Nha đam có tác dụng gì? Một số tác hại khó lường khi dùng nha đam không đúng

Khánh Hằng - Ngày 25/11/2021 19:45 PM (GMT+7)

Nha đam có rất nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe và cả sắc đẹp.

Nha đam hay còn gọi là lô hội là một loại cây thuốc phổ biến được con người sử dụng từ hàng nghìn năm nay. Nha đam là một loại cây thân dày, ngắn, có chức năng trữ nước trong lá. Nó được biết đến nhiều nhất để điều trị vết thương ngoài da, ngoài ra còn đem đến rất nhiều công dụng khác cho sức khỏe và sắc đẹp.

Thành phần dinh dưỡng của nha đam vô cùng đa dạng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi. Nha đam có chứa vitamin C, vitamin E và vitamin A, đóng vai trò như chất chống oxy hóa, giúp cơ thể chống lại các gốc tự do (gốc tự do là nguyên nhân gây ra tình trạng lão hóa và bệnh ung thư).

Bên cạnh đó, nha đam còn chứa vitamin B12, axit folic cùng các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như canxi, kali, crom, đồng, kẽm và selen. Chính những chất này có tác dụng giúp cho các tế bào trong cơ thể luôn khỏe mạnh và giúp hoạt động chuyển hóa diễn ra tốt hơn. Hơn thế nữa, trong gel nha đam còn chứa tới 20 loại amino axit, trong đó có tới 7 - 8 loại rất cần thiết cho cơ thể con người.

Nha đam được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Loại cây này có giá trị thị trường hàng năm ước tính vào khoảng 13 tỷ USD.

Nha đam có tác dụng gì? Một số tác hại khó lường khi dùng nha đam không đúng - 1

Nha đam có tác dụng gì?

1. Đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn

Chất chống oxy hóa rất quan trọng với sức khỏe con người. Trong khi đó, nha đam lại chứa rất nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ, thuộc một nhóm lớn các chất được gọi là polyphenol. Các polyphenol này cùng với một số hợp chất khác trong lô hội giúp ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng cho con người.

Nha đam được biết đến với đặc tính kháng khuẩn, kháng virus và khử trùng. Đây là một phần lý do tại sao nó có thể giúp chữa lành vết thương và điều trị các vấn đề về da.

2. Tăng tốc độ chữa lành vết thương, cháy nắng

Nhiều người thường sử dụng nha đam như một loại thuốc bôi, thoa lên da. Từ hàng trăm năm trước, nha đam đã được sử dụng trong việc điều trị vết loét, đặc biệt là vết bỏng, bao gồm cả cháy nắng. Dược điển Hoa Kỳ mô tả các chế phẩm nha đam như một chất bảo vệ da ngay từ những năm 1810-1820. Các nghiên cứu cho thấy nha đam có tác dụng điều trị hiệu quả vết bỏng độ một và độ 2.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy nha đam có thể làm giảm thời gian chữa lành vết bỏng khoảng 9 ngày so với thuốc thông thường. Nó cũng giúp ngăn ngừa mẩn đỏ, ngứa và nhiễm trùng.

3. Giảm mảng bám răng, chống sâu răng

Sâu răng và các bệnh về nướu là những vấn đề sức khỏe rất phổ biến. Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa những tình trạng này là giảm sự tích tụ của mảng bám, hoặc màng sinh học vi khuẩn trên răng.

Trong một nghiên cứu về nước súc miệng trên 300 người khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu đã so sánh nước ép nha đam nguyên chất 100% với thành phần nước súc miệng tiêu chuẩn là chlorhexidine. Sau 4 ngày, nước ép nha đam nguyên chất cho thấy hiệu quả giảm mảng bám răng tốt hơn so với nước súc miệng chlorhexidine.

Trong một nghiên cứu khác, nha đam cho thấy có hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn tạo mảng bám Streptococcus mutans trong miệng, cũng như nấm men Candida albicans.

4. Giúp điều trị vết loét, lở miệng

Nha đam có tác dụng gì? Một số tác hại khó lường khi dùng nha đam không đúng - 2

Hầu như ai cũng từng bị các vết loét hoặc lở miệng ít nhất một lần trong đời. Chúng thường hình thành bên dưới môi, bên trong miệng và tồn tại trong khoảng một tuần. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều trị bằng nha đam có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành vết loét miệng.

Trong một nghiên cứu kéo dài 7 ngày trên 180 người bị loét miệng tái phát, việc đắp miếng dán nha đam lên vùng đó có hiệu quả trong việc giảm kích thước của vết loét. Trong một nghiên cứu khác, gel nha đam không những đẩy nhanh quá trình chữa loét miệng mà còn giúp giảm cơn đau gây ra bởi lở loét miệng.

5. Giảm táo bón

Nha đam có khả năng điều trị táo bón rất hiệu quả. Lợi ích này không đến từ gel nha đam mà đến từ phần mủ là chất cặn màu vàng dính ngay bên dưới vỏ lá nha đam.

Hợp chất quan trọng gây ra hiệu ứng này được gọi là aloin, hoặc barbaloin, có tác dụng nhuận tràng, từ đó giảm táo bón. Tuy nhiên, ngoài công dụng này ra, nha đam không có hiệu quả với các tình trạng tiêu hóa khác, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh viêm ruột.

6. Cải thiện làn da, ngăn ngừa nếp nhăn

Đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng gel nha đam bôi ngoài da có thể làm chậm quá trình lão hóa da. Trong một nghiên cứu năm 2009 trên 30 phụ nữ từ 45 tuổi trở lên, việc uống gel nha đam giúp tăng sản xuất collagen và cải thiện độ đàn hồi của da trong khoảng 90 ngày.

Nha đam còn giúp giữ ẩm da, cải thiện tính toàn vẹn của da, có thể có lợi cho tình trạng da khô.

Ngoài ra, nha đam còn có một số công dụng tuyệt vời khác cho da như trị mụn, giảm thâm mụn, trị bệnh vảy nến, trị bệnh chàm...

7. Làm giảm lượng đường trong máu

Nha đam có tác dụng gì? Một số tác hại khó lường khi dùng nha đam không đúng - 3

Nha đam còn có thể sử dụng như một phương thuốc để điều trị bệnh tiểu đường. Điều này có được là do nha đam có tác dụng tăng cường độ nhạy insulin và giúp cải thiện việc quản lý lượng đường trong máu.

Một đánh giá dựa trên 8 nghiên cứu cho thấy lô hội có thể mang lại lợi ích cho những người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2 do tác dụng của nó đối với việc kiểm soát đường huyết.

Tác hại của nha đam

Nha đam là một phương thuốc an toàn và có rất ít tác dụng phụ, tuy nhiên vẫn có một số rủi ro khi sử dụng.

- Mủ nha đam có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau dạ dày và chuột rút. Sử dụng lâu dài một lượng lớn mủ nha đam có thể gây tiêu chảy, các vấn đề về thận, máu trong nước tiểu, kali thấp, yếu cơ, giảm cân và rối loạn tim.

- Sử dụng gel nha đam trong thời gian dài có thể gây dị ứng da như viêm, mày đay và đỏ mi mắt. Các tác dụng phụ khác trên da bao gồm khô, cứng, phát triển các nốt tím và nứt nẻ. Hơn nữa, bôi gel và ra nắng có thể gây phát ban và kích ứng hoặc đỏ và bỏng da.

- Việc ăn hoặc uống quá nhiều nha đam có thể gây co thắt dạ dày hoặc tiêu chảy.

- Nha đam có thể tương tác với một số loại thuốc (Digoxin, thuốc trị đái tháo đường, Sevoflurane, thuốc lợi tiểu) và có thể dẫn đến bệnh thận nếu dùng trong thời gian dài. Nhựa nha đam cũng có liên quan đến suy thận. Vì vậy, người có vấn đề về thận nên tránh uống nha đam.

- Cả gel hoặc nhựa nha đam đều có thể không an toàn với bà mẹ mang thai và cho con bú khi ăn phải. Lý do là nha đam có thể kích thích các cơn co thắt tử cung và gây ra các biến chứng như sẩy thai và làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Trong trường hợp đang cho con bú, việc uống nước ép nha đam có thể ảnh hưởng đến em bé.

Nguồn tham khảo:

What are the benefits of aloe vera? - Đăng tải trên trang tin y tế Medical News Today - Xuất bản ngày 14/5/2020.

Những thực phẩm giàu vitamin C nhất nên ăn mỗi ngày, có loại nhiều vitamin C gấp 3-4 lần cam
Vitamin C rất quan trọng đối với sức khỏe và bạn hoàn toàn có thể nhận được vitamin C từ những thực phẩm ăn hàng ngày.

Vitamin C

Khánh Hằng (Dịch từ Medical News Today)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh