Ruột cá, chỉ tôm là ổ chất thải hay kho dưỡng chất? Có một phần cá cực kỳ bổ dưỡng thì ai cũng vứt đi

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 19/02/2023 14:11 PM (GMT+7)

Đối với các loại nội tạng tôm hay cá, tùy vào cách chế biến và sở thích của mỗi người để sử dụng, tuy nhiên nếu ăn cần chú ý đến khâu an toàn vệ sinh thực phẩm.

PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh

Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Tôm và cá là hai thực phẩm có nguồn gốc thủy hải sản được sử dụng phổ biến nhất trong bữa ăn hàng ngày. Giá trị dinh dưỡng của tôm và cá đối với sức khỏe là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên không ít người tranh cãi vậy chỉ (ruột) tôm và ruột cá liệu có sử dụng được hay không?

Sở dĩ mọi người đặt ra câu hỏi như vậy là vì trên một số trang về ẩm thực trên mạng, nhiều người cho rằng bắt buộc phải loại bỏ chỉ tôm vì đó là hệ tiêu hóa, chứa nhiều cặn bã khi nấu sẽ rất tanh, mất hương vị món ăn, thậm chí gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn với cá, nhiều người khẳng định, ruột cá là đặc sản, mỡ cá tốt hơn rất nhiều so với mỡ các loại động vật khác, nếu vứt bỏ thì quá lãng phí.

Tuy nhiên, cũng có lập luận cho rằng, chúng ta không nên rập khuôn, máy móc vì đường ruột của tôm chỉ con to mới lấy được, với loại tôm nhỏ (một số nơi gọi là tép) thì không thể bỏ hết, chúng ta vẫn ăn cả con nhưng không ai bị làm sao cả.

Với các loại tôm to, đường chỉ đen trên lưng nên loại bỏ vì đó là nơi chứa nhiều chất cặn bẩn. (Ảnh minh họa)

Với các loại tôm to, đường chỉ đen trên lưng nên loại bỏ vì đó là nơi chứa nhiều chất cặn bẩn. (Ảnh minh họa) 

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho rằng, chỉ đen trên lưng tôm chính là dạ dày, đại tràng hay nói cách khác là đường tiêu hóa của tôm, chứa chất cặn bã, vì thế nên bỏ khi chế biến vì nó không có giá trị gì về dinh dưỡng và ẩm thực. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng, chúng ta chỉ loại bỏ được ở những loại tôm to, tôm nhỏ thì dường như không thể.

“Chính vì lý do đó, mọi người khi ăn tôm tốt nhất nên sơ chế kỹ, dù chế biến thành món ăn gì cũng cần nấu chín để tiêu diệt các vi khuẩn, hạn chế nguy cơ gây hại cho sức khỏe”, ông Thịnh cho biết.

Riêng đối với lòng cá, theo ông Thịnh, với cá nuôi và nguồn nước nhiều nơi bị ô nhiễm như hiện nay, tốt nhất không nên sử dụng lòng cá. “Xưa kia cá nuôi tự nhiên, lòng cá ăn rất ngon, thậm chí là đặc sản. Tuy nhiên, giờ cá chủ yếu nuôi cám công nghiệp, trong khi lòng cá là nơi chứa cặn bã, nhiễm nhiều kim loại nặng và ký sinh trùng, nếu chế biến không kỹ, ăn thường xuyên thì nguy cơ tích tụ trong cơ thể và gây hại cho sức khỏe là hoàn toàn có thể”, ông Thịnh cho hay.

Lòng cá nếu chế biến sạch, được nấu chín thì có thể sử dụng. Riêng mỡ cá không nên vứt bỏ. (Ảnh minh họa)

Lòng cá nếu chế biến sạch, được nấu chín thì có thể sử dụng. Riêng mỡ cá không nên vứt bỏ. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ông Thịnh vẫn khuyên mọi người nên sử dụng mỡ cá vì trong đó có nhiều dưỡng dinh dưỡng tự nhiên mà các thực phẩm khác không có. Hơn nữa mỡ cá khác với mỡ lợn, mỡ bò - chúng rất tốt chứ không gây béo hay tăng cholesterol. Điều cần chú ý khi sử dụng mỡ cá là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xét dưới góc độ dinh dưỡng, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, mọi người khi mua những loại cá lớn như cá quả, cá chép, cá trắm… thì hoàn toàn có thể sử dụng được nội tạng (ruột) cá, đặc biệt là phần mỡ cá. “Phần nội tạng trong con cá không nhiều, khi dùng làm thực phẩm thì cần vệ sinh thật sạch sẽ và nấu chín khi ăn để tránh bị vi khuẩn, ký sinh trùng. Nếu đảm bảo được như vậy thì hoàn toàn có thể sử dụng được, vì ngoài ăn ngon thì nó có nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe, nhất là lượng mỡ cá có rất nhiều trong phần nội tạng”, bà Mai chia sẻ.

Theo bà Mai, mỡ cá là một trong những loại mỡ động vật tốt nhất cho sức khỏe. Chất béo trong mỡ cá rất tốt cho não, chứa nhiều các acid béo cần thiết là omega 3 và omega 6.

“Acid béo omega 3 và omega 6 là chất béo thiết yếu cho hoạt động của cơ thể, tuy nhiên, cơ thể lại không thể tự tổng hợp được. Do đó, loại chất béo này phải được bổ sung từ các loại thực phẩm, trong đó mỡ cá có rất nhiều. Đáng tiếc hiện rất nhiều người bỏ qua nguồn chất béo quý giá này, nhưng lại sử dụng các loại chất béo không tốt như trong đồ chiên rán, đồ ăn nhanh”, bà Mai thông tin.

Món rau nhiều canxi không kém tôm cá, giàu vitamin C hơn táo
Món rau ngon rẻ này giàu canxi không kém tôm cá lại nhiều chất xơ, tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người chỉ coi là món ăn kèm.

Thực phẩm phòng bệnh

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm