Hơn 80 viên sỏi đã được lấy ra khỏi túi mật của nữ bệnh nhân vào ngày 12/7.
Bác sĩ Zhou Haijun tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc tại Gia Hưng (Trung Quốc) cho biết kể từ từ năm 2010 thì đây là trường hợp đầu tiên gặp bệnh nhân có nhiều sỏi đến vậy.
Hai năm trước sau khi sinh đứa con thứ 2, cô Vương bắt đầu bị đau bụng. Khi đi khám phát hiện cô bị sỏi mật nhưng tình trạng chưa quá nghiêm trọng nên bác sĩ kê đơn thuốc và yêu cầu cô chú ý trong ăn uống.
Tuy nhiên một năm gần đây, cơn đau bụng lại tái phát thường xuyên hơn khiến cô rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên cô vẫn không đi khám và kiên trì uống thuốc. Nhưng cuối cùng vì không chịu nổi được cơn đau, cơ thể bắt đầu có dấu hiệu nôn mửa, cô Vương đã được gia đình đưa tới bệnh viện.
Sau khi kiểm tra bác sĩ nhận thấy sỏi mật của cô Vương xuất hiện nhiều hơn trước. Chỉ trong vòng 1 năm, sỏi mật đã tăng lên rất nhanh. Sau đó, bác sĩ đề nghị tiến hành phẫu thuật để loại bỏ sỏi. Khi tiến hành bác sĩ cũng ngỡ ngàng khi thấy số lượng sỏi lên tới gần trăm viên.
Qua thăm hỏi bệnh nhân, bác sĩ biết cô Vương rất thích ăn trứng, mỗi buổi sáng cô đều ăn trứng ngỗng vì cho rằng chúng là thực phẩm bổ dưỡng sẽ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên bác sĩ cho rằng thói quen này của cô hoàn toàn sai lầm.
Tại sao người bị sỏi mật ăn trứng lại không tốt?
Trứng vốn có hàm lượng đạm rất cao. Sau khi ăn, lượng đạm này sẽ lưu lại khá lâu trong túi mật và kích thích chức năng co bóp của túi mật khiến bệnh nhân bị sỏi mật cảm thấy rất mệt.
Ngoài ra, nếu thức ăn có chứa hàm lượng protein cao, ruột sẽ tiết ra chất làm co bóp túi mật khiến túi mật phải làm việc quá tải, từ đó gây ra các triệu chứng như đau đớn và nôn mửa. Đôi khi, viên sỏi theo nhịp co bóp của túi mật di chuyển đến cuống túi mật, làm tắc lối thông của túi mật, gây ứ đọng dịch mật, dẫn đến những cơn đau thắt và làm viêm túi mật.
Do đó, những người bị sỏi mật sẵn như cô Vương không nên ăn trứng quá nhiều. Dù vậy cũng không cần tuyệt đối kiêng ăn trứng, nếu ăn với lượng ít, vừa phải sẽ có tác dụng tốt. Bởi trứng gà không gây đau thắt mật lại tạo ra sự kích thích cần thiết cho túi mật kịp thời bài tiết dịch mật ngăn ngừa sự ứ đọng dịch tránh thành sỏi.
Những đối tượng cần đề phòng sỏi mật
Giám đốc Tang Jun – Bệnh viện ung thư Trùng Khánh cũng cho biết sau khi phụ nữ mang thai, estrogen, progestin có sự thay đổi, ảnh hưởng đến chức năng của cholescystokinin, thúc đẩy sự hình thành sỏi mật.
Ngoài ra những người dùng thuốc tránh thai dài hạn cũng có nguy cơ sỏi mật cao gấp 2 lần hay phụ nữ điều trị bằng estrogen sau thời kỳ mãn kinh cũng làm tăng nguy bị sỏi. Người bị béo phì cũng có khả năng cao bị sỏi mật.
Sỏi mật đang có xu hướng trẻ hóa và những thói quen này là nguyên nhân:
Không ăn sáng
Không ăn sáng trong thời gian dài sẽ dễ hình thành sỏi. Bởi túi mật sẽ bài tiết dịch mật vào buổi sáng, chuẩn bị tiêu hóa thức ăn. Nếu không ăn sáng, mật sẽ không có thức ăn để tiêu hóa, dịch mật ở trong túi mật lâu, sẽ tích tụ trong túi mật và đường ruột, cholesterol từ trong mật tiết ra sẽ dễ hình thành nên sỏi mật.
Ăn sang đầy đủ sẽ thúc đẩy dòng chảy của mật, gia tăng độ nhớt của mật, giảm nguy cơ bị sỏi.
Lười vận động
Theo thời gian, lực co bóp của túi mật sẽ giảm đi. Nếu ít vận động sẽ khiến cho tình trạng này ngày càng tệ, dẫn đến ứ mật và hình thành sỏi.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra, nếu con người ít vận động, vừa không có lợi cho việc hấp thụ can-xi, khiến lượng can-xi bài tiết vào nước tiểu tăng lên, gây ra sỏi thận hoặc sỏi đường tiết niệu. Đồng thời, thành bụng trong cơ thể sẽ lỏng lẻo, gây ra sa nội tạng, chèn ép ống mật, làm cho dịch mật không bài tiết được gây ra tích tụ, từ đó hình thành nên sỏi mật.