Lấy chồng từ năm 19 tuổi, hiện có 3 con đều đã trưởng thành nhưng chị Luyến luôn ghen tuông và nghĩ chồng ngoại tình với người yêu cũ.
Lúc nào cũng theo dõi vì luôn nghĩ chồng ngoại tình
BSCK II Vương Đình Thủy - Phòng Rối loạn loạn thần và Y học tự sát (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân rối loạn hoang tưởng. Đặc biệt, nhiều trường hợp khi mắc bệnh nhưng không hề thừa nhận, thậm chí còn chống đối khi người thân đưa đi khám, khiến bệnh tình càng nặng.
Bác sĩ Thủy chia sẻ về bệnh nhân Nguyễn Thị Luyến (48 tuổi, ở Hà Nội), bị rối loạn hoang tưởng dai dẳng khi liên tục ghen tuông, cho rằng chồng đi ngoại tình. Điều này làm không khí gia đình luôn nặng nề, thậm chí là mâu thuẫn kéo dài.
Rối loạn hoang tưởng nếu không được phát hiện và điều trị sớm dễ khiến gia đình đổ vỡ. Ảnh minh họa.
Theo chia sẻ, chị Luyến kết hôn từ năm 19 tuổi, từng học trường sân khấu điện ảnh và hiện có 3 người con. Các con của chị đều đã đi làm. Hai năm trở lại đây, chị Luyến có biểu hiện dễ nóng nảy, hay cáu giận với các con và chồng. Chị cho rằng, chồng đi ngoại tình nên thường xuyên theo dõi, kiểm tra tin nhắn. Dù đã được chồng giải thích nhưng chị Luyến không tin và cho rằng linh cảm của mình là đúng.
“Vợ tôi liên tục nghi ngờ và đổ lỗi cho tôi ngoại tình với người yêu cũ, cũng là mối tình đầu tiên của tôi (vợ là người yêu thứ 2), mặc dù tôi không có bất kể liên hệ gì. Hay khi thấy tôi nhắn tin công việc với kế toán công ty, vợ lại nghi ngoại tình với kế toán. Mỗi khi tôi ra ngoài, đi công việc là vợ bắt phải gọi trực tiếp, chụp ảnh để kiểm tra”, chồng bệnh nhân chia sẻ.
Sự việc được đẩy lên cao trào, khi cách đây hơn 2 tháng, chị Luyến phát hiện một bức ảnh chồng chụp không rõ ràng nên đã nổi máu ghen tuông, cáu gắt, chửi bới tất cả các thành viên trong gia đình. Bản thân chị cũng ngày càng hay mất ngủ, mệt mỏi, nhiều lúc cảm thấy buồn chán về mối quan hệ với chồng. Tuy vậy, chị vẫn quản lý việc bán hàng và kinh doanh tốt.
Với những dấu hiệu bất thường trên, chị Luyến được gia đình đưa đi khám và được chẩn đoán bị rối loạn giấc ngủ, cho uống thuốc nhưng không đỡ. Do các triệu chứng ngày càng tăng nặng, bệnh nhân được đưa đến khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Vương Đình Thủy cho biết, sau 28 ngày điều trị bệnh nhân hiện đã ổn định hơn, nhưng vẫn cần theo dõi. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Thủy cho biết, khi tiếp xúc bệnh nhân tỉnh, nhưng vẫn còn hoang tưởng ghen tuông khi liên tục cho rằng chồng ngoại tình và có hành vi không ổn định. Khai thác sâu thông tin về tiền sử gia đình thì được biết, trong họ nhà bệnh nhân có 4 người bị loạn thần. Từ các thông tin được cung cấp và trực tiếp thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán chị Luyến bị rối loạn hoang tưởng dai dẳng và phải nhập viện điều trị.
“Sau 28 ngày điều trị bằng thuốc chống loạn thần, cùng với các liệu pháp tâm lý cá nhân, gia đình, hiện bệnh nhân đã giảm hoang tưởng, cảm xúc hành vi phù hợp hơn, ăn ngủ tốt”, bác sĩ Thủy thông tin.
Căn bệnh không có biện pháp dự phòng
Ths.BS Nguyễn Thị Hoa - Phòng Rối loạn loạn thần và Y học tự sát cho biết, rối loạn hoang tưởng dai dẳng là một rối loạn tâm thần hiếm gặp chiếm khoảng 0,05 - 0,1% dân số. Người mắc rối loạn này thường thường ở độ tuổi từ 18 đến 80 tuổi và tùy loại hoang tưởng sẽ có tỉ lệ nam hoặc nữ mắc khác nhau. Ví dụ như hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại thường phổ biến ở nam giới nhiều hơn. Còn với nữ giới thì hay gặp hoang tưởng được yêu hoặc hoang tưởng tự cao nhiều hơn.
“Những người hay bị stress, căng thẳng mạn tính, sang chấn thời thơ ấu, lòng tự trọng thấp, sử dụng chất gây nghiện, sống độc thân hoặc góa bụa… nguy cơ bị hoang tưởng dai dẳng sẽ cao hơn so với những người khác”, bác sĩ Hoa cho hay.
Theo bác sĩ Hoa, người bị rối loạn hoang tưởng nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến đời sống, thậm chí là hạnh phúc gia đình. Ảnh: Lê Phương.
Theo bác sĩ Hoa, những người bị rối loạn hoang tưởng thường có các dấu hiệu sau:
- Cảm thấy bị lợi dụng;
- Bận tâm đến sự trung thành hoặc đáng tin cậy của bạn bè;
- Gán ý nghĩa mang tính chất đe dọa với các sự kiện đời thường;
- Sẵn sàng phản ứng với những điều nhỏ nhặt được nhận thấy.
Ngoài ra, bác sĩ Hoa cho biết, những người mắc chứng rối loạn hoang tưởng có xu hướng hoạt động tương đối tốt, ngoại trừ khi bị hoang tưởng. Ví dụ như trường hợp nữ bệnh nhân trên, ngoài vấn đề ghen tuông, hoang tưởng chồng ngoại tình thì vẫn điều hành công việc kinh doanh rất tốt.
Để chuẩn đoán một người bị rối loạn hoang tưởng, ngoài có một hoặc nhiều các yếu tố trên, thì yếu tố thời gian cũng rất quan trọng. Theo đó, thời gian xuất hiện các triệu chứng phải kéo dài từ 1 tháng trở lên, khi đó mới được chẩn đoán là rối loạn hoang tưởng.
“Rối loạn hoang tưởng nếu không được điều trị có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm. Đặc biệt, hoang tưởng có thể dẫn đến bạo lực hoặc các vấn đề liên quan đến pháp lý. Ví dụ như theo dõi hoặc quấy rối người khác có thể dẫn đến bị bắt giữ do vi phạm pháp luật”, bác sĩ Hoa cảnh báo.
Đáng lưu ý, hiện nay không có biện pháp dự phòng hoang tưởng, do vậy việc chuẩn đoán và điều trị sớm giúp làm giảm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, gia đình và các mối quan hệ bạn bè, cũng như công việc. Vì thế, khi thấy người thân có những dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ cần đưa đi khám càng sớm, càng tốt.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi