Ăn uống gì dễ tích độc cho cơ thể? Bác sĩ tiết lộ điều ít ai ngờ và chỉ cách giải độc chẳng tốn mấy đồng

Ngày 26/01/2023 14:00 PM (GMT+7)

Tất tần tật những thứ chúng ta ăn, uống, ít, bôi hằng ngày đều có thể là chất độc nếu chúng ta sử dụng quá liều hay không đúng cách.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Trương Hoàng Hưng, hiện làm việc tại Texas, (Mỹ) lý giải về nguy cơ nhiễm độc của cơ thể và sự thật về hiệu quả các cách giải độc nhiều người đang sùng bái. 

Gần đây ở Mỹ có phong trào thải độc sau một đêm tiệc tùng bí tỷ. Mấy bạn trẻ sau một đêm cuồng loạn trong bar với rượu, thuốc lắc... sáng ra thì đi tới một phòng khám mở ra bởi y tá, bác sĩ để truyền thuốc giải độc, mà đa phần là dịch đẳng trương pha vitamin liều thấp. Tôi cười mấy bạn đó thiệt là ngây thơ như bầy nai, làm giàu cho ngành công nghiệp thải độc đang hái ra tiền trên thế giới.

Độc là gì?

Tôi trích một câu nói kinh điển của bác sĩ, nhà khoa học người Thuỵ Sĩ Paracelsus, người được coi là cha đẻ của ngành độc học: “All things are poison and nothing is without poison; only the dose makes a thing not a poison”. Tạm dịch là: “Tất cả mọi thứ đều là độc chất và không có thứ nào không độc, chỉ có liều lượng là khiến nó không độc”.

Điều này có nghĩa là tất tần tật các thứ chúng ta ăn, uống, hít, bôi hàng ngày đều có thể là chất độc nếu chúng ta sử dụng quá liều hay không đúng cách.

Uống nước quá nhiều cũng gây độc cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Uống nước quá nhiều cũng gây độc cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Bạn không tin? Tôi sẽ minh chứng cho bạn ngay lập tức.

- Nước: Bạn sẽ chết nếu không uống nước vài ngày, nhưng bạn thử uống một ngày 10-20 lít nước kéo dài xem sao, nồng độ Na trong máu bạn sẽ giảm xuống, não bạn sẽ phù, bạn sẽ co giật kéo dài và chết, tình trạng này gọi là ngộ độc nước.

- Oxygen: Không có oxy, bạn sẽ chết trong vòng 5 phút, nhưng nếu bạn được cho oxy liều cao, nó sẽ làm tổn thương và chết tế bào ở não, mắt. Bạn nào làm nhi khoa thì chắc biết tổn thương võng mạc ở trẻ sơ sinh do dùng oxy liều cao kéo dài.

- Vitamin: Vitamin A là thuốc bổ, bổ da, bổ mắt, có trong bất kỳ chai thuốc đa vitamin nào trên thị trường. Nhưng nếu bạn uống liều cao kéo dài thì sẽ làm da khô, tăng áp suất nội sọ, co giật, tổn thương gan thậm chí suy gan.

- Thuốc trị bệnh: Khi bạn có bệnh, bạn phải uống thuốc, không uống là không được, mà nếu uống quá liều thì cũng không xong. Thuốc trị bệnh mà uống quá liều thành thuốc độc. Ai làm y khoa cũng biết thuốc Digoxin có liều điều trị và liều ngộ độc cách nhau có chút xíu.

- Muối, đường, mỡ, đạm: Là chất dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày nhưng nếu ăn quá nhiều thì có tác hại ra sao tôi cũng không cần phải nói.

- Bia rượu: Bạn hay nghe nói mỗi ngày uống một chai bia hay một ly rượu đỏ sẽ có lợi cho sức khoẻ, nhưng uống nhiều mỗi ngày thì cháy ruột cháy gan, chuyện này ai cũng biết.

Tôi có thể kể tới sáng những ví dụ như vậy. Thành ra mọi thứ bạn dùng hàng ngày đều có thể là thuốc độc nếu dùng quá nhiều và sai cách.

Thật sự chúng ta có thể suy rộng ra nhiều thứ khác trong cuộc sống với cùng một khái niệm. Một người nếu dùng hết thời gian cho công việc để kiếm tiền, thì sẽ phải lơ là con cái gia đình, công việc quá liều là thuốc độc cho đời sống gia đình. 

Thể thao là tốt, nhưng thể thao chuyên nghiệp hay kèm theo chấn thương cơ thể do vận động quá liều. Bạn có nghe nói tới khuỷu tay tennis (tennis’ elbow), đầu gối của người chạy nhảy (jumper’s knee), vai của vận động viên bóng chày, hay gãy xương do stress chưa?

Nói dông dài để làm rõ hơn khái niệm về độc chất, độc chất không phải chỉ là nọc rắn, lá ngón, cá nóc, thuỷ ngân… mà là những thứ rất bình thường xung quanh chúng ta. Tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta đều là “độc chất tiềm năng”.

Cơ thể chúng ta hàng ngày đối mặt với nhiều “độc chất tiềm năng” như vậy, làm sao có thể tồn tại, làm sao có thể thải độc, thanh lọc, khoẻ mạnh? Đó lại là một câu chuyện thú vị khác.

Cơ thể thải độc thế nào? Chúng ta có cần thải độc cho cơ thể?

Cơ thể con người là một cỗ máy phức tạp và hoàn hảo nhất mà tôi biết, nó có khả năng tự vận hành một cách hợp lý suốt ngày đêm mà không cần ai ra lệnh cho nó.

Nhiều người sử dụng các loại nước ngâm trái cây để thải độc. (Ảnh minh họa)

Nhiều người sử dụng các loại nước ngâm trái cây để thải độc. (Ảnh minh họa)

Về mặt thải độc, cơ thể chúng ta là một nhà máy xử lý hoá chất công suất cao vận hành 24/7. Mỗi một ngày chúng ta ăn uống biết bao nhiêu là thứ, cơ thể chúng ta có nhiệm vụ phân loại xử lý tất cả các thứ đó, thứ nào cần thì giữ lấy, thứ nào không cần, không dùng được hoặc thừa mứa thì thải ra ngoài.

Hệ thống xử lý của cơ thể gồm nhiều cơ quan như gan, thận, da, phổi và toàn bộ cơ thể như một kho chứa.

Gan là cơ quan xử lý hoá chất chính của cơ thể, nó là cơ quan có lượng máu khổng lồ đi qua, cứ mỗi 3 phút là toàn bộ lượng máu của cơ thể dạo qua gan một lần (1450 ml/phút). Gan bình thường chỉ hoạt động có 20% công suất, nên những người suy gan có triệu chứng có nghĩa là gan đã tiêu dùng gần 80% rồi.

Thận có chức năng xử lý hóa chất kém hơn, mà chủ yếu là cái máy lọc khổng lồ, suốt ngày đêm lọc bỏ những hoá chất không cần thiết ra khỏi cơ thể. Cứ mỗi 4 phút là toàn bộ lượng máu của cơ thể đi ngang qua thận (1240ml/phút). Thận cũng có công suất dự trữ rất cao, một người có thể sống bình thường với chỉ 1 trái thận lành lặn, nhưng nếu cả hai trái thận hỏng thì cơ thể ngộ độc và chết rất nhanh, nên phải đi chạy thận nhân tạo liên tục.

Khi cơ thể tiết mồ hôi thì cũng tiết nhiều chất độc hại trong đó. Mồ hôi có muối, acid béo, kim loại nặng (thạch tín, thuỷ ngân, chì, cadmium) và nhiều chất khác trong cơ thể. 

Khi máu đi ngang qua phổi để trao đổi CO2 và O2 thì cũng thải một số chất trong khí thở ra, bởi mới có chuyện uống rượu thì hơi thở nồng nặc mùi rượu.

Máu trong cơ thể có một hệ thống đệm hoá học, khi cơ thể mất cân bằng thì hệ thống này sẽ hoạt động để giữ cho cơ thể trong trạng thái cân bằng giúp cho các cơ quan khác xử lý cho đến khi cân bằng trở lại.

Nhìn chung thì cơ thể là một nhà máy xử lý hoá chất tốt nhất thế giới mà ông trời cho mỗi người, nhà máy này có công suất lớn đủ để cho chúng ta xài suốt đời. Nếu vì lý do gì mà nó bị hư hại hay chính chúng ta tàn phá nó không thương tiếc thì chúng ta gặp vấn đề lớn.

Nên thận trọng khi sử dụng các loại thuốc với mục đích giải độc. (Ảnh minh họa)

Nên thận trọng khi sử dụng các loại thuốc với mục đích giải độc. (Ảnh minh họa)

Cần nói thêm là khi cơ thể thiếu thốn chất gì đó thực sự cũng là một loại nhiễm độc. Thiếu sắt, vitamin C, vitamin B1, vitamin B12, glucose, protein, mỡ, muối… đều gây bệnh. Khái niệm này phải được nhắc tới để giải thích sự vô lý của nhiều phương pháp thải độc. Bạn cứ lên google, chọn thử bất kỳ chất ABC nào đó rồi gõ: thiếu ABC hay ABC deficiency thì sẽ ra liền cái bệnh liên quan tới sự thiếu đó. 

Tại sao thiếu lại là độc hại?

Thiếu sắt gây thiếu máu, mà dư sắt là hư gan, suy tim.

Thiếu B12 ở người ăn chay hoàn toàn gây thiếu máu, tổn thương hệ thần kinh.

Thiếu B1 gây tổn thương hệ thần kinh, suy tim.

Tôi từng đọc được bài viết về chế độ ăn chống ung thư bằng cách không ăn đường triệt để, đó là một chuyện cười. Nếu bạn có thể không ăn đường hoàn toàn 100%, hoặc cơ thể không sử dụng được đường như bệnh tiểu đường type 1 (do cơ thể không sản xuất được insulin  nên có đ ường mà không xài được), bạn đã bước nửa chân vào cửa tử. Đường là dạng năng lượng chính cơ thể sử dụng,  khi cơ thể không thể sử dụng đường tạo năng lượng, đành phải phân giải đạm, mỡ tạo năng lượng, tạo ra nhiều sản phẩm phụ như ketones, làm máu nhiễm độc toan, rối loạn điện giải, tăng áp lực thẩm thấu máu gây phù não, chết cấp kỳ. Bệnh nhân tiểu đường type 1 sợ nhất là biến chứng này.

Bạn nhịn ăn hoàn toàn vài ngày thì cơ thể cũng nhiễm toan như vậy nhưng nhẹ hơn, nên nhịn ăn thanh lọc cơ thể cũng là chuyện không tưởng thôi.

Vậy nên các chế độ ăn thực dưỡng ăn hoài một món nào đó, hay hạn chế triệt để một món nào đó, đều là những chế độ ăn thiếu cân bằng, gây thừa mứa hay thiếu một thành phần nào đó, cả hai đều làm nhiễm độc cơ thể.

Uống lâu dài một loại thuốc hay thực phẩm chức năng, mà không có lý do, tác dụng rõ ràng, hay không có thông tin về độ an toàn tương đương với tự đầu độc mình. Các thuốc muốn đưa vào sử dụng phải qua nghiên cứu hàng chục năm về hiệu quả, liều lượng an toàn, tác dụng phụ ngắn hạn và lâu dài mà có khi còn không lường hết các tác dụng phụ lâu dài trên con người.

Thuốc giải độc gan, hay thanh lọc gì đó không biết tác dụng ra sao, thấy trước mắt là uống vào thì tự nhiên bắt gan thận phải làm việc để  xử lý nó, trả tiền để hành hạ cơ thể mình, uống lâu dài còn nguy cơ tự đầu độc mình nữa.

Giải độc thì phải xem thật sự cơ thể bị ngộ độc, dư thừa chất gì mà giải độc, mỗi thứ có chất kháng độc hay thải độc khác nhau chứ chuyện cho viên linh đan uống vô là hết độc trong một nốt nhạc không cần biết là thứ chỉ có trong phim kiếm hiệp  thôi. 

- Ngộ độc chì thì uống thuốc thải chì EDTA.

- Ngộ độc sắt như bệnh Thalasemia thì uống Deferoxamine.

- Ngộ độc Morphine thì chích Narcan.

- Ngộ độc thuốc hạ sốt Aceminophen thì phải dùng N-acetylcysteine, chứ uống tuơng Taramin thì hỏng luôn. 

