Trẻ bị điếc, thiểu năng vì mắc bệnh dễ lầm với ho sốt, lưu ý biểu hiện này ở trẻ

Ngày 23/06/2019 19:00 PM (GMT+7)

Nhiều trẻ nhỏ đã phải chịu những di chứng như bại liệt, điếc, thiểu năng trí tuệ…suốt đời chỉ vì cha mẹ chủ quan với căn bệnh lao.

Con suýt bị thiểu năng vì tưởng con ho, sốt là do sốt siêu vi

Đang chăm con nằm điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), anh Mai Thành L (38 tuổi, ngụ Bến Tre) cho biết vợ chồng anh suýt nữa thì không đứng vững khi nghe bác sĩ thông báo con anh bị lao màng não. Cách đây khoảng 2 tháng, bé Mai Ngọc Thùy M (8 tuổi, con anh L) bắt đầu xuất hiện dấu hiệu ho, sốt, khò khè. Đưa đến một phòng khám tư nhân ở địa bàn, các bác sĩ kết luận bé M bị sốt siêu vi và cho uống thuốc để điều trị.

“Ròng rã 2 tuần lễ nhưng bé vẫn không có dấu hiệu giảm bệnh. Sau đó, bé được đưa đến một bệnh viện gần nhà đề nằm viện theo dõi suốt 3 tuần. Đến khi con tôi bắt đầu hay đau cứng cổ, co giật, bệnh viện tại đây mới chuyển lên TP.HCM. Lúc này tôi mới biết con mình bị lao màng não”, anh L nói.

Hiện bé M vẫn đang được tích cực theo dõi và điều trị. Theo lời của anh L, nếu con gái anh nhập viện trễ hơn, nguy cơ bị điếc, mù, thậm chí thiểu năng trí tuệ là rất cao.

Tương tự, bé Nguyễn Ngọc Quỳnh A (23 tháng tuổi, ngụ Đăk Lăk) cũng là một trường hợp nhiễm lao nhưng không được phát hiện ngay từ đầu. “Thời gian gần đây bé chán ăn, hay quấy khóc và không chịu chơi đùa như trước. Thỉnh thoảng bé cũng có dấu hiệu nóng, sốt, cứ tưởng con bị sốt thông thường nên tôi chỉ ẵm con ra phòng khám để khám chứ không đưa đến bệnh viện.

Suốt hơn 3 tuần như thế nhưng bé không có dấu hiệu cải thiện, tôi đưa con đến TP.HCM khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2 và sau đó được phát hiện bị lao sơ nhiễm nên đã chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để điều trị. Tôi cứ nghĩ chỉ người lớn mới mắc các bệnh lao, chứ không biết trẻ em cũng dễ mắc bệnh”, chị Lê Thị Ánh T , mẹ bé A cho biết.

Nói về lý do bệnh lao hay dễ nhầm lẫn hoặc bỏ qua, theo BS Trần Ngọc Đường, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, các dấu hiệu bệnh lao của trẻ rất khó nhận biết bởi biểu hiện giống như bệnh cúm, viêm phế quản, suyễn, ho thông thường.

“Ở người lớn, tỉ lệ tìm được vi trùng lao trong đàm lên đến trên 50%, ở trẻ lớn là 12% nhưng ở trẻ nhỏ tỉ lệ này chỉ khoảng 2%. Về mặt địa lý, tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tỉ lệ chẩn đoán lao lên đến 80%-90% nhưng ở bệnh viện tuyến tỉnh tỉ lệ chẩn đoán rất thấp. Do đó, bệnh lao thường dễ bị bỏ qua, khi phát hiện trẻ nhiễm lao thường đã rơi vào tình trạng muộn, rất khó chữa trị, để lại nhiều di chứng nguy hiểm.

Trẻ bị điếc, thiểu năng vì mắc bệnh dễ lầm với ho sốt, lưu ý biểu hiện này ở trẻ - 1

Trẻ phải chịu nhiều biến chứng nặng nề vì mắc lao.

Dấu hiệu các loại bệnh lao, cha mẹ cần lưu ý

Theo các bác sĩ, bệnh lao là một kiểu nhiễm trùng đặc trưng cho đáp ứng miễn dịch kiểu trung gian tế bào. Sau khi bị lây nhiễm, trực khuẩn sẽ cho một nhiễm trùng tiên phát tại phổi gọi là sơ nhiễm lao. Vi khuẩn phân tán qua đường máu đến các cơ quan tạo thành các tiêu điểm nhỏ có sự hiện diện của vi khuẩn, sống trong nhiều năm dài. Từ các ổ tiêu điểm này, thường kèm theo một yếu tố giảm miễn dịch, vi khuẩn sẽ phát triển thành bệnh lao.

