Gần đây, có một thông tin ở Trung Quốc đang khiến nhiều người quan tâm, đó là người phụ nữ bị nhồi máu não phải nhập viện chỉ vì tức giận trong khi cùng đứa con làm bài tập về nhà. Tại sao lại như vậy?
Người phụ nữ 33 tuổi bị nhồi máu não sau khi cùng con làm bài tập về nhà
Hai ngày qua, một hình ảnh chụp lại “hồ sơ bệnh án” của một người phụ nữ đang là tâm điểm của cư dân mạng ở Trung Quốc. Trên “hồ sơ bệnh án” có viết: Bệnh nhân nữ 33 tuổi vào ngày 26/10 đang cùnng đứa trẻ làm bài tập về nhà, chỉ vì tức giận người phụ nữ xuất hiện tình trạng mồm méo, nói ngọng, tay phải khó cầm bút, chữ viết bắt đầu nguệch ngoạc… cô bị nhồi máu não phải nhập viện.
Bức ảnh chụp lại "hồ sơ bệnh án" của người phụ nữ.
Sau khi bức ảnh xuất hiện, phóng viên (ở Trung Quốc) đã lập tức đến bệnh viện xác minh, và được biết đây là sự thật. Người mẹ này hiện đang ở Khoa Nội Thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Nam Kinh, trước mắt bệnh tình của người mẹ đã ổn định, hồi phục 8,9 phần.
Bác sĩ Lưu Linh, Phó Khoa Thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Nam Kinh cho biết: Theo như chia sẻ của bản thân người bệnh, bình thường người mẹ này có yêu cầu với con gái tương đối cao, đứa trẻ năm nay bắt đầu chuyển cấp, bài tập về nhà tương đối nhiều, hầu như mỗi ngày cô bé phải làm bài tập về nhà đến 10 giờ tối mới kết thúc.
Ngày người phụ nữ phát bệnh, lúc đó đã 10 rưỡi tối, bài tập của đứa trẻ không những chưa hoàn thành, mà đứa trẻ còn rất chậm chạp. Lúc này người mẹ rất tức giận, cảm xúc bị kích thích, nên bắt đầu to tiếng răn dạy đứa trẻ. Nào ngờ buổi tối hôm đó, người mẹ xuất hiện triệu chứng méo mồm, mất ngôn ngữ, tay cầm bút rất khó khăn.
Nguyên nhân khiến người mẹ bị nhồi máu não chính là vì bị đứa trẻ gây tức giận (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Lưu Linh nói: "Nhưng lúc đó, bệnh nhân không mấy quan tâm, cô ấy nghĩ rằng vì bị đứa trẻ gây tức giận, nên chỉ cần ở nhà nghỉ ngơi là có thể hồi phục, kết quả đến ngày thứ 4, tình trạng bệnh không được cải thiện, lúc này người mẹ mới đến bệnh viện để chẩn đoán, kết quả phát hiện phần não bộ có một vùng bị nhồi máu não cấp tính”.
Cảm xúc bị kích động cũng có thể dẫn đến nhồi máu não sao?
Bác sĩ Lý giải thích: “Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhồi máu não: cảm xúc bị kích thích, tinh thần căng thẳng, phẫn nộ,… dẫn đến huyết áp tăng cao và gây nhồi máu não”.
Theo điều tra về lịch sử bệnh, bác sĩ biết được rằng, bệnh nhân có tiền sử gia đình bị cao huyết áp, bình thường cảm thấy bản thân còn trẻ, nên không kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ngày 30/10 sau khi nhập viện, huyết áp của người phụ nữ đạt đến 200, và vượt quá giới hạn cho phép.
Bác sĩ Lưu Linh nói: “Cùng đứa trẻ làm bài tập về nhà là nhân tố khởi phát nhồi máu não của người phụ nữ này. Trước mắt huyết áp của người bệnh cũng đã được kiểm soát, bệnh tình cũng đã khôi phục được 8,9 phần. Tuy nhiên người bệnh sau này vẫn phải dùng thuốc trong thời gian dài”.
Bác sĩ nhắc nhở, khi học cùng con, cha mẹ cố gắng giữ bình tĩnh, kiểm soát kiểm xúc để không ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân, cũng không áp lực cho trẻ.
Bác sĩ Linh nhắc nhở: Rất nhiều cha mẹ cùng học với con quả thực nhiều khi rất ức chế, nhưng nhắc nhở các bậc cha mẹ cố gắng giữ bình tĩnh, tìm mọi cách để trấn an tinh thần tránh xảy ra những tai nạn ngoài ý muốn.
Bởi việc ngăn ngừa nhồi máu não phải bắt đầu từ khi còn trẻ, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình bị huyết áp cao và bệnh tiểu đường, cần phải chú ý đến huyết áp và tình trạng đường huyết của bản thân. Đồng thời áp lực công việc, lối sống không lành mạnh, hoặc là các dấu hiệu gây bệnh không được kiểm soát tốt, cũng rất dễ dẫn đến bị nhồi máu não.