Thức khuya là thói quen của rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Dù đã có nhiều cảnh báo về tác hại của việc thức khuya nhưng mọi người vẫn thờ ờ.
Có lẽ bất cứ ai cũng từng trải qua quãng thời gian buộc phải thức khuya bởi một dự án công việc cần gấp vào ngày hôm sau hoặc một bài tập đã đến hạn phải nộp. Tuy nhiên, điều này tốt nhất không nên diễn ra thường xuyên bởi bạn sẽ không bao giờ biết được hậu quả của việc thức khuya có thể nguy hiểm cỡ nào cho tới khi nó xảy đến với bạn.
Một người phụ nữ đến từ Samut Prakan, Thái Lan đã không thể ngủ sớm do thường xuyên phải làm đêm và khiến hệ thống miễn dịch bị mất cân bằng nghiêm trọng.
Cô gái đột nhiên bị nổi mẩn đỏ trên cơ thể không rõ lý do.
Toq Taeq Kerdmee đã chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng cô thường xuyên phải làm ca đêm và không thể kiểm soát giờ giấc đi ngủ. Có những ngày, cô sẽ về nhà rất muộn, đôi khi là 3 giờ sáng. Cô cũng thường bị mất ngủ sau khi đi làm về nên cô không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Tình trạng này diễn ra trong ba tháng cho đến khi cô bắt đầu nhận thấy những vết phát ban hình thành trên cơ thể.
“Tôi nghĩ rằng đó là vết cắn của một con bọ nào đó nhưng đến sáng, nó bắt đầu lan ra nhiều hơn. Vì vậy, tôi đã đi đến bác sĩ và họ nói với tôi rằng đó chỉ là vết cắn của bọ, sau đó kê cho tôi uống một số loại thuốc chống viêm và cho tôi về nhà”, Toq Taeq Kerdmee chia sẻ.
Tuy nhiên, phát ban của Kerdmee trở nên tồi tệ hơn khi cô đến bữa tiệc sinh nhật của một người bạn vào buổi tối và ăn một ít hải sản. Khi về nhà, trên người cô đầy những vết phồng rộp đỏ khiến cô khó ngủ. Vào buổi sáng, các mụn nước vẫn còn và cô bắt đầu bị sốt. Vì vậy, Kerdmee đã đi đến một bác sĩ khác và được chẩn đoán bị dị ứng với chất làm mềm vải trên quần áo.
Sau khi đi khám 3 nơi, cô đều được chẩn đoán bị dị ứng và kê thuốc nhưng tình trạng mẩn đỏ và sốt không thuyên giảm.
Sau đó, bác sĩ đã hẹn cô đến gặp một bác sĩ da liễu khác, nhưng trước khi đến ngày hẹn, cô lại bắt đầu bị sốt và mụn nước lại xuất hiện trên tay và chân. Tuy nhiên, vị bác sĩ da liễu này cũng nói rằng cô bị dị ứng và tiêm thuốc để giảm viêm. Kerdmee được trở về nhà nghỉ ngơi và nghĩ sẽ hồi phục sau trận phát ban khủng khiếp nhưng những gì xảy ra vào ban đêm thực sự khiến cô ám ảnh.
“Tôi không thể mặc quần áo để ngủ. Cơ thể tôi cảm thấy như đang bốc cháy và giống như có một triệu con kiến đang cắn vào cơ thể tôi,” cô gái trẻ nói.
Gia đình mau chóng đưa Kerdmee đến bệnh viện khi cô bắt đầu sốt và lần này nhiệt độ là 40,2 độ. May mắn thay, cơ thể cô vẫn có thể đáp ứng với điều trị. Máu của cô đã được khử trùng và Kerdmee được đưa vào phòng cách ly. Cơn sốt của cô cũng sớm biến mất, những mảng đỏ bắt đầu mờ dần trên da.
Cuối cùng, bác sĩ kết luận cô bị suy giảm miễn dịch do thiếu ngủ suốt 3 tháng.
Các bác sĩ nói với Kerdmee rằng hệ thống miễn dịch của cô đã bị ảnh hưởng do thiếu ngủ trầm trọng. Theo Mayo Clinic, hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng các protein gọi là cytokine trong khi ngủ, một chất giúp thúc đẩy giấc ngủ. Thiếu ngủ có thể làm giảm việc sản xuất các cytokine bảo vệ này. Ngoài ra, các kháng thể và tế bào chống nhiễm trùng cũng bị suy yếu khi bạn không ngủ đủ giấc.
Cuối bài đăng của mình, Kerdmee đã nhắc nhở cư dân mạng, đừng quá mải việc kiếm tiền mà bỏ qua sức khỏe và đừng lơ là bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào từ cơ thể bạn. Nếu bạn có dấu hiệu bất thường, bạn phải nhanh chóng tìm kiếm điều trị y tế. Trì hoãn điều trị y tế sẽ khiến nó trở nên nghiêm trọng hơn.
Những tác hại của việc thiếu ngủ
- Thiếu ngủ liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn, đáng chú ý nhất là ung thư đại tràng và ung thư vú.
- Thiếu ngủ khiến bạn khó kiểm soát ham muốn, có khả năng dẫn đến những hành vi không lành mạnh và tăng cân.
- Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường type 2.
- Những người bị thiếu ngủ phản ứng chậm với mọi thứ xung quanh.
- Thiếu ngủ làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
- Người thiếu ngủ dễ bị trầm cảm.
- Thiếu ngủ làm vết thương trên da khó lành và da cũng dễ lão hóa hơn.