Rối loạn tiêu hóa nên ăn gì? 15 thực phẩm tốt nhất cho người bị rối loạn tiêu hóa

Khánh Hằng - Ngày 23/07/2021 16:50 PM (GMT+7)

Rối loạn tiêu hóa gây nên vô số sự khó chịu và bất tiện cho sức khỏe và cuộc sống. Ngoài việc chữa trị bằng thuốc, bạn có thể bổ sung một số thực phẩm khi bị rối loạn tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa là gì?

1. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa

Tiêu hóa là quá trình biến thức ăn thành những chất có thể hấp thu qua thành ống tiêu hóa để vào máu. Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng cho đến ruột già. Bất cứ nguyên nhân nào cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa được coi là rối loạn tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý mà bắt nguồn từ một số nguyên nhân nhất định như: bệnh dạ dày, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều chất kích thích...

Rối loạn tiêu hóa nên ăn gì? 15 thực phẩm tốt nhất cho người bị rối loạn tiêu hóa - 1

2. Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa

Một số triệu chứng phổ biến của rối loạn tiêu hóa bao gồm:

- Chướng bụng, đầy hơi

- Buồn nôn, nôn mửa

- Ợ hơi, ợ nóng

- Đau bụng âm ỉ

- Đại tiện bất thường, tiêu chảy hoặc táo bón

- Chán ăn

3. Cách phòng ngừa

Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa nói riêng và các vấn đề khác liên quan đến tiêu hóa nói chung, mỗi người cần xây dựng cho mình một chế độ sống khoa học. Dưới đây là một số cách phòng ngừa rối loạn tiêu hóa:

- Ăn uống đủ chất, đúng giờ giấc, lành mạnh.

- Hạn chế các chất kích thích, đồ uống chứa cồn.

- Bổ sung nhiều chất xơ và rau xanh để hỗ trợ quá trình đào thải của cơ thể.

- Bổ sung men vi sinh, lợi khuẩn tốt cho đường ruột.

- Tập thói quen đi vệ sinh khoa học.

- Bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng.

Rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?

Dưới đây là 15 loại thực phẩm tốt nhất để cải thiện hệ tiêu hóa, hỗ trợ người bị rối loạn tiêu hóa:

1. Sữa chua

Rối loạn tiêu hóa nên ăn gì? 15 thực phẩm tốt nhất cho người bị rối loạn tiêu hóa - 2

Sữa chua được làm từ sữa đã lên men, điển hình là nhờ vi khuẩn axit lactic. Sữa chua chứa nhiều vi khuẩn có lợi, được gọi là probiotic, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giữ cho đường ruột khỏe mạnh.

Khi men vi sinh tự nhiên xuất hiện trong ruột, việc tăng cường lượng thức ăn thông qua những thực phẩm như sữa chua giúp thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn, giúp giải quyết các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy, táo bón. Probiotic cũng được chứng minh giúp cải thiện quá trình tiêu hóa đường lactose hoặc đường sữa.

2. Táo

Táo chứa rất nhiều pectin, một loại chất xơ hòa tan. Pectin bỏ qua quá trình tiêu hóa trong ruột non, sau đó bị phân hủy bởi các vi khuẩn thân thiện trong ruột kết. Nó có hiệu quả trong việc điều trị tiêu chảy hoặc táo bón. Pectin trong táo được chứng minh giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường ruột cũng như viêm ruột kết.

3. Hồi hương

Hồi hương là một loại cây có củ màu trắng và cuống lá màu xanh nhạt, thường được sử dụng để tăng thêm hương vị cho thực phẩm. Hồi hương chứa hàm lượng chất xơ cao, rất tốt cho hệ tiêu hóa và đường ruột, giúp ngăn chặn các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, hồi hương cũng chứa một chất chống co thắt giúp thư giãn các cơ trơn trong đường tiêu hóa của bạn. Việc này sẽ giúp giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng và chuột rút.

4. Hạt chia

Hạt chia là một nguồn chất xơ tuyệt vời, khi tiêu thụ vào dạ dày sẽ hình thành nên một dạng giống như gelatin. Chúng hoạt động giống như một loại tiền sinh học, hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột và góp phần vào việc hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. 

5. Kombucha

Kombucha là một loại trà lên men đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Nó được tạo ra bằng cách thêm các chủng vi khuẩn, đường và men cụ thể vào trà đen hoặc trà xanh, sau đó trải qua quá trình lên men trong một tuần hoặc hơn. Một lượng vi khuẩn probiotic được tạo ra trong quá trình lên men kombucha, có thể cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra kombucha có thể góp phần chữa lành vết loét dạ dày.

6. Đu đủ

Rối loạn tiêu hóa nên ăn gì? 15 thực phẩm tốt nhất cho người bị rối loạn tiêu hóa - 3

Quả đu đủ chứa một loại enzym tiêu hóa gọi là papain. Loại enzym này có tác dụng hỗ trợ quá trình tiêu hóa bằng cách giúp phá vỡ các sợi protein. Papain cũng có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS), chẳng hạn như táo bón và đầy hơi. Papain thường được sử dụng làm enzym chính trong các chất bổ sung tiêu hóa.

7. Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt là những loại ngũ cốc chứa 100% nhân bao gồm cám, mầm và nội nhũ. Một số loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, lúa mì nguyên hạt, diêm mạch, gạo lứt... Chất xơ có trong những loại ngũ cốc này có thể giúp cải thiện tiêu hóa. Ngoài ra, nó còn hoạt động giống như prebiotic và giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột.

8. Củ dền

Củ dền cũng là nguồn cung cấp chất xơ vô cùng dồi dào. Trong 136 gam củ dền có chứa tới 3,4 gam chất xơ. Chất xơ này hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột và tăng cường khối lượng phân.

9. Gừng

Gừng là một nguyên liệu truyền thống trong Đông y giúp cải thiện tiêu hóa và ngăn ngừa cảm giác buồn nôn. Gừng đã được chứng minh là có tác dụng đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày bằng cách di chuyển thức ăn từ dạ dày đến ruột non nhanh hơn, từ đó giảm các triệu chứng ợ chua, buồn nôn và khó chịu ở dạ dày, tốt cho hệ tiêu hóa nói chung, điều trị nhiều vấn đề liên quan đến rối loạn tiêu hóa.

10. Kim chi

Kim chi thường được làm từ cải thảo hoặc một số loại rau củ khác lên men. Kim chi chứa men vi sinh giúp tiêu hóa và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt trong ruột kết. Kim chi lên men càng lâu thì hàm lượng men vi sinh càng cao. Chất xơ có trong kim chi cũng giúp thúc đẩy sức khỏe đường ruột.

11. Rau xanh

Rối loạn tiêu hóa nên ăn gì? 15 thực phẩm tốt nhất cho người bị rối loạn tiêu hóa - 4

Rau xanh là nguồn cung cấp chất xơ không hòa tan lớn nhất. Chất xơ này rất tốt cho đường ruột, giúp giảm tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, rau xanh cũng chứa nhiều magie, giúp giảm táo bón bằng cách cải thiện các cơn co thắt cơ trong đường tiêu hóa. Một số loại đường trong rau xanh cũng giúp cung cấp vi khuẩn tốt trong đường ruột.

Những loại rau màu xanh đậm như rau chân vịt, cải Brussels, bông cải xanh... được chứng minh có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa tốt hơn nhiều các loại rau khác.

12. Dưa cải (dưa muối)

Dưa cải được làm từ một số loại rau cải lên men bằng axit lactic. Do quá trình lên men này nên dưa cải có chứa nhiều men vi sinh.

Nghiên cứu cho thấy trong 71 gram dưa cải có thể chứa tới 28 chủng vi khuẩn khác nhau giúp ích cho đường ruột bằng cách cung cấp vi khuẩn tốt, ngăn chặn những vi khuẩn có hại. Các enzym có trong dưa cải còn giúp phá vỡ các chất dinh dưỡng thành các phân tử nhỏ hơn, từ đó dễ tiêu hóa hơn, hạn chế tối đa những tác động xấu lên hệ tiêu hóa.

13. Cá hồi

Cá hồi là một nguồn axit béo omega-3 tuyệt vời, có thể giúp giảm chứng viêm trong cơ thể. Với những người bị bệnh viêm ruột, không dung nạp thức ăn và các rối loạn tiêu hóa khác, axit béo omega-3 có thể giúp giảm tình trạng viêm này, từ đó cải thiện tiêu hóa hiệu quả.

14. Nước hầm xương

Nước hầm xương được làm bằng cách ninh xương của động vật. Gelatin được tìm thấy trong nước hầm xương có nguồn gốc từ các axit amin glutamine và glycine. Những chất này có thể liên kết với chất lỏng trong đường tiêu hóa của bạn và giúp thức ăn đi qua dễ dàng hơn. Glutamine cũng giúp bảo vệ thành ruột, hỗ trợ điều trị các bệnh về viêm ruột.

15. Lá bạc hà

Lá bạc hà, đặc biệt là tinh dầu chiết xuất từ lá bạc hà, đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện các vấn đề về tiêu hóa. Nó có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích như đầy hơi, khó chịu ở dạ dày và các vấn đề về nhu động ruột. Tinh dầu bạc hà cũng có thể làm dịu chứng khó tiêu bằng cách tăng tốc độ di chuyển của thức ăn qua hệ tiêu hóa.

Nguồn tham khảo:

The 19 Best Foods to Improve Digestion - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 15/8/2018.

Tác dụng của nước ép cần tây? Nên uống bao nhiêu nước ép cần tây mỗi ngày?
Nước ép cần tây đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều hiểu lầm không chính xác về loại nước ép này.

Sống khỏe

Khánh Hằng (Dịch từ Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh