Bạn thích thanh long ruột đỏ hay trắng? Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan Li Wanping đã chỉ rõ ra những ưu thế của từng loại để mọi người có thể đưa ra lựa chọn tốt nhất.
Từ tháng 5 đến tháng 10 là thời điểm thanh long vào mùa. Loại quả này ngọt, chua dịu lại dễ ăn nên được nhiều người yêu thích. Có 2 loại thanh long được sử dụng phổ biến là thanh long trắng và đỏ, loại trắng có vị chua hơn và loại đỏ thì ngọt hơn. Vậy ăn loại nào tốt hơn?
Giá trị dinh dưỡng cao, khả năng chống oxy hóa vượt trội so với kiwi và cherry
Thanh long có hàm lượng dinh dưỡng cao, chất anthocyanin còn nhiều hơn cherry, kiwi. (Ảnh minh họa)
Giá trị dinh dưỡng của thanh long cực kỳ cao, giàu anthocyanin, canxi, phốt pho, sắt và các khoáng chất khác, vitamin B1, B2, B3, B12, C,.... protein và chất xơ hòa tan trong nước, có tác dụng chống oxy hóa và chống gốc tự do, có tác dụng bảo vệ thành dạ dày của con người.
Anthocyanin tự nhiên có trong thanh long là một chất chống oxy hóa rất tốt. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Sư phạm Changhua (Đài Loan), hàm lượng anthocyanin trong thanh long đỏ gấp 15 lần so với quả cherry và 28 lần so với nho đỏ nhập khẩu, kiwi.
Lượng calo trong 100g thanh long chưa đến 60 calo lại nhiều chất xơ nên là loại trái cây tốt cho việc bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên thanh long có vị ngọt thanh nhẹ, đường trong cùi chủ yếu là đường glucose tự nhiên dễ hấp thu nhưng người bệnh tiểu đường vẫn không thể ăn quá nhiều.
Thanh long đỏ hay trắng, cái nào có nhiều lợi thế hơn?
Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan Li Wanping gần đây đã đăng trên trang Facebook cá nhân để so sánh 2 loại thanh long này xem loại nào tốt hơn. Trước tiên, nhìn chung cả hai loại đều giàu axit hữu cơ và khoáng chất như kali, sắt và axit folic, đồng thời chứa chất xơ tốt, polyphenol, và flavonoid và các chất hóa học thực vật khác.
Tuy nhiên, trong thanh long đỏ chứa chất betalain dồi dào hơn thanh long trắng. Betalain là các sắc tố chứa nitơ hòa tan trong nước bao gồm hai nhóm cấu trúc như betaxanthin màu cam vàng và betacyanin màu tím đỏ, nó là nguyên nhân khiến một số loại rau củ quả có màu đỏ hoặc cam vàng. Betalains là chất chống oxy hóa có lợi cho việc giảm viêm, giải độc cơ thể, ngừa ung thư và ngăn ngừa nguy cơ lão hóa sớm.
Dù vậy, thanh long trắng cũng không hề thua kém khi chứa chất xơ nhiều hơn so với thanh long đỏ. Tính trên 100 gam thanh long ruột trắng chứa 1,7g chất xơ, trong khi thanh long ruột đỏ chứa 1,3g chất xơ. Một quả thanh long trung bình có thể cung cấp 6-7g chất xơ, gần bằng 1/3 lượng chất xơ mà người lớn cần mỗi ngày. Vì vậy, đối với những người bị táo bón, thanh long ruột trắng là lựa chọn tốt hơn.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là hầu hết chất folate thường có nhiều trong các loại trái cây và rau củ có màu đậm nhưng thanh long trắng lại chứa hàm lượng không hề nhỏ. Đối với những bà bầu dễ bị táo bón trong giai đoạn đầu hoặc cuối của thai kỳ, ăn thanh long trắng có thể cung cấp bổ sung dinh dưỡng kép gồm axit folic và chất xơ.
Ăn thanh long nhuận tràng, đừng nhầm lẫn với tiêu chảy
Ngoài ra, chuyên gia Li Wanping cũng tiết lộ rằng một số bệnh nhân cô từng điều trị đã mô tả cảm giác dễ bị tiêu chảy sau khi ăn thanh long. Nhưng khi hỏi thăm cẩn thận mới phát hiện ra đó không phải triệu chứng đau bụng hay tiêu chảy mà đó chính là tác dụng nhuận tràng của thanh long.
Nếu bạn ăn một quả thanh long đã gọt bỏ vỏ cỡ khoảng 300g thì bạn có thể hấp thụ 5g chất xơ mà lại dễ ăn hơn cả rau. Do đó, sau khi ăn nhiều thanh long, việc nhu động ruột trở nên trơn tru là điều dễ hiểu.
Thanh long giàu chất xơ giúp nhuận tràng rất tốt. (Ảnh minh họa)
Thậm chí đã có một nghiên cứu tìm hiểu về việc sử dụng thanh long như một biện pháp can thiệp chế độ ăn uống để giải quyết vấn đề táo bón của người già trong các viện dưỡng lão. Người ta thấy rằng bất kể đối tượng tham gia ăn thanh long đỏ hay trắng, họ đều có thể đại tiện dễ dàng, kết cấu phân có xu hướng mềm hơn và tần suất đi tiêu hàng tuần cũng tăng lên, điều này cũng có thể làm giảm việc sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc các phương pháp điều trị như thụt tháo.
Những đối tượng nên lưu ý khi ăn
Mặc dù giá trị dinh dưỡng của thanh long cao lại ít cao, nhưng chuyên gia Li Wanping vẫn nhắc nhở rằng nó nên ăn vừa phải. Do thanh long chứa khoảng 220 mg kali nên không phù hợp với bệnh nhân thận mãn tính có chế độ ăn phải hạn chế kali. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân bị tăng huyết áp đơn thuần và không có vấn đề gì về thận, ăn thanh long có thể giúp cơ thể loại bỏ các ion natri dư thừa và điều hòa huyết áp. Còn bệnh nhân tiểu đường lo lắng về lượng đường trong trái cây thì nên ăn cỡ khoảng 2 cốc là đủ.