Việc một số chung cư ở TP. HCM ghi nhận các ca COVID-19 tại những căn hộ cùng tòa hay trên một trục khiến không ít cư dân các khu đô thị lo lắng. Vậy nguy cơ lây lan tại các khu này ra sao, làm thế nào để phòng tránh? Các chuyên gia sẽ giải đáp trong bài
Ngày 2/8, một chung cư tại quận 4, TP HCM phát hiện 5 người ở hai căn hộ sát nhau dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó vài ngày, khu này có thêm gần 10 ca ở các tầng khác, trong đó có một số ca sống ở những căn hộ cùng một trục. Cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã phát tán qua ô thông khí chung, Ban quản lý chung cư này đã khuyến cáo cư dân đóng kín cửa chính, cửa thông gió nhà vệ sinh, ô thông gió giao với các khu vực dùng chung như hành lang tòa nhà.
BQL một khu chung cư tại TP. HCM gửi khuyến cáo đến các hộ dân về việc phòng tránh lan truyền virus qua không khí và hệ thống thoát nước sàn.
Việc phát hiện các ca dương tính tương tự cũng ghi nhận tại một số khu khác ở TP. HCM thời gian qua khiến không ít người lo lắng về khả năng lây truyền bệnh qua hệ thống thông gió ở các khu chung cư.
Có hay không nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 qua hệ thống thông gió tại chung cư?
Theo PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ở chung cư, cũng như các không gian cộng đồng khác, khả năng lây nhiễm COVID-19 cao nhất là qua tiếp xúc trực tiếp, kế đó là khi ở chung trong cùng không gian kín (chung phòng, chung thang máy - mà người bệnh không đeo khẩu trang, nói, ho), tiếp đó là qua các đồ vật, bề mặt tiếp xúc chung như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, phím bấm thang máy)... Khả năng lây lan qua hệ thống thông gió khá ít và hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra cụ thể.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.
Ở góc độ kiến trúc xây dựng, theo kiến trúc sư Hà Nhật Tân (TP.HCM), nếu virus sống được vài tiếng trong điều kiện không khí có độ ẩm 60-90% và nhiệt độ 25-30 độ thì sẽ có xác suất lây lan theo hệ thống thông gió.
Ông Tân cho biết, chung cư ở Việt Nam hiện nay thường được thiết kế để thông thoáng theo 2 cách: thông gió ngang và thông gió đứng.
“Thông gió ngang thì thổi xuyên từ căn hộ nọ sang căn hộ kia qua hành lang. Chỉ cần hai cửa mở trên hành lang là có gió xuyên phòng, bất kể đối diện hay không. Block chung cư càng lớn về khối tích, loại gió này càng mạnh. Thêm vào đó, vì áp lực gió biến thiên theo chiều cao, cho nên càng lên cao gió càng mạnh.
Còn thông gió đứng là những luồng gió trong giếng trời. Nó là luồng không khí bị hun nóng (do nấu nướng, máy điều hoà, nhiệt tỏa từ con người) mà bốc từ dưới thấp lên cao. Miễn trên 10m là tạo thành gió theo hiệu ứng ống khói. Vì thế các phòng vệ sinh hoặc phòng ốc có cửa thông ra giếng trời đều có thể bị ô nhiễm theo luồng gió này”, kiến trúc sư Hà Nhật Tân giải thích.
Theo ông, đứng trên góc độ thông gió thì virus sống càng lâu càng có khả năng phát tán. Nếu hành lang và căn hộ trong chung cư không nhận được ánh sáng tự nhiên thì sẽ càng tạo thuận lợi cho virus.
Từng là một kiến trúc sư trước khi theo đuổi ngành y, PGS.BS gốc Việt Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran), Đại học Y khoa California Northstate University, Sacramento, California (Mỹ), cũng cho rằng, virus Sars-Cov-2 có thể lây nhiễm theo hệ thống thông gió dọc hoặc ngang.
PGS.BS Trần Huỳnh, Đại học Y khoa California Northstate University, Sacramento, California (Mỹ),
Theo bác sĩ, ở các khu chung cư, nhất là nơi có mật độ đông và thông gió kém, khi có người bị nhiễm, virus Sars-cov-2 có thể phát ra ngoài không khí qua các hạt li ti nếu người bệnh hắt hơi, nói to, cười, rồi phát tán theo đường thông gió lên hay xuống tùy theo mùa, dựa theo nguyên lý Stack.
“Đây là nguyên lý cơ bản của thông gió tự nhiên dựa vào sự khác biệt về nhiệt độ và áp lực giữa hai nơi. Vào mùa đông, khi nhiệt độ ngoài trời lạnh hơn trong nhà, không khí nóng do nấu nướng, dùng dụng cụ bên trong nhà sẽ bay lên cao. Vào mùa hè, khi không khí bên ngoài nóng hơn, thì không khí có thể chạy ngược vào trong, đi xuống bên dưới. Tóm lại, tùy vào nhiệt độ chênh lệch mà không khí sẽ di chuyển theo các hướng khác nhau. Điều này cũng giải thích vì sao có thể lây nhiễm ngang giữa những căn hộ cùng tầng với nhau, không nhất thiết phải cao hay thấp”, bác sĩ Trần Huỳnh giải thích.
Làm thế nào để hạn chế nguy cơ lây lan virus khi sống ở chung cư?
Theo bác sĩ Trần Huỳnh, ở các khu chung cư, thông gió đầy đủ là chìa khóa quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Ông đưa ra một số Khuyến cáo từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ về các cách cải thiện thông gió như:
- Mở thoáng các cửa sổ và cửa hướng ra tự nhiên để lấy không khí sạch
- Gắn thêm quạt để thổi không khí. Không nên vặn quạt tốc độ cao, không nhắm quạt vào người hay nhà khác mà hướng vào các khoảng mở trong nhà.
- Chỉnh sửa và thay thế hệ thống máy lạnh để tối ưu hóa luồng gió, tạo ra sự di chuyển không khí liên tục
- Dùng bộ lọc khí để lọc và tăng chất lượng không khí.
Còn kiến trúc sư Hà Duy Tân cho rằng, để tránh lây lan bệnh qua hệ thống thông gió, người dân sống tại chung cư nên mở các cửa quay ra ngoài thiên nhiên. Cửa chính (thường quay ra hành lang) chỉ mở khi cần ra ngoài và phải đóng lại ngay. Nên đóng cả cửa tiếp giáp giếng trời, đồng thời mở quạt hút phòng vệ sinh 24/24. Ngoài ra, nên đổ nước mỗi ngày vài lần cho các nhà vệ sinh ít sử dụng để bịt kín xi phông, ngăn các loại khí đi theo ống thoát giữa các tầng.
Với các gia đình có F0 cách ly tại nhà, nên ưu tiên để bệnh nhân ở các phòng tiếp giáp thiên nhiên, nơi có ánh nắng chiếu vào càng tốt, chú ý đậy nắp bồn cầu trước khi xả. Cảnh báo cho các căn hộ bên trên, bên dưới, đối diện để chú ý phòng tránh.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga cũng đồng tình với lời khuyên người dân chung cư nên hạn chế mở cửa chính ra hành lang bởi không gian chung này thường là chỗ gió quẩn, có thể chứa các giọt bắn lơ lửng...
Ông Nga cho rằng, nguy cơ lây lan virus qua hệ thống thông gió nếu có thì vẫn thấp hơn nhiều so với một số hình thức khác như tiếp xúc gần, dùng chung không gian kín, đụng chạm vào các bề mặt có chứa giọt bắn chứa virus… vì thế, người dân cần chú ý thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K.
Đặc biệt tuân thủ việc đeo khẩu trang và rửa tay xà phòng thường xuyên, khi cần. Chú ý lau sạch, khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc chung, nhất là bề mặt kim loại như tay nắm cửa, mặt bàn ghế, thang máy… Mỗi gia đình cố gắng giữ gìn không gian sống thoáng, sạch, đảm bảo khu vệ sinh thật sạch sẽ.
Với các F0 cách ly tại căn hộ thì cần sử dụng phòng và nhà vệ sinh riêng. Bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe cho bản thân theo hướng dẫn của cơ sở y tế, người bệnh cần tuân thủ việc cách ly trong phòng riêng, tránh tiếp xúc với người khác để hạn chế gây lây nhiễm.