Có vẻ như hiện nay, những ai chưa mắc COVID-19 mới là “hiếm có, khó tìm”. Vậy lý do gì khiến một số người, dù nhiều lần từng tiếp xúc với F0 nhưng vẫn mãi “bất tử”, không bị mắc bệnh?
Tại Anh, “câu lạc bộ những người không nhiễm COVID-19” có khoảng 30 triệu người, theo một mẫu khảo sát từ Đại học Cambridge hồi tháng 2. Họ nói rằng khoảng một nửa số người trưởng thành ở nước này vẫn chưa từng mắc bệnh dịch.
Nhiều người trong chúng ta khá quen thuộc với tình huống này trong đại dịch: Một thành viên trong gia đình có triệu chứng, test nhanh dương tính với COVID-19, sau đó mọi người trong nhà đều lần lượt lên 2 vạch, nhưng vẫn có một người may mắn hoàn toàn không mắc. Tại sao điều này xảy ra?
Các chuyên gia, bao gồm Richard Stanton, giáo sư khoa virus, Trường Y tại Đại học Cardiff (Anh) đưa ra một số giải thích:
Do gen
Khả năng miễn dịch khác biệt giữa người này với người khác một phần do sự hình thành cấu trúc gen của họ.
Giáo sư Stanton cho biết: “Mọi người có sự khác biệt về khả năng miễn dịch tốt hay không là do có các gen khác biệt.
Một số nghiên cứu cho thấy những người hấp dẫn có hệ thống miễn dịch tốt hơn, từ đó ít mắc COVID-19. (Ảnh minh họa)
Một số nghiên cứu đã đưa ra mối liên quan giữa gen và khả năng miễn dịch trong thời kỳ đại dịch vừa qua. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford chỉ ra rằng một chuỗi DNA làm tăng gấp đôi nguy cơ chết do COVID-19 - và những người ở Nam Á thường hay mang gen này.
Đại học Imperial ở London (Anh) cũng phát hiện sự khác biệt giữa hệ thống miễn dịch của mọi người "ít nhất tạo ra sự khác biệt đối với việc bạn có mắc bệnh thể hiện triệu chứng hay không". Nghiên cứu này tập trung vào các gen kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA) khác nhau, với một số loại HLA có liên quan đến nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng cao hơn hoặc thấp hơn.
Danny Altmann, giáo sư về miễn dịch tại Imperial cho biết: Các gen chính quyết định phản ứng miễn dịch của bạn được gọi là gen HLA. Chẳng hạn những người có gen HLA-DRB1*1302 có khả năng khá cao sẽ nhiễm bệnh có triệu chứng.
Nhóm khác giả thiết rằng những người có vẻ ngoài hấp dẫn thì có miễn dịch tốt hơn và do đó ít mắc COVID-19 hơn.
Từng nhiễm bệnh do virus khác trước đây
Miễn dịch được tạo thành từ những lần nhiễm trùng trước đây mà nhiều khi chính bạn không biết. Nhưng đó có thể là lý do bạn bè đã lần lượt là F0 mà bạn vẫn “bất tử”.
Từng mắc cảm lạnh có thể cũng giúp bạn tạo miễn dịch chống lại COVID-19 tốt hơn. (Ảnh minh họa)
Giáo sư Stanton cho biết: “Có khả năng trước đây bạn từng nhiễm một số loại virus cảm lạnh thông thường và cơ thể bạn có đủ “trí nhớ” miễn dịch giúp đương đầu tốt hơn với COVID-19.
Các nghiên cứu cho thấy có sự phát triển chéo giữa khả năng chống lại cảm lạnh thông thường và bảo vệ cơ thể khỏi COVID-10. Điều đó có thể gợi ý rằng, ngay cả khi ai đó đã tiếp xúc với COVID-19, hệ miễn dịch của họ có thể đánh bại virus trước khi nó gây ra bất cứ triệu chứng nào.
Các nhà khoa học Đại học Imperial London thấy rằng ho và hắt xì thông thường thúc đẩy các tế bào máu trắng gọi là tế bào T, có thể nhận diện một số loại virus.
Khả năng miễn dịch chống lại vi trùng nói chung bị giảm đáng kể do cách ly cộng đồng, vì vậy vẫn chưa rõ mức độ liên quan giữa các lớp bảo vệ này ra sao.
Các biến thể
Chúng ta đều biết có nhiều biến thể COVID-19 trong hơn 2 năm qua, trong đó có Alpha, Delta, Omicron và Beta.
Một số chủng virus có ưu điểm sinh học nên dễ lây lan hơn, kể cả trong các hộ gia đình.
Giáo sư Stanton cho biết: “Omicron dễ lây truyền hơn Delta và vì vậy nếu trong gia đình có một người mắc Omicron, cả nhà dễ cùng nhiễm hơn, so với Delta”.
Dòng ưu thế hiện tại, Omicron BA.2, có tỷ lệ tấn công thứ cấp cao, có nghĩa là nó có nhiều khả năng lây từ người sang người hơn các biến thể trước đó.
Sự may rủi
“Cuối cùng, đó có thể chỉ là một sự may rủi, dựa trên lượng virus mà người bị nhiễm có trong miệng của họ, và tần suất (cũng như mức độ gần gũi) những người khác tương tác với họ”, Giáo sư Stanton giải thích.
Thật khó tin rằng sau 2 năm, một người may mắn tránh được hoàn toàn COVID-19.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố đóng vai trò trong sự may mắn của họ. Chẳng hạn, một người làm việc tại nhà, sống một mình, thường mua thực phẩm trên mạng thì khả năng nhiễm COVID-19 sẽ ít hơn. Trong khi những người làm việc phải tiếp xúc nhiều, như ở cửa hàng, trung tâm chăm sóc người bệnh hay bệnh viện hoặc người sống chung đông đúc, thì khả năng mắc cao hơn.
Được bảo vệ bởi vắc xin
Tiêm vắc xin vẫn là cách hữu hiệu giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh hay trở nặng do COVID-19. (Ảnh minh họa)
Phần đông dân số hiện đã được tiêm vắc xin ngừa bệnh (một, hai hoặc 3 mũi). Tuy nhiên, khả năng miễn dịch ở mỗi người sẽ không giống nhau vì kháng thể chống lại COVID-19 cao nhất quanh 3 tuần sau tiêm. Miễn dịch sẽ suy yếu dần sau vài tháng, vì thế cần có mũi tiêm nhắc lại.
Andrew Freedman, một học giả về bệnh lây truyền tại Đại học Cardiff (Anh) nói với CNBC lý do một số người nhiễm COVID-19 trong khi một số khác thì không "có lẽ liên quan đến khả năng miễn dịch do tiêm chủng, nhiễm trùng trước đó hoặc cả hai".
“Chúng ta đều biết nhiều người vẫn mắc Omicron (hầu hết là nhẹ) mặc dù đã được tiêm đủ vắc xin, bao gồm cả mũi tăng cường. Tuy nhiên, vắc xin vẫn giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh và phản ứng với mỗi người mỗi khác. Vì vậy một số người có thể nhiễm và những người khác thì không mặc dù tiếp xúc gần.
Bạn đã thực sự nhiễm bệnh mà không biết
Nhiều người “bất tử” khó tin vào khả năng thực ra họ từng mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng.
Khoảng ⅓ số người nhiễm virus hầu như không có triệu chứng gì. Chỉ xét nghiệm mới phát hiện được các ca không triệu chứng.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng mỗi người có tải lượng virus khác nhau, điều này góp phần vào việc họ thải ra bao nhiêu virus. Có vẻ như ở những người có tải lượng virus thấp - tức virus chưa nhân lên mạnh mẽ trong cơ thể nên họ có ít virus hoàn chỉnh hơn - các xét nghiệm PCR có thể cho kết quả âm tính giả.
Nếu bị nhiễm bệnh, những người được chủng ngừa có nhiều khả năng tạo ra tải lượng virus thấp và các triệu chứng nhẹ hơn.
Cần những nghiên cứu sâu hơn
Khái niệm về những người “không bao giờ mắc COVID-19” đã thúc đẩy các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu.
Các chuyên gia bệnh lây truyền khắp toàn cầu đang tìm hiểu tại sao một số người dường như được bảo vệ một cách tự nhiên. Tiến sĩ Rhia Kundu, tác giả đầu tiên của nghiên cứu tại Đại học Imperial, cho biết rằng “tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 không có nghĩa là sẽ nhiễm bệnh và chúng tôi đang tha thiết muốn hiểu tại sao”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Kundu cũng cảnh báo rằng không ai nên tự tin vào ý tưởng rằng mình có siêu miễn dịch với COVID-19 chỉ vì chưa mắc. “Thay vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ chính mình khỏi COVID-19 vẫn là tiêm chủng đầy đủ, bao gồm cả mũi tăng cường”.
Vắc xin COVID-19 được chứng minh là giúp giảm nhiễm trùng nặng, phải nhập viện và tử vong, đồng thời vẫn có hiệu quả rộng rãi chống lại nhiều biến chủng virus.