Mùa hè, uống nước chanh hay nước dừa tốt hơn? Bác sĩ tiết lộ có người không nên uống cả 2 loại nước này

DIỆU THUẦN - Ngày 18/04/2024 06:50 AM (GMT+7)

Nước chanh và nước dừa đều là đồ uống tự nhiên, lành mạnh và có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên có thể lựa chọn uống theo sở thích, nhu cầu cá nhân.

Nước dừa tốt nhưng đừng uống khi vừa đi ngoài nắng về

Chanh và dừa được trồng ở khắp các tỉnh thành ở nước ta, giá bán rẻ, lại có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Vào dịp nắng nóng như hiện nay, đây là các loại trái được mọi người dùng làm nước uống, vừa giúp giải khát vừa giải nhiệt.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, trong nước dừa chứa 95% nước, các thành phần khác rất đa dạng bao gồm: nitơ, axit phosphoric, kali, canxi, magie, sắt, đường khử... có tính hàn giúp giải nhiệt, làm mát... Ngoài ra, nước dừa còn có công dụng chống oxy hóa, giảm hoạt động của các gốc tự do... giúp cơ thể trẻ hóa, giảm mỡ máu, ung thư, tiểu đường, tim mạch, sỏi thận...

Nước dừa giúp bổ sung nước cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Nước dừa giúp bổ sung nước cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Dù nước dừa là loại đồ uống lý tưởng chứa nhiều chất bổ dưỡng nhưng nó lại có yếu tố “âm”, tức là có tính giải nhiệt, làm mát, làm mềm yếu gân cơ, hạ huyết áp. Vì vậy, những người bị bệnh trĩ, huyết áp thấp, nhức đầu do huyết áp thấp, cảm lạnh, thấp khớp, bệnh tim do lạnh thì không nên uống. Ngoài ra, trong nước dừa hàm lượng chất béo rất cao 2% nên dùng hạn chế, uống nhiều sẽ gây đầy bụng, khó tiêu.

“Dừa và những loại quả nhiều nước như dưa hấu đều có tính làm mát (ẩm, thấp), khi đi nắng về ta không nên ăn, uống nhiều vì đông y cho rằng "ẩm khốn tỳ", ẩm nhiều gây hại tỳ vị, gây đầy bụng, khó tiêu, người ớn lạnh, đặc biệt có hại cho đường tiêu hóa và lá lách”, Lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo.

Chúng ta cũng nên tránh uống nước dừa vào buổi tối với nước đá. Đó là ba yếu tố âm cộng lại (nước dừa, nước đá, ban đêm) rất dễ gây bệnh. Với người đánh võ hay đá bóng cũng kỵ dùng nước dừa trước khi thi đấu vì làm cho gân cơ rã rời, không thể chạy nhanh và sức bền được. Một số bệnh lý cần phải kiêng nước dừa vì có thể khiến bệnh nặng hơn hoặc gây biến chứng.

Uống nước chanh lành mạnh nhưng đừng uống khi đói bụng

Nước chanh là một thức uống quen thuộc được nhiều người ưa thích vì tính đơn giản, tiện lợi và chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, glucid, canxi, kali... Đặc biệt với lượng vitamin C dồi dào trong nước chanh có thể giúp người uống giảm cân, ngừa sỏi thận, làm hơi thở thơm mát.

Nước chanh cung cấp vitamin C cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Nước chanh cung cấp vitamin C cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nước ép từ một quả chanh chứa khoảng 30 mg vitamin C, tương đương khoảng 33% trong số 90 mg lượng khuyến nghị hàng ngày cho nam giới và 40% trong số 75 mg cho nữ giới.

Các nhà dinh dưỡng khuyên bạn nên sử dụng 2-3 trái chanh (khoảng 4-6 muỗng canh nước cốt chanh) trong ngày nếu không có bệnh lý cần hạn chế. Khi uống nước chanh nên pha loãng với nước ấm, thêm đường hoặc mật ong nhưng không quá 1,5 lít nước chanh mỗi ngày. Tốt nhất nên uống nước chanh rải rác trong ngày, xen kẽ với nước lọc và các loại đồ uống lành mạnh khác.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nha khoa Mỹ (ADA), nên uống nước chanh vào giữa các bữa ăn là tốt nhất. Bởi vì chanh có tính axit cao, nếu uống quá nhiều hoặc uống khi đói có thể khiến axit citric có trong chanh ăn mòn men răng, làm hỏng răng.

Do trong nước chanh chứa axit cao có thể gây kích ứng thành dạ dày, gây ra chứng ợ chua. Vì vậy, khi bị lở miệng, người có hệ tiêu hóa nhạy cảm cần lưu ý không uống nước chanh hàng ngày, nhất là lúc bụng đói.

Cả nước chanh và nước dừa đều tốt và có các lưu ý khi uống. (Ảnh minh họa)

Cả nước chanh và nước dừa đều tốt và có các lưu ý khi uống. (Ảnh minh họa)

Nước chanh dễ nhiễm bẩn hơn nước dừa

Khi nói đến việc bổ sung nước vào mùa hè, cả nước dừa và nước chanh đều mang lại những lợi ích riêng biệt. Nước dừa vượt trội trong việc bổ sung chất điện giải bị mất qua mồ hôi, khiến nó trở thành lựa chọn tuyệt vời để bù nước sau khi gắng sức hoặc trong điều kiện nóng ẩm. Đặc biệt, hàm lượng kali của nó giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và chuột rút cơ bắp, khiến nó trở thành lựa chọn phổ biến của các vận động viên và những người đam mê thể dục.

Nước chanh tuy không giàu chất điện giải như nước dừa nhưng lại cung cấp nước cùng với các lợi ích bổ sung cho sức khỏe. Hàm lượng vitamin C cao giúp chống lại stress oxy hóa và hỗ trợ chức năng miễn dịch, có thể có lợi trong những tháng mùa hè khi tiếp xúc với nhiệt và tia UV làm tăng tổn thương gốc tự do. Hơn nữa, hương vị sảng khoái của nước chanh có thể khuyến khích tăng lượng chất lỏng, thúc đẩy quá trình hydrat hóa suốt cả ngày.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc lựa chọn nước chanh hay nước dừa để bổ sung nước trong những ngày nắng nóng phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu cũng như tài chính của từng cá nhân. Nhưng với nước dừa, bạn nên chọn mua loại quả tươi, còn vỏ để uống nhằm tránh mua phải quả có chứa chất bảo quản. Với chanh, một số loại có thể bị dùng chất bảo quản, thuốc trừ sâu hơn nước dừa. Vì vậy, tốt nhất trước khi vắt hoặc ép lấy nước nên rửa sạch vỏ để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và thuốc trừ sâu bám trên vỏ. 

Ngày nắng nóng, uống nước mía hay nước dừa tốt hơn? Đáp án của chuyên gia khiến nhiều người bất ngờ
Cả nước mía và nước dừa đều có các thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng nước mía phải qua khâu ép nên dễ dính bụi bẩn và các loại vi khuẩn có...

Nắng nóng đỉnh điểm

Theo DIỆU THUẦN Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe ngày nóng