Sữa đậu nành hay sữa tươi tốt cho sức khỏe hơn? Câu trả lời phụ thuộc vào cơ thể bạn.
Sữa đậu nành và sữa bò tươi được coi là hai thức uống quốc dân cho con người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt vào bữa sáng. Tuy nhiên, bạn có bao giờ tự hỏi loại sữa nào là tốt? Với vóc dáng, tuổi tác của bạn, sữa nào là phù hợp. Dựa trên việc so sánh các thông số sau đây của hai loại sữa, bạn có thể biết sữa nào hợp với mình.
Sữa đậu nành. (Ảnh minh họa).
Chất đạm
Cứ 100 gam sữa bò tươi chứa khoảng 3,6 gam protein, trong khi cứ 100 gam sữa đậu nành chứa khoảng 3 gam protein. Hàm lượng protein của cả hai không khác nhau nhiều và đều thuộc loại protein chất lượng cao.
Tuy nhiên, sữa đậu nành có thành phần chủ yếu là đạm đậu nành, được bao bọc bởi lớp màng xơ xung quanh, tỷ lệ tiêu hóa và hấp thu chỉ đạt 70-80%. Trong khi đó, sữa bò thành phần chủ yếu là casein, tiếp đến là đạm whey, albumin huyết thanh, globulin miễn dịch, tỷ lệ tiêu hóa protein và enzyme khoảng 96%.
Ngoài ra, đạm động vật có đủ 8 loại axit amin thiết yếu, nhưng đạm thực vật lại thiếu tryptophan.
Chất xơ
Chất xơ là một thành phần vô cùng quan trọng với cơ thể con người. Chất xơ có thể kích thích nhu động ruột, bảo vệ đường ruột, giảm táo bón, được công nhận là "chất dinh dưỡng lớn thứ bảy".
Trong sữa tươi về cơ bản không chứa chất xơ. Tuy nhiên, cứ 100g sữa đậu nành có hàm lượng chất xơ khoảng 1,1g.
Chất béo và cholesterol
100 gam sữa bò có khoảng 3,2 gam chất béo và 15 mg cholesterol; trong khi 100 gam sữa đậu nành có khoảng 1,6 gam chất béo và 0 cholesterol.
Chất béo trong sữa tươi chủ yếu là chất béo bão hòa, chiếm 65%, chức năng chính là cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra trong sữa tươi còn có một lượng nhỏ axit linoleic liên hợp, có thể giúp giảm nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hóa và bệnh tim mạch.
Sữa đậu nành chứa 85% chất béo là chất béo không bão hòa, trong đó hàm lượng lecithin và cephalin rất phong phú, không những có thể duy trì tế bào não mà còn có thể ức chế sự hấp thu cholesterol của cơ thể.
Do đó, đối với người mỡ máu cao, sữa đậu nành có vẻ lành mạnh hơn nhưng đối với người khỏe mạnh, sự khác biệt về chất béo giữa sữa và sữa đậu nành thực sự không đáng kể.
Sữa tươi giàu hàm lượng vitamin hơn sữa đậu nành. Sữa tươi không chỉ chứa vitamin A và D - thứ không có trong sữa đậu nành, mà còn chứa hàm lượng vitamin B2 và B6 cao hơn sữa đậu nành.
Canxi
Hàm lượng canxi trong 100 gam sữa tươi là khoảng 104 mg, chủ yếu là canxi whey với tỷ lệ hấp thu cao tới 98%. Trong khi đó, hàm lượng canxi trong 100 gam sữa đậu nành khoảng 5 mg, có thể gây hình thành sỏi canxi oxalat và canxi sỏi photphat sau khi vào cơ thể con người. Thêm vào đó, hạt đậu chứa nhiều canxi nhưng sau khi pha thêm nước và xay thành sữa đậu nành thì hàm lượng này bị pha loãng xuống còn rất thấp.
Sữa tươi từ bò có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. (Ảnh minh họa).
Phép so sánh trên cho thấy rằng hai loại thức uống khác nhau là sữa đậu nành và sữa tươi đều có những ưu điểm riêng. Các nhà nghiên cứu chỉ ra, sữa đậu nành và sữa tươi không thể thay thế cho nhau, chỉ có uống cả sữa đậu nành và sữa bò tươi thì chúng ta mới có thể cùng lúc nhận được lợi ích của cả hai loại thức uống này. Đối với người khỏe mạnh, bạn có thể uống lần lượt sữa đậu nành và sữa tươi mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cả sữa đậu nành và sữa tươi đều có những chống chỉ định nhất định.
+ Những người bị dị ứng với protein sữa không nên sử dụng sữa tươi và các chế phẩm từ sữa. Những người không dung nạp đường sữa có thể chọn sữa chua hoặc sữa ít đường sữa có bổ sung lactase.
+ Sữa đậu nành tính lạnh, người khó tiêu, có thể gây ợ hơi, những ai chức năng thận kém nên hạn chế uống. Ngoài ra, những người bị viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày bề mặt mãn tính không nên ăn các sản phẩm từ đậu nành để không kích thích dạ dày tiết axit quá mức làm nặng thêm tình trạng bệnh, gây đầy hơi.