Nhiều nghiên cứu cho thấy thực phẩm này có chứa các chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm mức độ cholesterol xấu (LDL)...
Trong khẩu phần ăn của người Nhật Bản, bên cạnh các loại cá biển còn có một loại rau vô cùng quen thuộc đó chính là cà tím.
Người dân nước này luôn ưa chuộng những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và cà tím đã lọt vào mắt xanh của họ nhờ hương vị thơm ngon và các đặc tính tốt cho sức khỏe. Theo một số nghiên cứu, cà tím có chứa hợp chất chống ung thư, phòng bệnh huyết áp.
Bên cạnh đó, giá của loại thực phẩm này rất rẻ so với các loại khác. Ngoài ra, từ cà tím có thể chế biến ra rất nhiều món ăn ngon lành, bổ dưỡng.
Tuy nhiên cần lưu ý 4 trường hợp không nên ăn cà tím để tránh các tác dụng phụ.
Cà tím - siêu thực phẩm người Nhật yêu thích: Ăn cà tím chống ung thư lẫn tim mạch
Ăn cà tím có tốt không?
Trong mỗi 100 gam cà tím, hàm lượng calo rất thấp, chỉ 25 calo, nhưng chứa tới 1g protein, 0,2 gam chất béo, 6 gam carbohydrate, 3 gam chất xơ. Ngoài ra, cà tím cũng rất giàu axit folic, kali, vitamin K, vitamin C…
Hàm lượng các thành phần này đạt từ 3 đến 5% mà cơ thể con người chúng ta cần hàng ngày. Chúng cũng chứa 9mg canxi; 0,23mg sắt ; 14mg magiê; 24mg phốt pho...
Đặc biệt, trong một quả cà tím còn chứa 13 loại hợp chất phenolic có khả năng chống lại ung thư và hỗ trợ điều trị ung thư.
Món cà tím bung rất được ưa chuộng trong mâm cơm truyền thống gia đình Việt.
Cà tím có khả năng phòng ngừa những căn bệnh ung thư vì nó còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng tiêu diệt các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy cà tím có các chất chống oxy hóa, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm mức độ cholesterol xấu (LDL) và chất béo trung tính. Cà tím cũng có nhiều chất xơ và rất ít calo nên nó trở thành thực phẩm tuyệt vời giúp phụ nữ giảm cân hiệu quả.
Dù rất bổ dưỡng nhưng có 4 lưu ý khi ăn cà tím
Trong Đông y, cà tím vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu viêm, tiêu ung nên được sử dụng để chữa các chứng ung nhọt, lở loét, chốc lở ngoài da.
Tuy nhiên theo các chuyên gia Đông y, cà tím sẽ chỉ phát huy hết tác dụng khi được ăn điều độ, đúng cách. Cần lưu ý một số điều dưới đây khi ăn.
1. Không nên tiêu thụ quá nhiều cà tím
Cà tím tốt nhưng không nên lạm dụng bởi chúng có chứa solanine - chất chống được ung thư nhưng lại có thể tác động đến các trung tâm hô hấp, gây ngộ độc nếu ăn nhiều.
Đáng nói, chất solanine không tan trong nước vì vậy xào nấu, đun sôi và các phương pháp khác không thể phá hủy được chất này.
Không nên ăn nhiều cà tím trong cùng một thời điểm.
Bạn có thể ngâm cà tím bằng nước muối trước khi nấu hoặc cho chút giấm vào quá trình chế biến cà tím để thúc đẩy sự phân hủy của solanine.
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để phòng ngừa ngộ độc solanine đó là kiểm soát lượng ăn vào.
Nếu mỗi người ăn khoảng 250 gram cà tím/mỗi bữa thì sẽ không gây ra bất kỳ sự khó chịu nào.
2. Không nên nướng cà tím
Cà tím tốt nhất khi nấu canh, ngược lại chế biến bằng cách nướng cà tím trực tiếp trên lửa có thể làm mất đến 50% lượng vitamin trong cà tím.
Nướng cà tím trực tiếp trên lửa có thể làm mất đến 50% lượng vitamin
Chiên cà tím cũng không được khuyến khích vì cà tím có xu hướng hút rất nhiều dầu, ăn nhiều món này gây tăng cân nhanh.
3. Những nhóm người không nên ăn cà tím
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), cà tím có tính hàn, vì vậy những người yếu mệt hay thể trạng kém cũng không nên ăn nhiều và thường xuyên.
Cà tím có tính hàn.
Người mắc bệnh thận nên hạn chế, những người hen suyễn, bệnh dạ dày, lá lách không nên ăn.
Ngoài ra, nhóm người mắc bệnh dạ dày tránh ăn nhiều cà tím vì dễ gây ra tiêu chảy nặng.
4. Không nên kết hợp cà tím và thịt cua
Trong Đông y, cà tím và cua đều là thực phẩm tính mát, sự kết hợp giữa 2 món này có thể gây lạnh bụng, hại cho dạ dày và sẽ dẫn đến tiêu chảy.