Có quan hệ ngoài luồng khi vợ mang bầu, người chồng sau đó ngoài mắc bệnh lây qua đường tình dục, còn bị ám ảnh phải điều trị tâm thần.
Anh Trần Văn Thành (36 tuổi, ở Hà Nam) đã có vợ và một con. Một năm trước vợ anh Thành mang bầu đứa con thứ hai. Giai đoạn đầu vợ bầu bí, anh cảm thấy bí bách vì phải hạn chế “yêu” để đảm bảo an toàn cho đứa con trong bụng.
Để giải quyết nhu cầu, anh Thành đã làm quen với một nữ sinh viên qua ứng dụng trên mạng rồi hẹn gặp mặt tại khách sạn. Kể từ đó, mỗi khi có nhu cầu, anh Thành lại hẹn hò qua đêm cùng “em gái mưa”.
Vài ngày sau một lần gặp gỡ vào tháng 6 năm ngoái, anh Thành thấy ngứa rát trong ống tiểu, mỗi lần đi tiểu lại đau buốt khó chịu, kèm theo xuất hiện chảy mủ vàng. Thấy vậy, người đàn ông này đã đến BV Đại học Y Hà Nội thăm khám và được chẩn đoán mắc bệnh lậu.
Người chồng ân hận, tự dằn vặt và ám ảnh bị bệnh đeo bám đến mức mắc bệnh tâm thần. Ảnh minh họa.
Đau đớn hơn, vợ anh khi đó đang mang thai, đi khám cũng phát hiện mắc căn bệnh này và phải điều trị đặc biệt để tránh nguy cơ nhiễm trùng thai nghén. Bản thân mắc bệnh, lại lây sang cho vợ khiến anh Thành ân hận. Thậm chí, khi điều trị khỏi bệnh lậu rồi anh vẫn bị ám ảnh, có cảm giác vi khuẩn vẫn đang cào cấu trong niệu đạo, ngứa ngáy vô cùng.
Không chỉ vậy, khi thấy dương vật xuất hiện các nốt sùi, anh Thành quay lại bệnh viện kiểm tra thì bất ngờ phát hiện bị sùi mào gà. Kể từ đó, nam bệnh nhân càng lo lắng hơn. Anh bị ám ảnh và luôn nghĩ mình bị mọc những nốt sùi ở miệng, lưỡi và cổ họng nên đi khám nhiều nơi. Kết quả nội soi không phát hiện bất thường gì nhưng bản thân anh Thành vẫn luôn nghĩ bệnh đang đeo bám mình.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Bắc - Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính (BV Đại học Y Hà Nội) cho biết, sau khi khám và được các điều trị đúng phác đồ, xét nghiệm đã không còn vi khuẩn, virus gây bệnh, nhưng bệnh nhân vẫn không tin. Do ám ảnh, lo lắng bị bệnh tật đeo bám khiến cho bệnh nhân mất ngủ, ăn không ngon miệng, vì thế đã được các bác sĩ chuyển sang khám sức khỏe tâm thần. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn lo âu.
Các chuyên gia khuyến cáo, hãy chung thủy với bạn tình và thực hành tình dục an toàn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ảnh minh họa.
“Qua trường hợp trên có thể thấy, việc quan hệ tình dục không an toàn là vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ gây mắc bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây tác động đến sức khỏe tâm thần”, bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc cảnh báo.
TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng đơn nguyên các rối loạn liên quan đến stress và rối loạn tình dục, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những người có rối loạn hay mắc bệnh tình dục rồi bị stress, rối loạn lo âu không hề hiếm gặp. Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là đa số mọi người đều phát hiện và đi khám muộn, vì thế việc điều trị phải kéo dài và gặp nhiều khó khăn.
“Tâm lý chung khi mắc bệnh tình dục là người bệnh rất lo lắng, sợ người khác phát hiện, nhất là vợ hoặc chồng mình. Vì thế, họ sẽ âm thầm đi khám, dù đã được chữa khỏi nhưng vẫn lo không biết còn mầm bệnh không, từ đó không dám quan hệ lại, rồi dẫn tới mất ngủ, stress. Tuy nhiên, người bệnh lại không nghĩ đó là vấn đề của sức khỏe tâm thần, mà cho rằng là do bệnh tình dục nên càng lo lắng, khiến tình trạng bệnh càng nặng”, bác sĩ Tâm phân tích.
Theo bác sĩ Tâm, để phòng bệnh thì trước hết cần thực hành tình dục an toàn, chung thủy với bạn đời/bạn tình. Trường hợp đã mắc bệnh, được điều trị nhưng vẫn còn lo lắng, ám ảnh, lo âu thì nghĩ ngay đến vấn đề sức khỏe tâm thần để đi khám sớm, điều trị kịp thời.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi