Dù là loại rau quen thuộc được nhiều gia đình sử dụng nhưng ăn mồng tơi sai cách có thể gây hại cho sức khỏe.
Mồng tơi là loại rau quen thuộc trên mâm cơm gia đình Việt. Loại rau này có thể kết hợp chế biến thành nhiều món như nấu cùng cua đồng, thịt băm hay canh mồng tơi - mướp hương…
Dù là loại rau giàu dinh dưỡng, nhất là các loại vitamin, các chuyên gia cho rằng việc ăn nhiều rau mồng tơi không hề tốt, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe nếu bảo quản và sử dụng sai cách.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, rau mồng tơi tuyệt đối không được ăn sống, kể cả khi đã nấu chín cũng không ăn khi đã để qua đêm, dù bảo quản trong tủ lạnh.
Tuyệt đối không ăn rau mồng tơi sống: Theo PGS Lâm, đặc tính của rau mồng tơi là có nhiều chất nhầy (nhớt) nên nếu ăn sống sẽ gây tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Bởi vậy, phải nấu chín trước khi ăn, khi nấu không nên đun quá kỹ vì sẽ gây nồng và mất nhiều giá trị dinh dưỡng.
Không nên ăn mồng tơi sống hoặc đã nấu chín để tủ lạnh qua đêm. (Ảnh minh hoạ)
Không ăn khi để qua đêm, kể cả bảo quản trong tủ lạnh: Rau mồng tơi thường được nấu với canh cua đồng, nhiều gia đình vì tiếc nên bảo quản tủ lạnh khi không sử dụng hết. Đây là một sai lầm thường gặp và cần từ bỏ ngay. Bởi rau mồng tơi rất nhanh bị hỏng dù bảo quản trong tủ lạnh, ngoài ra khi nấu lại rau nhanh nát, không còn giá trị dinh dưỡng.
Ngoài ra, trong rau xanh nói chung và mồng tơi nói riêng có hàm lượng nitrat khá nhiều, nếu nấu chín bảo quản lâu (qua đêm) dễ bị vi khuẩn phân hủy, khi đó nitrat sẽ tạo thành nitrite - một chất không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Rau mồng tơi vẫn ăn lẩu được nhưng không ăn nhiều và không nên nhúng quá kỹ.
Gần đây, một số người cũng chia sẻ rằng rau mồng tơi không nên ăn cùng lẩu hải sản, lẩu bò… vì kỵ nhau và dễ gây ngộ độc. Về điều này, theo PGS Lâm, đây là các thông tin thiếu căn cứ khoa học.
“Rau mồng tơi rất nhuận tràng nên một số người khi ăn nhiều cùng với lẩu hải sản dễ gặp tình trạng tiêu chảy. Do vậy nhiều người nghĩ 2 thực phẩm này kỵ nhau và truyền tai về việc không nên ăn cùng. Tốt nhất khi ăn mồng tơi dù là dùng canh, hay ăn kèm lẩu cũng nên ăn chín tới, không nên ăn quá nhiều”, PGS Lâm khuyến cáo.
Về phương diện đông y, lương y Bùi Hồng Minh - Phó chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, mồng tơi có rất nhiều tác dụng, trong đó tác dụng nhuận tràng là rõ ràng nhất. Tuy nhiên, vị lương y này cũng khuyến cáo không nên ăn quá nhiều mồng tơi vì sẽ làm giảm hấp thu, gây tiêu chảy, thậm chí sỏi thận.
Người bị sỏi thận, gút không nên ăn rau mồng tơi.
Theo lương y Hồng Minh, trong mồng tơi có lượng axit oxalic khá cao, có khả năng liên kết với canxi, sắt, khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Cũng vì hàm lượng axit oxalic cao nên chất này dễ chuyển hóa thành axit uric nếu ăn nhiều mồng tơi, làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, tích tụ trong cơ thể lâu dễ gây bệnh gút, sỏi thận.
“Khi ăn mồng tơi chỉ nên sử dụng 2-3 lần/1 tuần, mỗi lần ăn với lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều cùng một lúc. Ngoài ra, những người đang bị gút, sỏi thận không nên ăn loại rau này vì như đã phân tích, nó làm tích tụ axit uric trong cơ thể”, lương y Bùi Hồng Minh khuyến cáo.