5% trường hợp là cho biến chứng ngay (gặp ở trẻ em). Trẻ em mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh lao, trong đó lao sơ nhiễm thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và không được tiêm phòng BCG.

Các chuyên gia cho biết, bệnh lao được chia thành các dạng:

Lao khởi đầu (lao sơ nhiễm) :Thường gặp nhiều nhất, có thể xảy ra ở trẻ từ dưới 14 tuổi, nhưng thông thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và chưa được chủng ngừa BCG. Khi bị sơ nhiễm lao thường trẻ không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng của cảm cúm thoáng qua, hay nóng sốt mệt mỏi… Một số trường hợp diễn tiến nhẹ và tự khỏi nếu trẻ có sức đề kháng tốt. 

Lao cấp tính: Lao màng não, lao kê cấp tính là hai biến chứng nặng và sớm của sơ nhiễm lao, dễ đưa đến tử vong nếu không biết và để lại di chứng trầm trọng nếu chẩn đoán trễ. Bệnh xảy ra ở các lứa tuổi, nhưng nhiều nhất ở trẻ không chủng ngừa BCG, trước 2 tuổi. 

Lao màng não :Xảy ra từ 2-12 tháng sau sơ nhiễm lao, báo hiệu với triệu chứng sốt nhẹ, thay đổi tính nết. Sau đó một tuần sốt 380C, nhức đầu, ói mửa, khám thấy có cứng cổ và đôi khi có dấu hiệu tổn thương thần kinh, co giật, hôn mê, lé mắt, động kinh, sụp mí mắt. 

Trẻ bị điếc, thiểu năng vì mắc bệnh dễ lầm với ho sốt, lưu ý biểu hiện này ở trẻ - 2

Nếu chẩn đoán chậm đưa đến di chứng nặng như di chứng tâm thần ở trẻ, ảnh minh họa.

Nếu chẩn đoán chậm đưa đến di chứng nặng như di chứng tâm thần (thiểu năng trí tuệ, rối loạn tính tình, động kinh); yếu liệt nửa người, tay chân co rút, mù mắt, điếc…

Lao kê: Là lao cấp ở phổi, xuất hiện trong những tuần lễ đầu sau sơ nhiễm lao với triệu chứng sốt cao, mạch nhanh, ói mửa, đau bụng, tiêu chảy, không có nốt hồng ban trên bụng (khác thương hàn) và luôn luôn có dấu hiệu hô hấp khó thở, tím tái. Trẻ bị lao kê thường dễ dẫn đến lao màng não. 

Lao đường hô hấp: Lao màng phổi và phổi thường gặp ở trẻ lớn, gần tuổi dậy thì hơn là trẻ nhỏ. Thường có triệu chứng ho kéo dài, sốt nhẹ, sụt cân, ăn uống kém… 

Lao ngoài phổi: Thường là biến chứng chậm hơn sau sơ nhiễm lao. Có nhiều dạng lao ngoài phổi như lao cột sống: giai đoạn đầu thường trẻ có biểu hiện đau vùng cột sống rồi từ từ gù lưng; lao xương, khớp: trẻ bị sưng đau khớp và chảy mủ ở xương khớp rò ra ngoài da; lao hệ niệu: trẻ có triệu chứng đi tiểu ra máu, thường có kèm theo sưng tinh hoàn – nếu là bé trai; lao hạch: nổi hạch thường từng chùm, dính nếu để trễ sẽ gây rò mủ làm sẹo xấu; lao ruột: đi tiêu lỏng hoặc đi tiêu ra đàm, máu kéo dài. 

Trước những biến chứng nguy hiểm của bệnh lao, các BS khuyến cáo trẻ sơ sinh cần được tiêm chủng vắc-xin ngừa lao (vắc-xin BCG) trong vòng 1 tuần đầu đời nhằm ngăn chặn lao sơ nhiễm, đồng thời phải hạn chế tối đa trường hợp trẻ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Bên cạnh đó, những trẻ và người có tiếp xúc với người bệnh lao phổi cần được quan tâm tầm soát lao hằng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi còn ở thể lao nhẹ, hạn chế những biến chứng nguy hiểm về sau.

Từng cắt dạ dày, bị lao phổi, vợ chồng bác sĩ sống khỏe tới 80 tuổi nhờ 2 thứ này
Một cặp vợ chồng danh y đã duy trì 2 nguyên tắc dưỡng sinh trong hơn 20 năm. Họ vốn yếu ớt nhưng đã trở nên khỏe mạnh, tươi trẻ. Bí quyết đơn giản ai...
HUY VÂN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp