Một cuộc tranh luận lớn về việc liệu chứng rối loạn này có thật hay không đang diễn ra trên mạng xã hội
Khi đi làm, chắc hẳn không ít lần bạn phải cố nghĩ ra một lý do nào đó để giải thích với cấp trên về việc tại sao đi làm muộn. Nhưng giờ đây, bạn có lẽ sẽ có một lý do chính đáng hơn để giải thích về việc ngày nào cũng đi muộn hay trễ deadline là do mắc chứng mù thời gian.
Cách đây không lâu, một video TikTok của cô gái trẻ chia sẻ bản thân đã bị mắng khi hỏi nhà tuyển dụng rằng liệu "công ty có thể chấp nhận những người mắc chứng mù thời gian hay không" khiến dân mạng xôn xao.
Cô gái trong đoạn video nổi tiếng đó tên là Chaotic Philosopher, tự nhận mình là người có vấn đề về thần kinh, đã than vãn về "nền văn hóa nơi người lao động bị cắt việc vì họ không thể đi làm đúng giờ". Đoạn video đầy nước mắt của cô gái đã thu hút hơn 5 triệu lượt xem và kéo theo nhiều tranh cãi.
Cô gái tên Chaotic Philosopher thừa nhận bản thân mắc chứng mù thời gian.
Nhiều người chê trách Chaotic nói dối, vô trách nhiệm và nói rằng mọi thứ có thể giải quyết bằng cách đặt báo thức. Bên cạnh đó, không ít người cũng đặt câu hỏi chứng mù thời gian là gì, liệu nó có tồn tại hay không.
Dù trong phần bình luận dưới đoạn video nổi tiếng, hầu hết mọi người đều nói rằng chứng bệnh đó là bịa đặt nhưng các nhà tâm lý học lại khẳng định nó là có thật. Họ cho rằng nó đặc biệt phổ biến ở những người bị ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý).
Smriti Joshi, nhà tâm lý học người Ấn Độ cho biết: "Có nhiều yếu tố liên quan đến ADHD, chẳng hạn như khó khăn trong việc ghi nhớ khi làm việc và sự tập trung, điều đó có thể góp phần gây ra cảm giác sai lệch về thời gian".
Mặc dù các chuyên gia đều không sử dụng thuật ngữ "mù thời gian" nhưng họ công nhận rằng những người mắc chứng ADHD có thể gặp vấn đề với việc tổ chức và quản lý thời gian".
Một số chuyên gia khác cho biết thêm rằng ngay cả khi bạn không mắc chứng ADHD thì vẫn có thể gặp vấn đề khó nắm bắt được thời gian chính xác. Sue Smith, nhà trị liệu tâm lý và người phát ngôn của Hội đồng Tâm lý trị liệu Vương quốc Anh (UKCP), khẳng định chấn thương thời thơ ấu cũng có thể dẫn đến chứng mù thời gian khi trưởng thành.
Các chuyên gia cho biết chứng mù thời gian có tồn tại. (Ảnh minh họa)
Theo Robert Common, nhà tâm lý học và chuyên gia sức khỏe tâm thần ở Campuchia, mù thời gian được dùng để chỉ việc không thể nhận ra thời gian đã trôi qua hoặc ước tính thời gian thực hiện một nhiệm vụ. Do đó, những người mắc bệnh có thể thường xuyên thấy mình bị trễ tàu xe, không hoàn thành công việc đúng thời hạn hoặc sẽ ước tính sai thời gian thực hiện một công việc nào đó.
Hiện tượng này không được định nghĩa là một tình trạng y tế, nhưng một số bác sĩ sử dụng nó như một cách nói về khái niệm không nắm bắt được thời gian. Theo bác sĩ Common, các triệu chứng phổ biến của chứng mù thời gian bao gồm:
- Thường xuyên không xác định được thời gian
- Không có khả năng giữ đúng lịch trình hay đến các cuộc hẹn đúng giờ
- Liên tục trễ deadline
- Hay mơ mộng
- Có lúc sẽ quá mải mê với một nhiệm vụ nào đó nhưng có lúc lại cảm thấy chẳng có gì quan trọng
- Không thể thực hiện bất cứ công việc nào khác nếu đang làm một việc nào đó
- Thường xuyên hứa hẹn làm việc gì đó nhưng đều thất hứa
- Cảm thấy bị mắc kẹt trong hiện tại
- Thường xuyên chần chừ, trì hoãn mọi việc.
Người mắc chứng mù thời gian thường không xác định được thời gian để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Common cũng cảnh báo rằng mù thời gian có thể bị nhầm lẫn với sự lười biếng hoặc ngu ngốc. "Nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn không tập trung hoặc coi trọng công việc", bác sĩ Common nói.
Bác sĩ cảnh báo thêm rằng các mối quan hệ cũng có thể bị ảnh hưởng nếu bạn phải lựa chọn giữa việc hoàn thành công việc hay ưu tiên bạn bè, gia đình hơn vì đôi khi điều này có thể bị nhầm lẫn là ích kỷ hoặc chỉ quan tâm tới bản thân. Ngay cả những đứa trẻ mắc chứng mù thời gian cũng có thể bị hiểu sai về trí tuệ và khả năng học tập.
Làm thế nào nếu mắc chứng mù thời gian?
Nhà tâm lý học Joshi gợi ý nên vạch ra các kế hoạch cụ thể và sử dụng đồng hồ hẹn giờ hay đặt báo thức trên điện thoại để nhắc nhở bản thân về các nhiệm vụ phải hoàn thành.
Các nhà tâm lý học cũng khuyên nên chia sẻ tình trạng của bản thân với bạn bè, gia đình để có thể giúp bạn theo dõi thời gian và thậm chí nhắc nhở bạn trước những công việc quan trọng như một cuộc họp, cuộc hẹn đi khám bệnh hoặc phỏng vấn xin việc.
Nếu bạn có người thân mắc phải tình trạng này cũng nên thông cảm cho họ. Tiến sĩ Elena Touroni, nhà tư vấn tâm lý và đồng sáng lập Phòng khám Tâm lý Chelsea ở London (Anh) nói: "Mặc dù điều đó có thể khiến bạn bực bội, nhưng hãy nhắc nhở bản thân rằng việc mù thời gian có thể là một thử thách thực sự với người mắc nó và tránh chỉ trích thái quá".
Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn nên nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia.