Trong thời tiết nắng nóng, ngoài nước đun sôi để nguội, bạn có thể uống nước thêm một số nguyên liệu này vừa có thể làm dịu cơn khát, đồng thời tăng cường lợi ích cho sức khỏe.
Vào mùa hè oi bức, cơ thể con người đổ mồ hôi nhiều hơn, nếu không uống nước kịp thời, dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, gây sỏi tiết niệu và có thể làm tăng độ nhớt của máu. Trong thời tiết nắng nóng, ngoài nước đun sôi để nguội, bạn có thể uống nước thêm một vài nguyên liệu khác như chanh, mật ong,... vừa có thể làm dịu cơn khát, đồng thời tăng cường lợi ích cho sức khỏe.
Thêm 5 loại nguyên liệu này vào nước đun sôi để nguội, giúp nước có “hương vị” vừa ngon lại bảo vệ sức khỏe.
1. Nước mật ong: Tăng cường bổ sung nước
Mật ong rất giàu đường fructose và có khả năng hấp thụ nước mạnh, có thể đưa các phân tử nước vào ruột non và ruột già, kéo dài thời gian giữ nước trong ruột và đóng một vai trò nhất định trong việc hydrat hóa. Nếu bạn vẫn cảm thấy rất khát sau khi uống nước lọc, hãy uống một ít nước mật ong nhạt, uống từ từ, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Tuy nhiên, nước mật ong không có lợi đối với bệnh nhân bị tiểu đường, bệnh nhân bị gút và trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
Bạn có thể thêm 1 thìa mật ong vào 500 ml nước, độ nhạt vừa đủ, tối đa 2 thìa mỗi ngày và giảm lượng thức ăn chủ yếu để giảm gánh nặng về hàm lượng đường cho cơ thể.
2. Nước chanh: Tăng cảm giác thèm ăn
Do bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên vào mùa hè, cảm giác thèm ăn của mọi người sẽ giảm. Uống một ít nước pha chanh chua có thể kích thích tiết dịch vị và giúp tiêu hóa. Ngoài ra, chanh còn chứa nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe như flavonoid, hesperidin, naringin…. Khi ngâm nước chanh, bạn hãy cố gắng chọn những quả chanh tươi và cắt thành từng lát mỏng sẽ giúp mùi thơm của chanh được hòa tan.
Nhiệt độ nước không quá 30 độ C, nên cắt chanh thành các lát vẫn còn nguyên vỏ, 3 lát chanh pha với 1 lít nước, uống đến khi nào không còn hương chanh thì thay chanh mới. Chanh thái lát nếu còn thừa nên cho vào túi bảo quản tươi để giữ trong tủ lạnh.
3. Nước mướp đắng: Thanh nhiệt, giải độc
Theo ghi chép trong sách y dược cổ truyền của Trung Quốc: "Mướp đắng có tác dụng “trừ tà nhiệt, giải độc, giải trừ mệt mỏi, dưỡng tim và cải thiện thị lực”. Y học hiện đại cho rằng, chất momordica charantia là một chất kết tinh thu được từ chiết xuất ethanol của quả mướp đắng, momordica saponin, flavonoid và các hợp chất khác có thể làm giảm lượng đường trong máu, chống oxy hóa và nó có tác dụng nhất định trong việc kiểm soát cân nặng.
Nước mướp đắng không chỉ giúp giải nhiệt mà còn giúp những người bị bệnh tiểu đường, bệnh mỡ máu, bệnh huyết áp cao điều hòa nội tiết, cải thiện tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, những người tỳ vị hư nhược, huyết áp thấp, đường huyết thấp thì không thích hợp uống nước mướp đắng. Cắt mướp đắng thành những lát mỏng, ngâm với nước nóng khoảng 60°C hoặc đun sôi để nguội uống. Uống từ 300-500 ml nước mướp đắng mỗi ngày, không nên uống quá nhiều.
4. Nước gừng: Ngừa các bệnh do điều hòa
Ở lâu trong phòng điều hòa rất dễ cảm lạnh, nhức đầu, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy và các triệu chứng khác. Gừng có tác dụng thanh nhiệt, xua tan cảm mạo, khiến cơ thể tiết mồ hôi, giải cảm, nước gừng có tác dụng phòng và chữa “bệnh điều hòa”.
Mùa hè, đối với dân văn phòng nên thường xuyên uống nước gừng, bạn có thể lấy 3 đến 5 lát gừng hãm với nước sôi. Tuy nhiên, những người bị sốt, táo bón, hôi miệng không thích hợp uống nước gừng để tránh làm nặng thêm tình trạng khó chịu.
5. Nước muối nhạt: Bổ sung chất điện giải
Các ion muối vô cơ đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng ion của tế bào và duy trì hình thái tế bào. Những người hoạt động nhiều sẽ bị mất mồ hôi trầm trọng, đồng thời các chất điện giải trong cơ thể cũng bị mất theo. Ngoài việc thường xuyên khát nước, những người này luôn cảm thất cơ thể yếu hoặc buồn nôn, lúc này uống nước muối nhạt có thể bổ sung kịp thời các ion đã mất và ngăn ngừa các phản ứng khó chịu như hạ natri máu.
Cho 0,15 g (một thìa cà phê) muối vào 1 lít nước đun sôi để nước hơi mặn. Những người không ra nhiều mồ hôi không cần uống nước muối nhạt để tránh nạp quá nhiều natri.
Uống nước có nhiều lợi ích, nhưng hãy chú ý những điểm này
1. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, tốt nhất nên uống 1500-2000 ml nước mỗi ngày để đảm bảo cơ thể hấp thụ và đào thải nước về cơ bản là như nhau.
2. Nên uống từng ngụm nước nhỏ, chia thành nhiều lần, tránh uống ngụm lớn một lúc, uống nước nhanh, bởi điều này sẽ gây thêm áp lực cho mạch máu.
3. Không nên đợi đến khi cơ thể khát mới uống nước, ngay cả khi không khát cũng phải thường xuyên uống nước và đi tiểu đều đặn để đề phòng nhiễm trùng và sỏi đường tiết niệu.
4. Mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, bạn có thể uống khoảng 200ml nước ấm để giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm độ dính của máu.
5. Nhiệt độ của nước uống vào mùa hè nên tương đương với nhiệt độ cơ thể là 37℃. Đồ uống lạnh có thể gây kích ứng dạ dày và có thể gây viêm dạ dày ruột cấp tính; nước quá óng có thể làm hỏng thực quản.