Mỗi loại độc phải có thứ giải tương ứng, chứ bán chai thuốc quảng cáo giải bách độc mà cũng tin. Cái gan là chuyên gia giải độc, thứ nó không giải quyết kịp hay không thể giải quyết, không phải đơn giản uống mấy thứ mơ hồ đó là được. 

Những cách giải độc tốt nhất

- Ngưng đầu độc cơ thể mình . 

Hạn chế ăn uống, sử dụng quá  nhiều một thứ nào đó: Nên có chế độ ăn    cân bằng, vừa phải, không ăn quá nhiều đường, chất béo, ăn nhiều rau xanh.

Tập thể dục là cách thải độc và mang lại nhiều lợi ích khác cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Tập thể dục là cách thải độc và mang lại nhiều lợi ích khác cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Học cách tìm hiểu về thức ăn sạch, ít hoá chất, ít các thành phần bảo quản. Ăn thức ăn tươi nếu có thể. Học cách nấu nướng lành mạnh, ăn ít thực phẩm nướng, chiên, không ăn thực phẩm lên mốc.

Ngưng tự hạ độc mình bằng rượu, thuốc lá và các chất gây nghiện. Có uống thì uống vừa phải.

Không dùng thuốc hay thực phẩm chức năng vô tội vạ, không rõ nguồn gốc, tác dụng, liều lượng, độ an toàn.

Không dùng thuốc nếu không cần thiết, kể cả vitamin, thuốc giải độc, thanh lọc cơ thể, thực phẩm chức năng, cân nhắc khi dùng lâu dài thứ nào đó, độc hay không là do liều lượng. 

- Cố gắng hít thở không khí trong lành. Ngày nay chúng ta hít hàng trăm thứ độc hại trong không khí do ô nhiễm. Dùng khẩu trang y tế nếu có thể, thay lọc máy lạnh nhà, xe thường xuyên, nhớ dùng loại đạt chuẩn. 

- Uống đủ nước, giúp thận lọc bỏ các chất không cần thiết, giúp đổ mồ hôi nhiều hơn, không táo bón.

- Tập thể dục mỗi ngày: Đổ mồ hôi là cách giải độc rất tốt, ngoài các tác dụng cho sức khoẻ, tim mạch đã biết, tập thể dục giúp giải độc khi đổ nhiều mồ hôi kèm theo muối, chất béo, kim loại nặng, làm chậm tốc độ lão hoá DNA giúp trẻ lâu, ngăn ngừa ung thư. Mỗi ngày nên tập ít nhất 30-60 phút. 

- Giữ tinh thần tích cực, vui vẻ, hoà đồng, hưởng thụ cuộc sống. Lo âu, stress, sân hận là cách hạ độc cơ thể toàn diện nhất từ tinh thần đến thể chất, gây nhiều bệnh như loét dạ  dày, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Mỗi lần giận ai là cơ thể tiết ra hàng đống chất độc, tăng huyết áp, tự mình hại mình, cho nên đừng giận hay ghen ghét ai, không chơi được thì nghỉ chơi, đừng phí năng lượng làm gì. Tự mình nên thương mình.

Giải độc thật ra rất dễ làm, đơn giản, rẻ tiền. Tôi không có uống bất cứ thứ gì ngoài vài thứ vitamin cần thiết vì không muốn tạo thêm gánh nặng cho cơ thể, uống nhiều nước, tập thể dục một giờ mỗi ngày, thứ gì cũng ăn, rượu cũng uống nhưng vừa phải, sống vui vẻ, không sân si, không ghen ghét ai, tiền cũng ráng kiếm nhưng không cần sống chết vì nó.

Nồi chiên không dầu có nguy cơ gây ung thư? Bác sĩ lý giải sự thật
Nồi chiên không dầu ngày càng được sử dụng phổ biến vì tính tiện dụng, giảm được dầu mỡ nhưng không ít người có ý định "tống khứ" sản phẩm này khi nghe thông tin chất acrylamide sinh ra từ nồi chiên ở nhiệt độ cao có thể gây ung thư. Thực hư việc này thế nào?

Thói quen có hại

Theo BS Trương Hoàng Hưng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe