Trà bí đao là đồ uống giải nhiệt được không ít người thích và cảm thấy lành mạnh hơn các loại nước ngọt khác. Tuy nhiên nếu chế biến trà bí đao như thế này thì lợi cũng sẽ hóa hại.
Trà bí đao có những lợi ích gì? Khi nào trà bí đao thành hại
Theo Đông y, bí đao là một loại thực phẩm tốt trong mùa hè, có tính lạnh, vị ngọt. Nó có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, các bài thuốc Đông y hầu hết đều dùng hạt bí đao làm thuốc, có tác dụng thông phổi, thông ruột, tống mủ và làm ẩm đường ruột.
Bí đao là một loại rau quả có hàm lượng nước đáng kể, cứ 100g bí đao chứa 96g nước, ngoài ra còn có chứa vitamin C, hàm lượng kali cao, ít natri. Một số nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng axit glyceric và trigonelline trong bí đao có thể làm chậm quá trình chuyển hóa đường thành chất béo.
Theo Organic facts, trà bí đao giàu vitamin và chất chống oxy hóa, có thể hỗ trợ chứng đau dạ dày ruột, giúp bạn duy trì cân nặng, loại bỏ căng thẳng, giảm cholesterol tổng thể và thậm chí có thể giúp loại bỏ các chất gây ung thư trong cơ thể. Là một phương thuốc tự nhiên, trà bí đao còn có thể giúp giảm huyết áp.
Trà bí đao giàu vitamin và chất chống oxy hóa. (Ảnh minh họa)
Trà bí đao tốt nhưng trà bí đao đóng sẵn chưa chắc đã tốt. Trong quá trình sản xuất trà bí đao, bí đao được đun sôi với một lượng lớn đường sacaroza, tính chất của nó bị thay đổi, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu sẽ giảm đi. Tuy nhiên vì có đường nên sẽ mang lại tác dụng bổ dưỡng khí trong thời gian ngắn, thích hợp cho những người miệng khát, đổ nhiều mồ hôi khi ở ngoài trời nắng lâu. Do đó, trà bí đao quả thực là một sự cám dỗ khó cưỡng, có thể nhanh chóng cung cấp năng lượng và nâng cao tinh thần.
Tuy nhiên, các loại đường tinh luyện đại diện là đường hạt và đường sacaroza không thích hợp để cung cấp năng lượng liên tục, có thể cứu nguy ngay tức khắc nhưng không có lợi về lâu dài. Nếu uống nhiều sẽ sinh ra chứng nhiệt miệng, chứng nhiệt đàm này không thể giải quyết được chỉ bằng trà bí đao mà còn cần các loại thuốc khác.
Ngoài ra, trong quá trình nấu trà bí đao có nhiều bước lọc, làm giảm chất xơ trong thực phẩm ban đầu, đồng thời làm giảm một lượng dinh dưỡng chủ yếu của rau quả.
Trà bí đao đóng sẵn thường dễ bị bổ sung quá nhiều đường. (Ảnh minh họa)
Ai không thích hợp uống trà bí đao? Uống quá nhiều trà bí đao có sao không?
Trà bí đao không phù hợp với những người kiểm soát đường huyết kém, chẳng hạn như bệnh nhân tiểu đường. Vì hàm lượng đường quá cao, trà bí đao thậm chí đã nằm trong danh sách đen những thực phẩm mà người có đường huyết không ổn định nên tránh vì nó có thể khiến lượng đường trong máu giống như tàu lượn siêu tốc, có thể tăng lên nhanh chóng và sau đó khi insulin tiết ra, nó lại mau chóng giảm xuống.
Nó cũng không được khuyến khích cho bệnh nhân bị bệnh thận. Những người có cơ địa lạnh cũng chỉ nên uống trà bí đao với lượng nhỏ, rồi tăng dần để thích nghi vì bí đao có tính mát.
Ngoài ra, những người bị chướng bụng, tiêu chảy, tì vị hư hàn không nên dùng nhiều nước bí đao kẻo khiến bệnh thêm trầm trọng.
Trà bí đao dù có những lợi ích nhất định nhưng hãy sử dụng điều độ, vì tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tiêu chảy và buồn nôn.
Người đường huyết không ổn định, hay chướng bụng, tiêu chảy,... nên hạn chế uống trà bí đao. (Ảnh minh họa)
Dùng bí đao thế nào để có lợi?
Bạn nên ăn trực tiếp bí đao thay vì biến thành trà vì bạn có thể thưởng thức trọn vẹn dinh dưỡng trong đó. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, bí đao nhiều nước, làm sạch ruột và bổ sung đầy đủ chất xơ, đặc biệt không có vấn đề về đường như trà bí đao.
Vì bí đao có tính mát nên để cân bằng, có thể cho vài lát gừng khi nấu canh bí đao, vừa cải thiện mùi vị lại tăng tính ấm.
Mọi người cũng nên hiểu rằng trà bí đao có thể là loại đồ uống có hàm lượng đường cao kể cả khi chúng ta chế biến ở nhà vì để cân bằng hương vị, sẽ phải sử dụng không ít đường. Do đó, nên uống hạn chế, uống lượng vừa phải và tránh uống quá lạnh.