Phát hiện con gái mới lớn sơn móng tay, bố đè ra cắt cụt từng chiếc một vì lý do không thể ngờ

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 15/09/2023 14:18 PM (GMT+7)

Khi con nhuộm tóc, sơn móng tay hay cắt tóc theo một trào lưu nào đó, nhiều bố mẹ cho rằng như vậy là hư hỏng, không đúng chuẩn mực và có những hành động đáng trách.

Trẻ nổi loạn, bật lại bố mẹ vì bị cho là “đứa con hư hỏng”

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách (Viện Tâm lý ứng dụng và phát triển MP) cho biết, trong xã hội hiện nay trẻ được tiếp cận với nhiều luồng thông tin, các trào lưu mới nổi nên rất dễ bắt chước, chạy theo… Khi thấy con như vậy, phụ huynh lại cho rằng trẻ hư hỏng trong suy nghĩ của họ, đứa con ngoan là chỉ biết học và nghe lời bố mẹ, thầy cô.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Bách từng tiếp nhận nhiều phụ huynh đã có những hành động đáng trách, khi can thiệp quá mức vào đời sống riêng tư của trẻ, thậm chí bạo hành tinh thần khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề.

Khi phát hiện con gái sơn móng tay, người bố đã có hành động khiến con bị sang chấn tâm lý. Ảnh minh họa.

Khi phát hiện con gái sơn móng tay, người bố đã có hành động khiến con bị sang chấn tâm lý. Ảnh minh họa. 

Thúy Hồng (14 tuổi, ở Hà Nội) đến gặp bác sĩ Bách trong tình trạng tâm lý bất an, uất ức vì hành động của bố.  Hồng được đánh giá là đứa con ngoan, thành tích học tập luôn đứng ở top đầu của lớp. Gần đây khi được nhiều bạn khen có bàn tay đẹp và khuyên sơn móng để nổi bật hơn, em đã muốn thử "phá cách". 

Tuy nhiên, cô bé không dám sơn móng tay màu lòe loẹt, chỉ tô màu trầm vì sợ bố mắng. Thế nhưng, trong bữa cơm tối, khi phát hiện Hồng sơn móng tay, người bố đã mắng chửi thậm tệ, sau đó còn đè xấp con xuống giường, cắt và cạo hết móng tay đã sơn.

Điều này làm Hồng bị sang chấn tâm lý, khóc nhiều, bỏ ăn, mất ngủ, ảnh hưởng đến kết quả học tập. “Khi đưa con đến khám, người bố nhận ra rằng hành động của mình là hơi quá, nhưng anh cũng tâm sự đó là vì áp lực luôn sợ con hư, con đua đòi và lo khi vợ đi công tác nước ngoài về sẽ mắng mình là không biết nuôi con, trông con”, bác sĩ Bác chia sẻ.

Rất nhiều nam sinh cắt tóc theo kiểu Khá Bảnh và bị phụ huynh cho rằng như vậy là hư hỏng. Ảnh minh họa.

Rất nhiều nam sinh cắt tóc theo kiểu Khá Bảnh và bị phụ huynh cho rằng như vậy là hư hỏng. Ảnh minh họa. 

Trường hợp khác là một nam sinh 15 tuổi, cũng được bác sĩ Bách can thiệp tâm lý vì người mẹ luôn nghĩ con hư, dù học hành, thi cử đều đạt được thành tích cao. “Dù con học rất giỏi, trong gia đình luôn biết nghe lời nhưng lại cắt tóc theo trào lưu kiểu Khá Bảnh. Khi về nhà, cậu bé bị mẹ mắng chửi là học theo kiểu “đầu trộm, đuôi cướp”. Thấy vậy cậu bé “bật lại” bằng cách đập phá đồ đạc và mẹ càng cho rằng hành động đó là láo. Quá uất ức vì bị bố mẹ coi thường, bị coi là đứa trẻ hư hỏng, cậu bé đã bỏ học luôn 2 năm, đi chơi cùng bạn bè và trượt dài theo con đường đó. Khi đến khám tâm lý, tôi có hỏi lý do thì cậu bé cho rằng: Do bố mẹ lúc nào cũng nghĩ con hư hỏng, vì thế con hư luôn thể”, bác sĩ Bách kể lại.

Kiểu dạy dỗ theo tư duy thế hệ là sai lầm

Theo bác sĩ Bách, những kiểu dạy dỗ, giáo dục sai lầm như hai trường hợp trên không hề hiếm ở Việt Nam, điều này đang đi ngược lại với cách giáo dục ở những nước phát triển. “Khi tôi ở châu Âu, các gia đình đều có quan điểm chấp nhận con hư trong giai đoạn dậy thì. Bởi họ cho rằng, đây là giai đoạn nổi loạn của trẻ và trẻ hư thì có thể dạy được, nhưng can thiệp quá nhiều khiến trẻ hỏng thì rất khó để dạy lại”, bác sĩ Bách cho hay.

Bác sĩ Bách cho rằng, phụ huynh cần đặt bản thân vào địa vị của con để hiểu con hơn.

Bác sĩ Bách cho rằng, phụ huynh cần đặt bản thân vào địa vị của con để hiểu con hơn. 

Sở dĩ bố mẹ Việt luôn sợ con hư là do tư duy giáo dục thế hệ, kiểu như thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau. Ví dụ như xưa ông bà dạy bố mẹ như thế nào thì bố mẹ lại dạy con đúng như vậy. Việc dạy dỗ theo tư duy này là sai lầm, họ không nghĩ đến sự phát triển thay đổi của xã hội, nhất là khi công nghệ, mạng xã hội đang phát triển như hiện nay.

Để giải quyết vấn đề này, trước hết bố mẹ nên đặt mình vào vị trí của con, lắng nghe con, không mang cái tôi của mình, quyền làm che mẹ để áp đặt nhận thức cho trẻ.

Thứ hai, bố mẹ nên chấp nhận sự thay đổi của con. Điều này, không có nghĩa là bố mẹ thua con mà là sự chấp nhận hình thái khác của con.

Thứ ba, hãy chia sẻ câu chuyện của bố mẹ với con để tạo ra một hành vi đúng về trách nhiệm. Khi bố mẹ xây dựng nhận thức tạo ra cảm xúc tích cực, đứa trẻ lớn lên sẽ biết cảm thông, trách nhiệm, bao dung.

Bố mẹ cũng không nên quá hoang mang, lo lắng cho rằng con hư. Việc này sẽ dẫn tới áp chế não bộ của bố mẹ và tạo ra ám thị với chính con rằng con là đứa trẻ hư. Ở giai đoạn dậy thì, bố mẹ nên quan sát con nhiều hơn là thể hiện bằng lời nói”, bác sĩ Bách tư vấn.

Bị cấm yêu, nữ sinh lớp 11 càng vượt rào với chàng trai hàng xóm, hành động của ông bố mới gây sốc
Khi phát hiện trẻ có tình cảm yêu đương, thậm chí đã vượt quá giới hạn, bố mẹ cần bình tĩnh xử lý, không nên đẩy con vào bước đường cùng, gây ra những...

Trẻ dậy thì

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ tuổi dậy thì