Sau 2 tháng chỉ ăn rau củ để trị bệnh tiểu đường, bà Hương giảm 5kg, chỉ số đo huyết áp và đường huyết tăng, sau đó rơi vào tình trạng mệt mỏi, lơ mơ.
Bà Trần Thị Hương (75 tuổi, ở Đồng Nai) mắc tiểu đường hơn 10 năm qua. Trước đó, bà uống thuốc, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nên mỗi khi đi khám, kết quả xét nghiệm đường huyết luôn nằm ở mức 7%. Đây được xem là mức đường huyết bình thường ở người mắc tiểu đường.
Tháng 5 vừa qua, nghe nhiều người nói, uống thuốc tiểu đường về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến gan, mật và các cơ quan nội tạng khác khiến bà Hương rất lo lắng. Được người thân giới thiệu về một bác sĩ phòng mạch có phương pháp trị tiểu đường không cần dùng thuốc, bà đã tìm đến. Tại đây, bà được “bác sĩ” đưa ra hướng điều trị bằng cách hằng ngày chỉ ăn rau củ, các loại hạt và trái cây.
Sau 2 tháng trị tiểu đường theo cách chỉ ăn rau củ, bà Hương phải nhập viện cấp cứu. Ảnh minh họa.
Suốt 2 tháng liền, bà Hương ăn theo hướng dẫn của "bác sĩ", hằng ngày còn đo chỉ số huyết áp, đường huyết gửi đến phòng mạch cho bác sĩ theo dõi. Dù được bác sĩ đánh giá có chỉ số đường huyết tốt nhưng bà lại mệt mỏi liên tục, tinh thần suy sụp, trong vòng 2 tháng giảm 5kg, cơ thể rệu rã, chán ăn.
Khi được người nhà đưa đến khoa Cấp cứu, một bệnh viện tư ở TP.HCM, bà Hương đã rơi vào trạng thái lơ mơ. Từ kết quả đo đường huyết cao, natri máu thấp, bác sĩ Lê Hồng Hải, người tiếp nhận bệnh nhân nhận định bà Hương bị tăng đường huyết, rối loạn điện giải. Ngay lập tức, người bệnh được chỉ định bồi hoàn nước điện giải, giữ cân bằng kiềm toan (cân bằng axit và bazơ).
Bác sĩ Hải cho biết sau 2 giờ điều trị, chỉ số đường huyết người bệnh bắt đầu giảm, bớt mệt nên được chuyển đến khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Sau 5 ngày điều trị, bà Hương tự xuất viện và hứa sẽ tuân thủ điều trị, uống thuốc trị tiểu đường đều đặn.
Bà Hương lúc đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.
Đừng trị bệnh theo quảng cáo, lời giới thiệu trên mạng
Ths.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, cho biết, đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh mãn tính với đặc trưng đường huyết luôn ở mức cao hơn bình thường và sẽ ảnh hưởng tới suốt đời.
Theo Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF), tính đến năm 2021, cả thế giới có hơn 537 triệu người mắc bệnh này, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20-79 tuổi thì có 1 người mắc; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi tiểu đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc bệnh mà không được chẩn đoán.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021, tỷ lệ mắc tiểu đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người mắc bệnh. Trong đó, số người được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số ca mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Bộ y tế khuyến cáo tiểu đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia, nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.
Người bệnh tiểu đường cần ăn đẩy đủ chất dinh dưỡng và vận động hợp lý. Ảnh minh họa
Bác sĩ Trâm khuyến cáo để có sức khỏe ổn định, người mắc tiểu đường cần thăm khám đúng chuyên khoa định kỳ và uống thuốc mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cũng cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng gồm: tinh bột, chất đạm, chất xơ và các loại vitamin… Ngoài ra, cần luyện tập thể dục phù hợp với thể trạng, sức khỏe của mình.
“Với người bệnh tiểu đường dù chỉ số đường huyết ổn định liên tục trong 3 tháng cũng không nên ngưng thuốc. Bởi khi ngưng thuốc, đường huyết tăng dần mỗi ngày nhưng người bệnh khó nhận biết. Sau thời gian dài, đường huyết tăng quá cao dẫn đến các biến chứng cấp tính như tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm toan ceton dẫn đến hôn mê hoặc đường huyết lên cao, xuống thấp trong thời gian dài gây tổn thương mạch máu, dẫn đến các biến chứng mạn tính như suy thận, mờ mắt…” bác sĩ Trâm nhắc nhở.
Theo TS BS. Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược, cũng cho biết bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa nếu người bệnh tuân thủ điều trị đúng cách, theo dõi định kỳ.
Khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, hay tin những lời quảng cáo trên Internet, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bỏ điều trị sẽ làm cho các biến chứng ngày càng nặng nề, có thể nhiễm toan máu nguy hiểm chết người.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.