Người phụ nữ phải vào viện tâm thần vì cố làm vợ đảm, đám cưới em chồng cũng lo tới sụt 5kg

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 01/05/2024 09:00 AM (GMT+7)

Ngoài công việc cơ quan, chị Nguyệt Ánh lúc nào cũng tất bật việc gia đình. Thế nhưng, tự bản thân chị lại luôn cho rằng như vậy là chưa tròn bổn phận, sợ chồng không hài lòng.

Nhập viện tâm thần vì lo không làm hài lòng người khác

Chị Nguyệt Ánh (42 tuổi) đang là một nhân viên văn phòng, chồng chị là giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội. Hàng ngày, ngoài công việc ở cơ quan, chị Ánh luôn chăm lo cho cuộc sống gia đình đến nơi, đến chốn. Chính vì thế, chị được những người xung quanh đánh giá là “người phụ nữ của gia đình”.

Dù vậy, bản thân chị Ánh lại luôn cảm thấy mình kém cỏi, luôn sợ chồng chê trách, dù anh chưa bao giờ chê bai, cáu gắt với vợ.

Chị chia sẻ rằng, có nhiều hôm gia đình bên nội hay bên ngoại ra Hà Nội chơi, chị lo đến mất ăn, mất ngủ vì không biết phải tiếp đãi ra sao để vừa lòng mọi người. Đặc biệt, điều chị lo lắng nhất là khiến người chồng đầy “quyền lực” của gia đình không vừa lòng.

Vợ sợ không làm hài lòng chồng trong những công việc gia đình. Ảnh minh họa.

Vợ sợ không làm hài lòng chồng trong những công việc gia đình. Ảnh minh họa. 

Gần đây nhất, chỉ vì lo việc tổ chức đám cưới cho em trai của chồng, chị Ánh đã mất ngủ nhiều ngày. “Mặc dù kinh tế chồng lo hết, nhưng gia đình lại phải tổ chức ở nhiều nơi vì thế tôi lo lắng mình không thể làm tròn vai, sợ bị chồng chê trách”, chị Ánh tâm sự.

Về điều này, chồng chị Ánh cho biết, đây là công việc chung của gia đình, nhưng vợ anh quá cầu toàn, luôn sợ mọi người đánh giá là dâu trưởng không lo được chu đáo.

Sau khi công việc xong xuôi, chị Ánh sụt 5kg, người mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ kéo dài. Thấy sức khỏe của vợ đi xuống, chị Ánh được chồng đưa đi khám nhiều nơi nhưng không ra bệnh. Cuối cùng, chị được các bác sĩ tư vấn đi khám chuyên khoa tâm thần và nhận chẩn đoán bị rối loạn tâm lý, lo âu.

Nhiều người bị rối loạn tâm thần nhưng không hề hay biết

TS. BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho biết, những trường hợp như của bệnh nhân trên không hề hiếm gặp và có xu hướng gia tăng do áp lực cuộc sống và gia đình. Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân là do họ phải trải qua quá nhiều áp lực, đảm nhiệm nhiều trọng trách, từ việc nhà, việc cơ quan tới các mối quan hệ công việc, giao tiếp ngoài xã hội. Điều này khiến họ thường xuyên có cảm giác căng thẳng, lo âu, lúc nào cũng nghĩ làm sao cho tốt mọi việc. Những căng thẳng này lâu ngày sẽ tạo thành áp lực lớn, đè nén tâm trí người phụ nữ, khiến họ dần bị rối loạn tâm lý lúc nào không hay.

Có một điểm chung ở các bệnh nhân, là khi có các triệu chứng bệnh tâm thần, lại nhầm lẫn với các bệnh khác. Họ thường đi khám nhiều nơi, không phát hiện ra bệnh. Đến khi tìm đến khám chuyên khoa tâm thần thì bệnh đã ở tình trạng nặng”, bác sĩ Thu chia sẻ. 

Bác sĩ Thu cho biết, nhiều người bị rối loạn tâm lý nhưng nhầm lẫn sang bệnh khác, không đi khám tâm thần sớm.

Bác sĩ Thu cho biết, nhiều người bị rối loạn tâm lý nhưng nhầm lẫn sang bệnh khác, không đi khám tâm thần sớm. 

Thực tế, ngoài ca bệnh trên, bác sĩ Thu đã từng gặp nhiều bệnh nhân trước đó đi khám nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Khi khám tâm thần, bác sĩ kiểm tra tiểu sử thì mới biết do họ căng thẳng tột độ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tâm lý nên lúc nào cũng cảm thấy sợ hãi, ngại tiếp xúc người khác.

Theo bác sĩ Thu, tâm lý của hầu hết phụ nữ là chịu đựng và hi sinh, nên nhiều người không nói ra. Ví dụ như trường hợp trên, vì lo lắng không làm hài lòng chồng và mọi người, nên ảnh hưởng đến tư tưởng và tâm lý. Khi những lo lắng ấy tích tụ từ ngày này sang tháng khác nó sẽ gây rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm… và điểm đến cuối cùng chính là viện tâm thần.

Với những trường hợp bị rối loạn tâm lý lâu năm, việc điều trị không hề đơn giản. Có người phải điều trị từ 2 - 3 tháng, nhưng cũng có người phải kéo dài cả năm, thậm chí suốt cuộc đời phải uống thuốc tùy vào tình trạng của từng người. “Đối với những bệnh nhân thường xuyên chịu ảnh hưởng tâm lý, lâu ngày bệnh sẽ nặng, rất khó khăn để trở lại cuộc sống thường ngày”, bác sĩ Thu cho hay.

Để tránh phòng tránh, bác sĩ Thu cho rằng, tốt nhất người phụ nữ nên tự trang bị kiến thức cho mình sao cho có thể tận hưởng cuộc sống một cách tốt đẹp, thích nghi tốt với những áp lực không đáng có và sẵn sàng đối phó với khó khăn có thể xảy ra.

Những lúc căng thẳng, mệt mỏi, chị em nên dành thời gian cho mình bằng việc nghỉ ngơi, thư giãn hay đi du lịch. Nếu tình trạng căng thẳng, stress vẫn tiếp tục diễn ra, thì cần đến gặp và nghe tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt”, bác sĩ Thu khuyên.

Chỉ ai thiếu ý chí mới mắc bệnh tâm thần? Bài trắc nghiệm tiết lộ bạn là ai khi nhắc tới sức khỏe tinh thần
Liên quan tới sức khỏe tâm lý, hiện còn nhiều thái độ tiêu cực và hiểu lầm khiến không ít người lơ là hoặc đối mặt với sự kỳ thị, không dám tìm sự hỗ...

Mental Health

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe tâm thần