Rau cần tây chữa bệnh gì? Một số tác hại của rau cần tây ít người biết

Khánh Hằng - Ngày 16/09/2021 16:08 PM (GMT+7)

Nhiều người thường sử dụng rau cần tây để giảm cân nhưng chưa chắc đã biết hết những tác dụng và tác hại của loại rau này.

Rau cần tây thuộc họ Hoa tán, có tên khoa học là Apium graveolens, cây cao, có tuổi thọ gần 2 năm, thân mọc thẳng đứng, cao tới 1,5 m, thân cây có nhiều rãnh dọc, chia nhiều cành mọc đứng. Lá ở gốc có cuống, hình thuôn hay 3 cạnh, dạng mắt chim. Lá giữa và lá ngọn không có cuống, chia 3 hoặc xẻ 3 hoặc không chia thùy. Hoa gồm nhiều tán, các tán ở đầu cành có cuống dài hơn các tán bên. Hoa nhỏ màu trắng nhạt, quả dạng trứng, hình cầu có vạch lồi chạy dọc.

Rau cần tây được sử dụng trong nhiều món ăn hàng ngày hoặc ép nước uống.

Rau cần tây có 90,5% nước, 1,95% hợp chất nitơ, 0,07% chất béo, 1,15% xenluloza và 1,13% tro, vitamin A, B, C, các chất khoáng như Mg, Mn, Fe, I, Cu, K, Ca và vitamin P, cholin, tyrosin, axít glutamic và khi chưng cất cho từ 2-3% tinh dầu không màu rất lỏng, mùi thơm đặc trưng. 

Rau cần tây chữa bệnh gì? Một số tác hại của rau cần tây ít người biết - 1

Rau cần tây cũng chứa nhiều hợp chất thực vật có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, bao gồm: selinene, limonene, kaempferol, axit p-coumaric... Những chất chống oxy hóa này giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào gây ra bởi các phân tử không ổn định được gọi là gốc tự do. Chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do, ngăn chặn chúng gây ra các bệnh nguy hiểm tới sức khỏe.

Tác dụng của rau cần tây

1. Ngăn ngừa viêm nhiễm và ung thư

Rau cần tây có chứa một hợp chất thực vật được gọi là apigenin, có vai trò trong y học cổ truyền Trung Quốc như một chất chống viêm, kháng khuẩn, kháng virus và chất chống oxy hóa. Nó cũng có đặc tính chống lại bệnh ung thư. Nghiên cứu khoa học chỉ ra một chế độ ăn giàu apigenin giúp làm giảm viêm và khôi phục sự cân bằng của hệ thống miễn dịch.

Rau tây có chứa một flavonoid gọi là luteolin. Hợp chất này có đặc tính chống ung thư, có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư và gây chết tế bào. Luteolin có thể làm cho các tế bào ung thư dễ bị tấn công bởi hóa chất hơn trong các phương pháp điều trị.

Rau cần tây chứa nhiều vitamin C, beta carotene và flavonoid, cộng với ít nhất 12 chất chống oxy hóa khác đã được chứng minh là làm giảm các trường hợp viêm nhiễm ở đường tiêu hóa, tế bào, mạch máu và các cơ quan. Những chất chống oxy hóa này cũng góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi bệnh ung thư và các bệnh mãn tính khác.

2. Giảm huyết áp

Một nghiên cứu đã xem xét tác động của chiết xuất hạt cần tây đối với huyết áp ở những con chuột thí nghiệm. Kết quả cho thấy chiết xuất hạt cần tây giúp làm giảm huyết áp và tăng nhịp tim ở những con chuột bị huyết áp cao.

Có nhiều bằng chứng cho thấy cần tây giúp giảm huyết áp ở người. Rau cần tây cũng là một nguồn chất xơ tốt. Nghiên cứu chỉ ra những người ăn nhiều chất xơ có huyết áp thấp hơn so với những người ăn ít chất xơ.

Rau cần tây chữa bệnh gì? Một số tác hại của rau cần tây ít người biết - 2

3. Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Những chất chống oxy hóa và chống viêm có trong rau cần tây đều giúp bảo vệ đường tiêu hóa theo nhiều cách khác nhau.

Trong rau cần tây có một hợp chất được gọi là apiuman, đã được chứng minh là làm giảm các trường hợp loét dạ dày, cải thiện niêm mạc dạ dày và điều chỉnh tiết dịch dạ dày.

Hàm lượng nước cao có trong rau cần tây, cộng với một lượng lớn chất xơ hòa tan và không hòa tan đều giúp hỗ trợ đường tiêu hóa khỏe mạnh, hoạt động hiệu quả, ngăn chặn các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

4. Cải thiện tình trạng tăng lipid máu

Tăng lipid máu đề cập đến sự gia tăng các phân tử chất béo trong máu. Tình trạng tăng lipid máu thường không có biểu hiện rõ ràng nhưng nó làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.

Một nghiên cứu trên loài gặm nhấm cho thấy, chiết xuất cần tây làm giảm mức độ lipoprotein mật độ thấp (LDL), hoặc cholesterol ở những con chuột ăn chế độ ăn nhiều chất béo. Nghiên cứu khác cho thấy những người theo chế độ ăn nhiều chất xơ dường như có mức cholesterol toàn phần và LDL thấp hơn so với những người tiêu thụ thực phẩm ít chất xơ hơn.

5. Tốt cho thần kinh

Hợp chất thực vật apigenin có trong rau cần tây giúp kích thích sự hình thành thần kinh, sự tăng trưởng và phát triển của các tế bào thần kinh. Trong một nghiên cứu cho chuột uống apigenin đã phát hiện ra rằng, nó kích thích quá trình tạo tế bào thần kinh và cải thiện khả năng ghi nhớ, học tập, làm việc.

6. Hỗ trợ giảm cân

Rau cần tây chứa nhiều nước, nhiều chất xơ, nhiều vitamin và khoáng chất nhưng lại có hàm lượng calo thấp, chỉ số đường huyết thấp. Do đó, đây là loại thực phẩm giúp hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Từ rất lâu, nước ép cần tây đã được nhiều người sử dụng trong quá trình ăn kiêng, kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để giảm cân hiệu quả và lành mạnh.

Rau cần tây chữa bệnh gì? Một số tác hại của rau cần tây ít người biết - 3

7. Một số lợi ích khác của rau cần tây

Rau cần tây có khả năng ngăn ngừa một số bệnh sau:

- Bệnh vàng da

- Tắc nghẽn đường tiết niệu

- Bệnh gout

- Rối loạn thấp khớp.

Ngoài ra, hạt cần tây cũng có một số tác dụng chữa bệnh:

- Viêm phế quản

- Hen suyễn

- Bệnh vảy nến và các rối loạn về da khác

- Nôn mửa

- Sốt.

Tác hại của rau cần tây

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng rau cần tây có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng ở một số người. Các triệu chứng dị ứng có thể bao gồm: nổi mề đay, sưng tấy, khó thở. Một số người còn có thể bị sốc phản vệ, vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong. Do đó, nếu gặp các triệu chứng khi ăn rau cần tây, cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám, chữa trị.

Phụ nữ mang thai nên tránh bổ sung hạt cần tây, vì chúng có thể gây kích thích tử cung, có thể gây ra nguy cơ sinh non.

Một rủi ro khác liên quan đến thuốc trừ sâu. Cần tây đứng ở vị trí thứ 11 trong danh sách về 15 loại nông sản có nhiều khả năng chứa thuốc trừ sâu nhất. Do đó, bạn nên lựa chọn cần tây có nguồn gốc rõ ràng và rửa sạch trước khi chế biến.

Nguồn tham khảo:

Health benefits and risks of celer - Đăng tải trên trang tin y tế Medical News Today - Xuất bản ngày 4/12/2019.

5 Healthy Benefits of Adding Celery to Your Diet - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 10/6/2019.

Tác dụng của nhảy dây là gì? Cách nhảy dây đạt hiệu quả tốt nhất
Chỉ với một bài tập nhảy dây đơn giản, bạn có thể nhận về rất nhiều lợi ích không ngờ đến.

Sống khỏe

Khánh Hằng (Dịch từ Healthline, Medical News Today)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh