học cổ truyền, rượu thuốc là loại rượu ngâm từ các loại trái, cây và một số loại động vật… được các lương y áp dụng trong chữa bệnh theo liều lượng nhất định, tùy theo từng loại bệnh, thể trạng của từng người. BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ cũng cho rằng, với rượu thuốc, mỗi người cách dùng mỗi khác. Khi chọn rượu phải theo thể chất của từng người, lấy việc chữa bệnh là chính và nên nghe theo hướng dẫn của thầy thuốc. 

Từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu ngâm, theo Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, việc người dân nghe đồn con gì, cây gì bổ, giúp an thần, bổ dương là cho vào rượu ngâm là không đúng. Bởi, tất cả các loại rượu ngâm, đa phần được chế biến theo công thức truyền miệng, ngâm theo cảm tính mà không theo một phương pháp khoa học nào. Kế đến, chất lượng loại rượu ra sao, công thức chuẩn đến đâu là một vấn đề đáng lo ngại.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo, người dân không lạm dụng rượu, cần hạn chế uống rượu và không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người dân không tự ngâm các loại các cây, con và các bộ phận của động vật, côn trùng,… để tránh gây hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo các bác sĩ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, để sử dụng rượu ngâm trái thằn lằn an toàn cần tuân thủ các yếu tố sau:

+ Phải sử dụng rượu rõ nguồn gốc, đúng độ, tuyệt đối không dùng loại rượu chứa hóa chất hoặc nhiều cồn công nghiệp.

+ Nguyên liệu ngâm rượu (trái thằn lằn, đậu đen...) phải đúng, không ngấm hóa chất, cách phơi hoặc sấy khô phải đảm bảo, không bị nấm mốc... Tốt nhất nên tìm mua dược liệu ở các cơ sở Đông dược uy tín và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền.

+ Khi uống rượu phải đúng liều lượng vì nếu uống nhiều thì có thể có phản ứng của cơ thể, nhất là những người mắc bệnh dạ dày, gan. Tốt nhất chỉ nên dùng 1-2 ly nhỏ cách ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

+ Ngoài ra, cần kết hợp ăn uống đầy đủ dưỡng chất và có chế độ rèn luyện phù hợp để đảm bảo sức khỏe. 

Cây rau không chăm cũng sống tốt, ăn bổ máu, giúp giải độc gan nhưng bị nhiều người ghẻ lạnh
Sâm đất không chỉ dùng làm rau ăn, mà còn có thể làm thuốc, hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp và tiểu đường, điều hòa huyết áp, giúp giảm cân...

Cây thuốc nam

DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cây thuốc nam