Hiện tượng hụt hơi là bình thường nếu bạn hoạt động quá mức. Nhưng nếu cảm thấy hụt hơi không có lí do hoặc hụt hơi một cách đột ngột có thể là một dấu hiệu không hay đang xảy ra với đường hô hấp hoặc tim.
Hiện tượng hụt hơi là bình thường nếu bạn hoạt động quá mức. Nhưng nếu cảm thấy hụt hơi không có lí do hoặc hụt hơi một cách đột ngột có thể là một dấu hiệu không hay đang xảy ra với đường hô hấp hoặc tim. Chẳng hạn một cơn hen suyễn có thể gây khó khăn cho không khí đi vào phổi hoặc khó thở kèm theo mặt mày tái mét là dấu hiệu đang có vấn đề nào đó xảy ra với tim.
Tim mạch và phổi
Hầu hết các trường hợp khó thở, hụt hơi là do tình trạng của phổi và tim. Phổi và tim có vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển oxy (O2) đến các mô và thải khí cacbon dioxit (CO2) ra khỏi cơ thể. Nếu một trong hai quá trình này gặp phải vấn đề, việc thở cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Một số bệnh thường gặp với tim và phổi khi bị hụt hơi:
Vấn đề về tim
- Bệnh cơ tim;
- Rối loạn nhịp tim;
- Suy tim;
- Viêm màng ngoài tim (sưng màng bao quanh tim).
Vấn đề về phổi
- Viêm thanh khí phế quản ở trẻ em;
- Ung thư phổi;
- Viêm màng phổi;
- Phù phổi (tình trạng tăng áp lực ở các mạch máu trong phổi khiến dịch thoát vào phế nang làm cản trở khả năng trao đổi oxy ở các phế nang);
- Tổn thương phổi và xơ phổi (gây sẹo và cứng phổi, dẫn đến khó thở);
- Tăng áp phổi (huyết áp các mạch máu trong phổi cao);
- Bệnh Sarcoidosis (gây ra do sự phát triển của các ổ viêm nhỏ tại nhiều cơ quan khác nhau, thường xảy ra nhất ở phổi, hạch bạch huyết, mắt và da);
- Bệnh lao.
Rối loạn hệ thần kinh thực vật
Những hiện tượng như hụt hơi, tim đập nhanh hoặc chậm, hay hồi hộp, chóng mặt, ngất, thỉnh thoảng có cảm giác đau tức ngực, đau nhói, nặng nề ở vùng tim, nhưng khi đi khám lại không phát hiện được các tổn thương bệnh lý ở van tim, cũng như khi đo điện tim không tìm thấy có những dấu hiệu biến đổi rõ ràng,... được gọi chung là rối loạn hệ thần kinh thực vật.
Đa số những trường hợp rối loạn hệ thần kinh thực vật xảy ra là do tình trạng không ổn định của hệ thần kinh trung ương và một phần của hệ thống thần kinh tự động trong tim gây ra.
Đối với bệnh này, cách điều trị tốt nhất là thay đổi lối sống như không nên thức quá khuya, không được sử dụng các chất kích thích như uống rượu, hút thuốc, uống trà đặc, cà phê... Người bệnh phải được nghỉ ngơi hoàn toàn trong một khoảng thời gian nhất định từ 1-3 tháng ở những nơi yên tĩnh; tránh bị xúc động quá mức hoặc căng thẳng thần kinh.
Nên ăn nhiều rau quả tươi, tập thể dục thể thao đều đặn với những môn thể thao hữu ích có lợi cho người bệnh như đi bộ, bơi lội, thái cực quyền... Ngoài những việc trên, người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc an thần khi xúc động mạnh, tim đập dồn dập, khó ngủ hoặc mất ngủ. Việc dùng thuốc phải tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Trầm cảm là bệnh khó nhận diện vì cùng với cảm giác hụt hơi, người bị trầm cảm còn có nhiều triệu chứng khác.
Sandy Walmsley – phát ngôn viên của Tổ chức Trầm cảm Anh quốc cho biết: “Có hai triệu chứng chính của trầm cảm, thứ nhất là buồn, lúc nào cũng ủ dột…; thứ hai là mất hứng thú, ví dụ trước đây thích mua sắm, đi ăn, nghe nhạc, nay không còn ham thích. Cả hai triệu chứng này diễn ra suốt ngày, và kéo dài trong vòng hai tuần”.
Bên cạnh đó, bệnh nhân trầm cảm còn có các triệu chứng khác như: mất ngủ, đang ngủ tỉnh dậy, mệt mỏi vào buổi sáng, chán ăn, sút cân (trong vòng hai tuần mất 5% cân nặng), rối loạn vận động: ít di chuyển, chậm chạp, tự đánh giá thấp bản thân, có ý tưởng tội lỗi, chán sống, muốn chết và kết thúc bằng hành vi tự sát…
Lo âu
Lo âu là tình trạng bệnh nhân có tâm lý luôn lo sợ, cho rằng có một điềm xấu đang tới. Về cơ thể, ngoài cảm giác hụt hơi còn có dấu hiệu tim đập nhanh, hồi hộp, dễ nổi nóng, chóng mặt, khó ngủ, cảm giác có cục gì đó trong cổ họng…
Những dấu hiệu nêu trên báo hiệu bệnh nhân đã bị lo âu cấp, mãn tính, cần có sự chẩn đoán chính xác từ bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.
Khi thấy người thân, nhất là phụ nữ sau khi sinh, người thân bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, viêm khớp, ung thư… có triệu chứng trầm cảm, cần đưa đi khám. Những bệnh nhân này cần có ý kiến của bác sĩ tâm thần phối hợp với bác sĩ chuyên khoa điều trị.